Ghi nhận từ Tổ hợp khai thác Bôxit-Nhôm Lâm Đồng

LTS: Tây Nguyên, vùng đất đầy nắng gió đang rạo rực trở mình khi bô-xít, nguồn tài nguyên quý giá nằm dưới lớp địa tầng được Đảng, Chính phủ quyết định khai thác để xuất khẩu và sử dụng trong nền kinh

 

 

Chúng tôi đến Tổ hợp khai thác Bôxit - Nhôm Lâm Đồng khi các cột móng của nhà máy chế biến Alumin đã xuất hiện ngổn ngang trên nền đất đỏ ba - zan  và cách đó không xa, khu tái định cư của bà con dân tộc đang được xây dựng. Đây là một Dự án rất lớn của Nhà nước, nên theo chỉ đạo của Chính phủ, ba tháng một lần, ngành Công Thương phải tiến hành giao ban tại hiện trường, để nắm vững tình hình, báo cáo Thủ tướng xử lí kịp thời những bất trắc có thể xảy ra…

 Cuộc giao ban lần này, có mặt đầy đủ các thành phần cần triệu tập là: Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Ban Quản lý Dự án Tổ hợp Bô xít - Nhôm, Nhà thầu Chalieco, Sở Công Thương tỉnh Lâm Đồng và UBND huyện Bảo Lâm…

 Đoàn công tác của Bộ Công Thương do Thứ trưởng Lê Dương Quang dẫn đầu, có đại diện của Vụ Công nghiệp nặng, Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp…

 An toàn cho hồ chứa “bùn đỏ” và đảm bảo chính sách cho nhân dân khi ra khỏi khu vực khai thác bôxít là những vấn đề nhạy cảm, thu hút sự chú ý của xã hội, nên trước khi tiến hành giao ban, Đoàn công tác của Bộ đã có mặt, nắm tình hình tại các khu vực kể trên.

 …Đứng trong đáy một thung lũng, được bao bọc kín bởi những quả đồi với lớp đất sét dày lu lèn kĩ, các cán bộ chuyên ngành về an toàn môi trường công nghiệp trong Đoàn công tác cho biết: Với cách làm này, sau khi phủ kín vải nhựa công nghiệp và đổ một lớp bê tông lên mặt thung lũng, “bùn đỏ” sẽ không còn khả năng thẩm thấu vào đất nữa. Những hoá chất lẫn lộn với “bùn đỏ” trong quá trình tinh chế alumin sẽ mất dần tính độc hại, do được tách ra khỏi môi trường nước. Và khi đó, “bùn đỏ” có thể trở thành vật liệu dùng để đóng gạch, rải đường.

 Theo yêu cầu của Chính phủ, theo những quy định nghiêm ngặt về bảo vệ môi trường và cũng là để làm yên lòng dân chúng - những người coi “bùn đỏ” là một nguy cơ nên hồ chứa “bùn đỏ” đang được Bộ Công Thương và Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam tìm một đơn vị chuyên ngành Thuỷ lợi thẩm định, nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho môi trường.

 Hồ chứa “bùn đỏ” có diện tích rất lớn và một số trong 62 hộ dân chưa nhận tiền đền bù, có nhà cửa hoặc đất canh tác ở khu vực này. Trong nhiều năm, nhà cửa, đất đai được các hộ dân mua đi, bán lại bằng giấy viết tay, không thông qua cơ quan quản lí nhà đất và chính quyền địa phương, nên việc xác định chủ sở hữu đất đai trên hồ chứa “bùn đỏ” là rất phức tạp. Tuy nhiên, Ban Quản lí Dự án, UBND tỉnh Lâm Đồng và chính quyền địa phương cố gắng giải quyết dứt điểm từng trường hợp, không để xảy ra khiếu kiện trên công trình trọng điểm của Nhà nước, cho nên, dù có tốn kém và mất thời gian, vẫn dò tìm cho bằng được chủ đất mãi tận dưới thành phố Hồ Chí Minh về để giải quyết đền bù.

 Không phải hộ dân nào cũng muốn ở nhà trong Khu tái định cư do Ban Quản lí thiết kế và xây dựng, mặc dù nhà cửa ở đây được xây dựng rất bài bản và có đầy đủ các công trình hạ tầng như rãnh thoát nước, hệ thống cấp nước sạch, công trình vệ sinh… Một số người dân địa phương luyến tiếc phong cách sống trong những ngôi nhà cũ và bản thân họ muốn nhận tiền đền bù, tự tay làm lấy nhà cho mình, theo ý thích của mình mà vẫn dư ra một số tiền để làm việc khác. Ban Quản lí Dự án rất… chiều dân. Gặp trường hợp như vậy, họ làm văn bản ghi nhận yêu cầu của dân rồi cho dân nhận tiền, tự lo nhà ở.

 Một vấn đề gây “sốc” cho Ban Quản lí là khi dư luận đề cập đến số người nước ngoài làm những công việc giản đơn, nặng nhọc tại công trình. Phải thừa nhận, ban đầu, có một số lao động người Trung Quốc, bằng con đường du lịch qua Việt Nam, đã “tụt tạt” ghi danh cùng những lao động chính thức của Nhà thầu Chalieco. Theo lập luận của nhiều người, tình trạng này không chỉ xảy ra với những lao động Trung Quốc có mặt tại Việt Nam mà còn xảy ra đối với cả lao động Việt Nam ở nhiều nước khác. Họ làm như vậy là để trốn được một khoản lệ phí phải nộp khi đi lao động theo con đường xuất khẩu. Tuy nhiên, ở công trình hết sức nhạy cảm này, những đối tượng là người nước ngoài, lao động bất hợp pháp đã được rà soát, thanh lọc khỏi công trình. Trở về nước, ai muốn sang Việt Nam thì phải làm đầy đủ các thủ tục theo quy định hiện hành của hai nước…

 Hơn 700 công nhân Trung Quốc đã hoàn tất thủ tục và khu nhà ở của họ, nằm ngay cạnh công trình, được giám sát rất chặt chẽ. Ban ngày, khu nhà một tầng này vắng lặng vì công nhân đi làm và cả ban ngày lẫn ban đêm, lúc nào cũng thấp thoáng bóng các chiến sĩ công an Việt Nam tại cổng ra vào…

 Theo Ban Quản lí công trình, công nhân Trung Quốc có tay nghề cao và làm việc rất có trách nhiệm. Họ đảm nhiệm những phần việc nặng nhọc và còn tận tình giúp đỡ, hướng dẫn công nhân Việt Nam đào móng cọc, buộc sắt thép, dàn cốt pha, đổ bê tông. Hiện tại, cán bộ kĩ thuật và công nhân hai nước tại công trình xây dựng Nhà máy Alumin đã đào đắp gần 200.000 m3 đất, đổ 42.000 m3 bê tông, đào 29.000 mét cọc, gia công 3.950 tấn cốt thép và chuẩn bị lắp đặt một số thiết bị, nhằm đảm bảo tiến độ, có quặng, có alumin và có nhôm xuất khẩu theo dự kiến.

 Sự hiện diện của người lao động nước ngoài trên công trình giữa lúc kinh tế suy thoái, đã gây nên sự hoài nghi của nhiều người, tuy nhiên, theo lí giải của Trưởng ban Quản lí, đây là việc bình thường vì trong cơ chế thị trường, Nhà thầu có quyền lựa chọn lao động phù hợp với những tiêu chí của mình, tương tự như việc nhà thầu Việt Nam đưa công nhân Việt Nam sang Lào chứ không dùng người bản xứ.

 Trong những điều Thứ trưởng Lê Dương Quang yêu cầu các cơ quan, đơn vị đang tham gia xây dựng công trình phải chấp hành nghiêm chỉnh, có việc nhà thầu Chalieco phối hợp với Ban Quản lí và cơ quan an ninh, chính quyền địa phương, quản lí chặt chẽ số lao động đến từ nước ngoài.

 Theo tiến độ, một số thiết bị sẽ được Nhà thầu tập kết, lắp đặt sớm. Tuy nhiên, thủ tục nhập khẩu và kèm theo đó là chính sách thuế mới của Việt Nam đang là những trở ngại cho nhà thầu. Ông Nguyễn Mạnh Quân, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng đã đề nghị Ban Quản lí làm việc với Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, tìm cách vận dụng, tháo gỡ khó khăn cho công trình này…

 Sẽ còn rất nhiều việc phải làm trên những công trình của Tổ hợp Bô xit - Nhôm Lâm Đồng, nhưng thời điểm căng thẳng nhất đã qua. Cán bộ, công nhân, lao động Việt Nam và Trung Quốc đang sát cánh bên nhau để sớm biến những cam kết giữa hai bên trở thành hiện thực.