giá dầu thô thế giới ngày hôm nay
Giá dầu thô Brent và dầu thô WTI trong vòng 30 ngày gần đây (Nguồn: Oil Price)

Vào lúc 8h00 sáng nay ngày 31/8 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent giao tháng 10/2022 tăng 0,48% lên 99,79 USD/thùng. Giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) giao tháng 10/2022 tăng 0,53%  lên 92,13 USD/thùng.

Chốt phiên giao dịch ngày 30/8 (theo giờ địa phương), giá dầu thô Brent giao tháng 10/2022 đã giảm mạnh tới 5,5% xuống còn 99,31 USD/thùng; trong phiên giao dịch, đã có lúc giá loại dầu này giảm còn 97,55 USD/thùng. Giá dầu thô WTI cũng giảm 5,5% xuống còn 91,64 USD/thùng. Đây là những mức giảm mạnh nhất trong một tháng trở lại đây.

Thị trường phản ứng tiêu cực sau khi cơ quan điều hành thị trường của Chính phủ Iraq SOMO cho biết hoạt động xuất khẩu dầu thô của nước này không bị ảnh hưởng bởi cuộc xung đột chính trị hiện nay. SOMO cũng cho biết Iraq có thể tăng cường xuất khẩu dầu thô sang châu Âu nếu cần thiết. Iraq hiện là quốc gia xuất khẩu dầu mỏ lớn thứ 4 thế giới.

Trước đó, một số thông tin cho thấy các nhóm vũ trang đã bao vây một số cơ sở khai thác và lọc hoá dầu quan trọng nhất của Iraq. Quốc gia này đang đối mặt với tình trạng xung đột chính trị nghiêm trọng nhất trong nhiều năm trở lại đây.

Giá dầu thô cũng chịu áp lực tiêu cực từ việc tập đoàn năng lượng Nga Gazprom Neft cho biết đang lên kế hoạch nâng gấp đôi sản lượng khai thác của giếng dầu Zhagrin tại Tây Siberia lên mức hơn 110.000 thùng/ngày.

Đầu tuần này, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết sản lượng khai thác dầu thô của Nga hiện đã vượt các nhận định trước đây, bất chấp các tác động từ cuộc xung đột quân sự Nga -  Ukraine. IEA cũng cho biết các quốc gia thành viên có thể sẽ tiếp tục sử dụng nguồn dầu thô dự trữ quốc gia để “hạ nhiệt” tình trạng căng thẳng nguồn cung hiện nay.

Đồng thời, Venezuela cho biết nước này đã sẵn sàng hợp tác với tập đoàn năng lượng Chevron Corp (Hoa Kỳ) nhằm tái khởi động lại việc khai thác một số mỏ dầu.

Giới đầu tư cũng lo ngại các ngân hàng trung ương lớn trên toàn cầu sẽ siết chặt hơn nữa chính sách tiền tệ bất chấp rủi ro suy thoái nhằm kiềm chế lạm phát đang ở mức cao kỷ lục. Điều này có thể khiến triển vọng nhu cầu sử dụng nhiên liệu thời gian tới giảm xuống và các kênh đầu tư rủi ro cao như thị trường dầu mỏ tương lai trở nên kém hấp dẫn hơn.

Dữ liệu mới nhất cho thấy lạm phát tại Đức trong tháng 8/2022 đã chạm mức cao nhất trong gần 50 năm trở lại đây. Ngân hàng Trung ương Hungary vừa nâng lãi suất cơ bản thêm 100 điểm phần trăm lên 11,75% nhằm kiềm chế lạm phát. Một số ý kiến cho rằng Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cần nâng lãi suất cơ bản thêm 75 điểm phần trăm trong phiên họp chính sách tháng 9 tới đây.

Hiện thị trường tập trung theo dõi diễn biến xung quanh phiên họp định kỳ tháng 9 của liên minh OPEC+. Liên minh OPEC+, bao gồm Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) do Saudi Arabia dẫn đầu và các quốc gia khai thác dầu thô đồng minh do Nga lãnh đạo, hiện kiểm soát hơn 50% tổng nguồn cung dầu thô toàn cầu.

Trong tuần trước, Saudi Arabia đã cảnh báo OPEC có thể cắt giảm sản lượng khai thác nhằm ngăn chặn đà sụt giảm của giá dầu thô và nhấn mạnh diễn biến giá dầu trên thị trường tương lai không phản ánh đúng thực tế tình trạng căng thẳng nguồn cung hiện nay trên thị trường giao ngay.

Giới phân tích nhận định trong bối cảnh các nước khai thác dầu thô lớn hiện đang duy trì sản lượng mức tối đa và các dấu hiệu cho thấy tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang giảm tốc thì khả năng liên minh OPEC+ giảm sản lượng khai thác có thể tăng lên.