Diễn biến giá dầu thô thế giới
Diễn biến giá dầu thô Brent và dầu thô WTI từ đầu năm 2023 đến nay. (Nguồn: Oil Price)

Vào lúc 11h30 sáng nay (3/2), giá dầu thô Brent giao tháng 3/2022 được giao dịch quanh mốc 82,1 USD/thùng; giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) đạt 75,8 USD/thùng. Nếu tính từ đầu tuần đến nay, giá dầu thô Brent hiện đã giảm 4,8% và giá dầu thô WTI giảm 4,5%. Trong tuần trước, giá dầu thô Brent và WTI đã lần lượt giảm 1,1% và 2%.

Giá dầu thô đang bị chi phối bởi nhiều yếu tố khi thị trường chờ đợi các tín hiệu rõ ràng hơn về triển vọng gia tăng nhu cầu sử dụng nhiên liệu tại Trung Quốc khi nước này tái mở cửa hoàn toàn nền kinh tế. Tập đoàn tài chính ANZ (Australia) cho biết mặc dù hoạt động giao thông tại 15 thành phố lớn nhất Trung Quốc đã tăng vọt sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán nhưng thị trường gần như không xuất hiện các giao dịch mua dầu thô của Trung Quốc.

Trước đó, nhiều dự báo nhận định việc Trung Quốc tái mở cửa nền kinh tế sẽ thúc đẩy nhu cầu nhập khẩu dầu thô của nước này và giá dầu thô có thể lên tới 110 USD/thùng vào quý 3/2023 nếu quá trình tái mở cửa của Trung Quốc diễn ra thuận lợi. Nhu cầu sử dụng dầu thô trong năm nay được Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) sẽ thiết lập kỷ lục mới, đạt 101,7 triệu thùng, chủ yếu nhờ sự phục hồi nhu cầu từ Trung Quốc.

Việc đồng USD suy yếu đang hỗ trợ tích cực cho các loại hàng hoá, nguyên liệu thô được định giá bằng đồng tiền này, đặc biệt là dầu thô. Thị trường hiện nhận định Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) sẽ không còn đưa ra các đợt tăng mạnh lãi suất trong thời gian tới; trong khi đó, các nền kinh tế lớn vẫn đang tiếp tục tăng mạnh lãi suất điều hành để kiềm hãm lạm phát. Điều này đã khiến đồng USD giảm giá so với nhiều đồng tiền chủ chốt khác trên thế giới.

Tuy nhiên, rủi ro suy giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế tại Hoa Kỳ - quốc gia tiêu thụ dầu thô lớn nhất thế giới cùng với rủi ro suy thoái tại nhiều nền kinh tế khác như Anh, Liên minh châu Âu, Nhật Bản và Canada đang kìm hãm đà tăng của giá dầu thô.

Chuyên gia phân tích cấp cao Edward Moya từ hãng chứng khoán OANDA (Hoa Kỳ) cho biết: “Thị trường hiện cần một dấu hiệu rõ ràng cho thấy quá trình tái mở cửa của Trung Quốc diễn ra suôn sẻ và nền kinh tế Hoa Kỳ không suy giảm tăng trưởng quá nhanh”.

Liên minh OPEC+ vừa tái khẳng định sẽ giữ nguyên mức cắt giảm sản lượng khai thác như hiện nay và kêu gọi 23 quốc gia thành viên tuân thủ đầy đủ thoả thuận định mức khai thác. Liên minh OPEC+, gồm Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các quốc gia khai thác dầu thô đồng minh, hiện kiểm soát hơn 50% nguồn cung dầu trên toàn cầu. Trước đó, tại cuộc họp hồi tháng 10/2022, OPEC+ đã nhất trí cắt giảm sản lượng 2 triệu thùng/ngày, tương đương khoảng 2% nhu cầu toàn cầu, kể từ tháng 11/2022 đến hết năm 2023 nhằm hỗ trợ cân bằng cung - cầu trên thị trường năng lượng thế giới.