Nhu cầu sử dụng dầu thô có thể giảm xuống khi hàng loạt ngân hàng trung ương nâng lãi suất
Nhiều chuyên gia cảnh báo việc các ngân hàng trung ương gấp rút nâng lãi suất với cường độ mạnh nhất trong vòng 50 năm trở lại đây sẽ khiến nền kinh tế toàn cầu đối mặt với rủi ro suy thoái lớn hơn, kéo theo đó là khả năng suy giảm nhu cầu sử dụng nhiên liệu và khiến giá dầu thô tiếp tục giảm. (Ảnh: Reuters)

Vào lúc 9h00 sáng nay (ngày 21/9, theo giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent giao tháng 11/2022 giao dịch quanh mức 90,42 USD/thùng. Giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) giao tháng 11/2022 giảm 1,8% xuống mức 84,19 USD/thùng.  

Chốt phiên giao dịch ngày 20/9 (theo giờ địa phương), giá dầu thô Brent giảm 1,5% xuống 90,62 USD/thùng. Giá dầu thô WTI giao tháng 10/2022 giảm 1,28 USD xuống còn 84,45 USD/thùng; đây cũng là phiên giao dịch cuối cùng của hợp đồng dầu thô WTI giao tháng 10/2022.

Giá dầu thô chịu áp lực giảm khi thị trường lo ngại Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) có thể quyết định tiếp tục nâng lãi suất thêm 75 điểm phần trăm trong phiên họp chính sách lần này (ngày 21/9). Một số ngân hàng trung ương lớn khác, bao gồm cả Ngân hàng Trung ương Anh (BOE), cũng sẽ nhóm họp trong tuần này để đưa ra các chính sách tiền tệ mới.

Nhiều chuyên gia cảnh báo các ngân hàng trung ương trên toàn cầu đang chuẩn bị cho một đợt tăng lãi suất mới nhằm kiềm chế lạm phát bất chấp việc nâng lãi suất sẽ khiến rủi ro suy thoái kinh tế toàn cầu trở nên cao hơn.

Lạm phát tại nhiều nền kinh tế lớn hiện đang có dấu hiệu ngấm sâu, neo ở mức cao kỷ lục trong hàng chục năm trở lại đây. Dữ liệu mới nhất cho thấy lạm phát trong tháng 8 tại Hoa Kỳ đã tăng 8,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Lạm phát trong tháng 8 tại khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) chạm mức cao kỷ lục 9,1% và lên tới 10,1% trên toàn Liên minh châu Âu (EU).

Chuyên gia phân tích Toshitaka Tazawa thuộc hãng chứng khoán Fujitomi Securities (Nhật Bản) cho biết “Tâm lý thị trường đang ở mức tiêu cực với lo ngại việc Hoa Kỳ và châu Âu gấp rút siết chặt chính sách tiền tệ sẽ làm gia tăng nguy cơ suy thoái kinh tế, kéo theo đó là sự suy giảm nhu cầu sử dụng nhiên liệu. Do giá dầu thô đã giảm xuống khi thị trường lo ngại các đợt tăng lãi suất mới, giá dầu thô có thể bật tăng ngắn trở lại sau khi thông tin chính thức về việc tăng lãi suất được công bố. Tuy nhiên, giá dầu thô có thể sẽ tiếp tục xu hướng giảm xuống do lo ngại nhu cầu sử dụng suy yếu”.

Việc FED gấp rút siết chặt chính sách tiền tệ đã khiến đồng USD tăng giá đáng kể so với các đồng tiền khác trên thế giới. Chỉ số US Dollar Index, đo lường biến động giá giữa đồng USD với 6 đồng tiền chủ chốt khác trên thế giới, hiện đang ở mức cao nhất trong vòng 20 năm trở lại đây. Điều này khiến giá các loại hàng hoá, nguyên liệu thô như dầu thô vốn được định giá bằng đồng USD trở nên “đắt đỏ” hơn đối với các nhà đầu tư nắm giữ loại tiền tệ khác.

Tính từ đầu quý 3 đến nay, giá dầu thô Brent và dầu thô WTI đã giảm mạnh hơn 22%, hướng đến quý giảm giá mạnh nhất kể từ đầu năm 2020 - thời điểm đại dịch Covid-19 bắt  đầu lan rộng ra toàn cầu. Nếu so với mức đỉnh 139 USD/thùng hồi tháng 3 - mức cao nhất kể từ năm 2008, giá dầu thô Brent hiện đã giảm tới 35%.

Trong một diễn biến có liên quan, tập đoàn khai thác dầu thô lớn nhất thế giới Saudi Aramco (Saudi Arabia) vừa nhận định kế hoạch áp thuế phụ thu đối với các công ty năng lượng của EU nhằm giúp khu vực này vượt qua cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay sẽ chỉ có tác dụng trong ngắn hạn.

Saudi Aramco cũng nhấn mạnh cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay chủ yếu do tình trạng thiếu đầu tư vào việc khai thác các nguồn năng lượng có chứa carbon.