Việc ứng dụng công nghệ để xây dựng các trung giám sát vận hành từ xa sẽ hỗ trợ đắc lực cho công tác quản lý, điều hành của lãnh đạo các cấp. Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tuyến do ông Trương Hoàng Vũ – Thành viên Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Tổng công ty Phát điện 2 điều hành.

ông Trần Phú Thái chỉ đạo tại Hội nghị
Ông Trần Phú Thái – Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Phát điện 2 chỉ đạo tại Hội nghị.

Sự kiện còn có sự tham dự của các thành viên Hội đồng quản trị, Ban Tổng Giám đốc, Thành viên Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số và Tổ công tác phụ trách chuyển đổi số trong lĩnh vực Sản xuất và CMCN 4.0 của EVNGENCO 2.

Tại Hội thảo, các thành viên tham dự đã được nghe ông Phạm Trung Tú - Trưởng Đại Diện OSIsoft tại Việt Nam và ông Trần Thanh Khang – CEO Công ty Năng lượng Môi trường Biển Đông (ESEC) trình bày chi tiết các nội dung liên quan đến hạ tầng dữ liệu sản xuất tập trung và giới thiệu về Trung tâm giám sát vận hành từ xa.

Theo các diễn giả, hạ tầng dữ liệu sản xuất tập trung sẽ mang lại nhiều lợi ích như: với hệ thống phần cứng và hạ tầng được đơn giản hóa sẽ giúp tối ưu chi phí đầu tư và vận hành; nâng cao tính bảo mật, an ninh mạng nên an toàn trong lữu trữ - trao đổi – truy xuất dữ liệu; hệ thống cũng mang tính mở, sẵn sàng cho triển khai ứng dụng của đối tác thứ ba và hình thành trung tâm giám sát từ xa – vận hành tập trung; bên cạnh đó, hệ thống cũng sẵn sàng cho việc phát triển công nghệ xu hướng mới (IoT, Cloud, AI/ML…).

Về khía cạnh vận hành, hạ tầng dữ liệu sản xuất tập trung cho phép nhiều đơn vị, phòng ban và người dùng của Tổng công ty/Nhà máy tiếp cận dữ liệu sản xuất tập trung trực tuyến, xuyên suốt và đồng bộ, là công cụ hỗ trợ đắc lực cho công tác điều hành sản xuất, cũng như kỹ thuật và bảo trì…

hình ảnh bài trình bầy tại Hội thảo
Phần tham luận của chuyên gia tại Hội nghị.

Đối với mô hình Trung tâm giám sát vận hành từ xa, người dùng có thể quản lý, giám sát vận hành các nhà máy phát điện trên cơ sở các báo cáo vận hành được thực hiện tự động một cách tối đa, cũng như giám sát online các thông số quan trọng, tính toán các chỉ tiêu sản xuất KPI và giám sát quy trình khởi động/dừng máy.

Ngoài ra, hệ thống còn cho phép giám sát và cảnh báo sớm sức khỏe thiết bị để bảo trì dựa trên điều kiện (CBM). Bên cạnh đó, người dùng cũng có thể giám sát hiệu suất thiết bị - chu trình và phát thải môi trường đối với các đơn vị nhiệt điện, cũng như giám sát hồ đập và tuân thủ môi trường của các đơn vị thủy điện.

Phát biểu chỉ đạo, ông Trần Phú Thái nhận định các chuyên gia và nội dung tại Hội thảo đã cung cấp kiến thức từ tổng quan hệ thống đến chi tiết các chức năng của Trung tâm giám sát vận hành từ xa, rất phù hợp với thực tế và nhu cầu của EVNGENCO2. Ông Thái đồng thời chỉ đạo các Đơn vị thành viên:“cần phối hợp với tư vấn trên cơ sở chỉ đạo của Tổng công ty, phải bắt tay triển khai thực hiện và áp dụng ngay; mục tiêu là hoàn thành trong năm 2022”.

Kết luận Hội thảo, ông Trương Hoàng Vũ đánh giá cao nội dung do Ban Kỹ thuật Sản xuất EVNGENCO2 phối hợp với các chuyên gia của OSIsoft và ESEC tổ chức. Vận dụng vào thực tế sản xuất, ông Vũ giao ban KTSX nghiên cứu, tham mưu cho Lãnh đạo Tổng công ty về phạm vi thực hiện trong giai đoạn 2021-2022. Với quyết tâm hoàn thành các khối lượng công việc trong năm 2022, đòi hỏi sự tham gia quyết liệt của tất cả các đơn vị trong toàn Tổng công ty.

[Quảng cáo]