Giá dầu thô thế giới hôm nay
Diễn biến giá dầu thô Brent và dầu thô WTI trong vòng 30 ngày gần đây (Nguồn: Oil Price)

Vào lúc 9h00 sáng nay ngày 8/9 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent giao tháng 10/2022 tăng 0,93% lên 88,75 USD/thùng, giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) giao tháng 10/2022 cũng tăng 0,95% lên 82,72 USD/thùng.

Chốt phiên giao dịch ngày 7/9 (theo giờ địa phương), giá dầu thô Brent giảm mạnh 4,83 USD/thùng xuống còn 88 USD/thùng. Đây là lần đầu tiên kể từ đầu tháng 2/2022, giá dầu thô Brent giảm xuống dưới ngưỡng tâm lý quan trọng 90 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu thô WTI giảm 4,94 USD xuống còn 81,94 USD/thùng - mức thấp nhất kể từ hồi tháng 1/2022.

Giá dầu thô phục hồi nhẹ trong phiên giao dịch sáng nay sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo Nga có thể ngưng xuất khẩu dầu thô và khí đốt nếu như các nước phương Tây áp đặt trần giá đối với các mặt hàng năng lượng của nước này.

Nếu điều này xảy ra, các nước Trung Âu như Czech, Slovakia, và Romania sẽ chịu ảnh hưởng nghiêm trọng. Trong tuần trước, Nga đã tạm dừng hoạt động vô thời hạn tuyến đường ống dẫn khí đốt quan trọng Nord Stream 1, khiến tình trạng căng thẳng nguồn cung khí đốt tại châu Âu trở nên nghiêm trọng hơn.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen đang vận động kế hoạch áp trần giá khí đốt nhập khẩu từ Nga nhằm hạn chế nguồn thu của nước này và giúp kiềm chế giá khí đốt tăng cao kỷ lục tại châu Âu. Pháp và Ba Lan đã lên tiếng ủng hộ kế hoạch này, thậm chí Ba Lan đề xuất áp trần giá đối với tất cả hoạt động nhập khẩu khí đốt vào Liên minh châu Âu (EU). Nga vừa qua đã giảm cung cấp khí đốt cho Pháp và cảnh báo giá khí đốt tại châu Âu có thể tăng 60% trong mùa Đông năm nay.

Tuy nhiên, Đức - nền kinh tế lớn nhất  EU hiện không ủng hộ kế hoạch này do lo ngại nếu Nga giảm nguồn cung năng lượng cho châu Âu, Đức sẽ buộc phải chia sẻ phần khí đốt dự trữ cho các nước khác theo quy định của EU, khiến Đức sẽ còn lại ít khí đốt hơn nữa cho thị trường trong nước.

Trong khi đó, nhằm đối phó với tình trạng giá năng lượng tăng vọt, tân Thủ tướng Anh Liz Truss dự kiến sẽ huỷ bỏ lệnh cấm khai thác dầu mỏ tại nước này, và tăng cường khai thác các mỏ dầu và mỏ khí đốt tại khu vực Biển Bắc.

Thị trường dầu mỏ toàn cầu hiện tập trung quan sát động thái tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới. Giới phân tích nhận định nhiều ngân hàng trung ương lớn đang chuẩn bị tiến hành một đợt nâng lãi suất mới nhằm kiềm chế lạm phát vốn ở mức cao kỷ lục trong nhiều năm trở lại đây. Điều này sẽ khiến tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm tốc, kéo theo đó là nhu cầu yếu hơn đối với các mặt hàng nhiên liệu.

Dự kiến, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ tăng mạnh lãi suất trong phiên họp ngày 8/9 (theo giờ địa phương). Vào ngày 21/9 tới đây, Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) cũng sẽ tiến hành họp định kỳ. Trong hội nghị các ngân hàng trung ương toàn cầu vào cuối tháng 8 vừa qua, Chủ tịch FED Jerome Powell cho biết không loại trừ khả năng FED sẽ tăng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm, tuỳ thuộc vào diễn biến của nền kinh tế Hoa Kỳ.