Giá dầu thô 8/8: Dầu Brent chững giá, mức chênh lệch giá crack tại nhiều nhà máy lọc hoá dầu suy giảm mạnh

Trong phiên giao dịch sáng nay ngày 8/8, giá dầu thô Brent giao dịch quanh mức 94,97 USD/thùng, gần như không đổi so với mức giá chốt phiên giao dịch cuối tuần trước. Mức chệnh giá crack (crak spread) của nhiều nhà máy lọc hoá dầu trên toàn cầu hiện cũng giảm mạnh khiến hoạt động sản xuất xăng dầu suy yếu.
Giá dầu thô thế giới
Diễn biến giá dầu thô Brent và giá dầu thô WTI trong vòng 30 ngày gần đây (Nguồn: Oil Price)

 

Vào lúc 11h30 sáng nay ngày 8/8 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent giao tháng 9/2022 đạt mức 94,97 USD/thùng. Giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) giao tháng 9/2022 đạt 89,01 USD/thùng. Cả hai mức giá này gần như không đổi so với mức giá chốt phiên giao dịch cuối tuần trước.

Tính chung cả tuần trước, giá dầu thô Brent và dầu thô WTI đã lần lượt giảm 11% và 8%, chạm mức như trước khi cuộc xung đột quân sự Nga – Ukraine nổ ra hồi cuối tháng 2. Giá dầu thô hiện chịu áp lực giảm lớn do lo ngại tăng trưởng nhu cầu sử dụng dầu thô trong thời gian tới sẽ ở mức yếu khi nhiều nền kinh tế lớn như Hoa Kỳ, khu vực các nước sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đối mặt rủi so suy thoái cao, các nền kinh tế mới nổi đối mặt áp lực nợ tăng cao, và tác động tiêu cực từ việc Trung Quốc phong toả diện rộng nhằm kiểm soát dịch COVID-19.

Bên cạnh đó, sự suy yếu nhu cầu sử dụng nhiên liệu tại nhiều nơi trên thế giới đang ảnh hưởng tiêu cực đến các nhà máy lọc hoá dầu trên toàn cầu. Trong nhiều tháng vừa qua, các nhà máy lọc hoá dầu đã được hưởng lợi nhờ mức chênh lệch giá crack (crak spread - mức chênh lệch giữa giá một thùng dầu thô và một thùng sản phẩm hoá dầu) ở mức cao kỷ lục.

Điển hình, các nhà máy lọc hoá dầu tại Singapore ghi nhận mức chênh lệch giá crak ở mức 68,69 USD/thùng trong tháng 6. Mặc dù mức chênh lệch giá crack này giảm về khoảng 30 USD/thùng trong vài tuần sau đó nhưng con số này vẫn cao hơn gần 4 lần so với mức 11,83 USD/thùng hồi cuối năm ngoái, và cao hơn khoảng 5,5 lần so với mức giá vào cùng kỳ năm 2021.

Tuy nhiên, mức chênh lệch giá crack hiện đã giảm mạnh, đặc biệt là trên thị trường châu Á. Dữ liệu của hãng Refinitv cho thấy mức chênh lệch giá crack đối với mặt hàng xăng dầu tại thị trường châu Á đã giảm từ mức 38,05 USD/thùng trong tháng 6 xuống còn 14 cent/thùng trong tháng 7 vừa qua. Mức chênh lệch giá spread chung của ngành lọc hoá dầu châu Á hiện chỉ còn 88 USD/thùng đối với loại dầu thô Dubai, giảm mạnh so với mức 30,49 USD/thùng trong tháng 6.  

Điều này khiến tồn trữ dầu thô tại các trung tâm phân phối lớn trên thế giới như Hoa Kỳ, Singapore  và Hà Lan đều đang tăng lên. Đồng thời, một số nhà máy lọc hoá dầu cũng buộc phải cắt giảm sản lượng xăng dầu để giảm rủi ro thua lỗ và chuyển sang sản xuất các sản phẩm khác có biên lợi nhuận cao hơn.

Hãng tin Reuters dẫn lời phát ngôn viên của Tập đoàn hoá dầu Formosa (Đài Loan, Trung Quốc) cho biết tập đoàn này đang có kế hoạch giảm 5% công suất hoạt động tại các phân xưởng RFCC trong tuần tới. Tập đoàn này cũng lên kế hoạch đẩy mạnh bán ra dầu nhiên liệu lưu huỳnh thấp (VLFSO) do loại nhiên liệu này có tỷ suất lợi nhuận cao hơn xăng dầu thông thường. Tập đoàn hoá dầu Formosa  hiện là một trong những doanh nghiệp xuất khẩu nhiên liệu lớn nhất châu Á.  

Tường Vy