tàu container
 Tắc nghẽn nghiêm trọng tại các cảng chính của Hoa Kỳ với hàng loạt tàu container phải chờ ngoài khơi sẽ khiến tình trạng thiếu hụt container rỗng tại các cảng Châu Á trở nên trầm trọng hơn trong vòng 4 - 6 tuần tới (Ảnh: Bloomberg)

Hãng nghiên cứu thị trường S&P Global Platts (Anh) cho biết giá mặc dù nhu cầu vận chuyển hàng hoá có xu hướng giảm nhẹ và hầu hết các hãng vận chuyển đã lên xong lịch chuyển hàng cho đợt mua sắm Giáng sinh tới đây, giá cước vận chuyển container trên các chuyến từ khu vực Đông Nam Á đi Bắc Mỹ vẫn được giữ ổn định do tình trạng tắc nghẽn tại một số cảng chính và thiếu hụt container rỗng, các phương tiện vận chuyển.

Cụ thể, tổng chi phí vận chuyển (đã bao gồm các loại phụ phí) container trên tuyến từ Đông Nam Á đi Bờ Đông Hoa Kỳ trong tuần này dao động trong khoảng từ 19.000 USD – 20.000 USD/FEU (1 container 40 feet). Trong khi đó, tổng chi phí vận chuyển container trên tuyến từ Đông Nam Á đi Bờ Tây Hoa Kỳ phổ biến tại mức 16.500 USD – 17.000 USD/FEU.

Một số đơn hàng LCL (không đủ xếp đầy 1 container) có mức phí từ 9.000 USD – 12.000 USD/FEU trên các tuyến đi Bờ Tây Hoa Kỳ và từ 13.000 USD – 16.000 USD/FEU trên tuyến đi Bờ Đông Hoa Kỳ.

S&P Global Platts dẫn lời một hãng vận chuyển hàng hoá tại Singapore cho biết việc giá cước đơn hàng LCL thấp hơn mức giá cước do các hãng tàu đưa ra là dấu hiệu cho thấy nhu cầu vận chuyển hàng hoá đang giảm xuống. Hãng này cũng cho biết ngay cả khi nhu cầu vận chuyển hàng hoá tăng trở lại trong tháng 11 tới đây cho đến trước dịp Tết Nguyên đán 2022 vào tháng 2/2022 thì giá cước vận chuyển đi Bắc Mỹ khó có thể tăng trở lại mức cao kỷ lục 25.000 USD/FEU như hồi tháng 9 vừa qua.

Tình hình tắc nghẽn tại các cảng của Việt Nam và Singapore đang dần được cải thiện tuy nhiên các hãng vẫn chuyển vẫn đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt tàu và phương tiện vận chuyển.

S&P Global Platts dẫn lời một hãng vận chuyển tại Việt Nam cho biết “Nhiều hãng tàu đang muốn tối đa hoá công suất vận chuyển từ Trung Quốc do đó họ đang giảm công suất vận chuyển từ các cảng của Việt Nam cũng như các cảng khác nằm ngoài Trung Quốc. Điều này sẽ khiến hoạt động vận chuyển hàng hoá nội khu vực Châu Á gặp nhiều khó khăn”.  

Dữ liệu của Chính phủ Trung Quốc cho thấy lượng container được vận chuyển thông qua cảng Thượng Hải trong 9 tháng đầu năm nay đã đạt mức cao kỷ lục 34,8 triệu TEU (1 container loại 20 feet), tăng 9,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng lượng container được vận chuyển thông qua các cảng của Trung Quốc trong 9 tháng đầu năm nay đạt 211 triệu TEU, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm 2020.

Dữ liệu của hãng &P Global Platts cho thấy số lượng tàu hàng container phải xếp hàng chờ ngoài khơi để vào bốc dỡ hàng tại khu cảng Ningbo – Zhoushan, cảng container lớn thứ 2 Trung Quốc, hiện đã lên tới 46 tàu. Tổng chi phí vận chuyển hàng trên các tuyến từ Bắc Á đi Bờ Tây Hoa Kỳ hiện dao động từ 10.000 USD – 12.000 USD/FEU và trên các tuyến từ Bắc Á đi Bờ Đông Hoa Kỳ đạt từ 14.000 USD – 16.000 USD/FEU.

Hiện thị trường vận chuyển hàng hoá đang tập trung theo dõi chặt chẽ tình trạng tắc nghẽn tại các cảng Hoa Kỳ với lo ngại tình trạng vận chuyển hàng hoá còn bị chậm trễ cho đến đầu năm sau. Tính đến ngày 28/10, số lượng tàu phải xếp hàng chờ vào bốc dỡ tại khu cảng Los Angeles – Long Beach đã đạt mức cao kỷ lục 76 tàu. Khu cảng Los Angeles – Long Beach được xem là cửa ngõ nhập khẩu hàng hoá từ Châu Á vào Hoa Kỳ và xử lý đến 40% tổng lượng hàng hoá nhập khẩu vào Hoa Kỳ qua đường biển.

Thời gian chờ trung bình để được vào bốc dỡ hàng tại khu cảng Los Angeles – Long Beach hiện dao động từ 10 – 20 ngày. Tình trạng tắc nghẽn tại các cảng của Hoa Kỳ sẽ khiến một lượng lớn container rỗng không được chuyển lại về các cảng Châu Á kịp thời và sẽ khiến tình trạng thiếu hụt container rỗng tại Châu Á trở nên trầm trọng hơn trong vòng 4 – 6 tuần tới.