Giá dầu thô thế giới hôm nay
Diễn biến giá dầu thô Brent và giá dầu thô WTI trong vòng 30 ngày gần đây (Nguồn: Oil Price)

Vào lúc 9h00 sáng nay (ngày 7/10, theo giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent giao tháng 11/2022 được giao dịch quanh mức 94,25 USD/thùng. Giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) giao tháng 11/2022 đạt 88,36 USD/thùng.

Chốt phiên giao dịch ngày 6/10 (theo giờ địa phương), giá dầu thô Brent tăng 1,1% lên 94,42 USD/thùng; giá dầu thô WTI tăng 0,8% lên 88,45 USD/thùng.

Đà tăng của giá dầu thô đang được củng cố sau khi liên minh OPEC+ bất ngờ quyết định cắt giảm sản lượng khai thác trong tháng 11 tới đây lên mức 2 triệu thùng/ngày trong phiên họp vào ngày 5/10. Mức cắt giảm này tương đương 2% tổng nguồn cung dầu thô toàn cầu và cao hơn gấp đôi mức dự báo của thị trường đưa ra trước đó. Đây cũng là lần đầu tiên liên minh OPEC+ giảm đáng kể sản lượng khai thác kể từ năm 2020.

Liên minh OPEC+, bao gồm Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) do Saudi Arabia dẫn đầu và các quốc gia khai thác dầu thô đồng minh do Nga lãnh đạo, hiện kiểm soát hơn 50% tổng nguồn cung dầu thô toàn cầu.

Giới phân tích nhận định việc OPEC+ giảm mạnh sản lượng khai thác sẽ khiến tình trạng căng thẳng nguồn cung năng lượng toàn cầu trở nên nghiêm trọng hơn và có thể gia tăng áp lực lạm phát tại nhiều nền kinh tế, đặc biệt là khi Liên minh châu Âu (EU) chuẩn bị cấm nhập khẩu hoàn toàn dầu thô và các sản phẩm từ dầu của Nga vào đầu tháng 12 tới đây.

Trong tháng 9 vừa qua, lạm phát tại khu vực các quốc gia sử dụng đồng tiền chung (Eurozone) đã lập kỷ lục mới với mức tăng 10%, thậm chí lạm phát tại một số quốc gia thành viên đã vượt mức 22%. Nguyên nhân chủ yếu do giá năng lượng tại châu Âu liên tục tăng cao và gia tăng tâm lý không chắc chắn về tình hình an ninh năng lượng trong mùa Đông tới đây.  

Tập đoàn tài chính Goldman Sachs (Hoa Kỳ) đã nâng dự báo giá dầu thô Brent trung bình từ mức 99 USD lên 104 USD/thùng trong năm nay, và từ mức 108 USD lên 110 USD/thùng trong năm 2023. Hãng tư vấn năng lượng hàng đầu thế giới Rystad Enery (Na Uy) cũng nâng mạnh dự báo giá dầu thô Brent trong tháng 12/2022 từ mức 89 USD lên 100 USD/thùng.  

Saudi Arabia cho biết việc liên minh OPEC+ cắt giảm sản lượng khai thác là nhằm đối phó với việc hàng loạt nền kinh tế phương Tây đang nâng mạnh lãi suất và tình trạng nền kinh tế toàn cầu suy yếu. Trong thời gian vừa qua, Saudi Arabia đã liên tục nhấn mạnh diễn biến giá dầu thô trên thị trường tương lai không phản ánh đúng tình trạng “căng thẳng” nguồn cung hiện nay trên thị trường giao nay.

Trong khi đó, Nga cho biết động thái cắt giảm sản lượng trên là nhằm đối phó với việc phương Tây dự định áp trần giá đối với dầu thô của nước này.

Hoa Kỳ đã phản ứng gay gắt với quyết định của OPEC+ và cho biết sẽ xả bán thêm 10 triệu thùng dầu trong Kho dự trữ dầu chiến lược (SPR) của nước này trong tháng 11 nhằm bình ổn nguồn cung trên thị trường. Hoa Kỳ nhấn mạnh các nước có thu nhập thấp và trung bình trên toàn cầu sẽ chịu tác động mạnh nhất từ việc nguồn cung dầu sụt giảm.