Diễn biến giá dầu thô
 Diễn biến giá dầu thô Brent và WTI từ ngày 3/5 - 2/6/2021 (Ảnh: Oil Price)

Chốt phiên giao dịch ngày 1/6 (theo giờ địa phương), giá dầu thô Brent giao tương lai đã tăng 1,3% lên 70,25 USD/thùng; trong đầu phiên giao dịch, đã có lúc giá dầu thô Brent chạm mốc 71 USD/thùng – mức cao nhất kể từ ngày 8/3/2020. Giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) giao tương lai cũng tăng mạnh 2,1% lên 67,72 USD/thùng.

Đà tăng của giá dầu thô hiện đang được hỗ trợ bởi các dự báo nhu cầu sử dụng nhiên liệu trên toàn cầu trong mùa hè này sẽ tăng mạnh, đặc biệt là nhu cầu sử dụng nhiên liệu tại Hoa Kỳ. Các dữ liệu cho thấy nhu cầu sử dụng xăng tại Hoa Kỳ trong dịp nghỉ lễ Chủ nhật tuần trước đã tăng mạnh 9,6% so với mức trung bình của 4 ngày Chủ nhật gần nhất trước đó. Đây cũng là mức sử dụng nhiên liệu vào ngày Chủ nhật tại Hoa Kỳ cao nhất kể từ hồi mùa hè năm 2019.

Trong khi đó, khảo sát của hãng tin Reuters (Anh) cho thấy lượng tồn trữ dầu thô tại Hoa Kỳ trong tuần trước có thể đã giảm tới 2,1 triệu thùng. Giá dầu thô cũng được hỗ trợ bởi dữ liệu cho thấy hoạt động sản xuất chế tạo tại Trung Quốc trong tháng 5 vừa qua đã chạm mức cao nhất kể từ cuối tháng 12/2020. Trung Quốc hiện là quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới.

Tuy nhiên, đà tăng của giá dầu thô đang bị kìm hãm bởi thị trường lo ngại nguồn cung dầu thô ra thị trường sẽ tăng lên trong thời gian tới, đặc biệt lượng dầu thô xuất khẩu của Iran có thể tăng lên nếu như nước này đạt được thoả thuận hạt nhân mới với Hoa Kỳ.

Liên minh OPEC+, bao gồm Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) do Ả-rập Xê-út lãnh đạo và các nước khai thác dầu thô đồng minh do Nga dẫn đầu, đã đồng ý sẽ tiếp tục nâng dần sản lượng khai thác.

Trước đó, trong tháng 4/2021, liên minh OPEC+ đã quyết định nâng sản lượng khai thác thêm 2,1 triệu thùng/ngày trong khoảng từ tháng 5 – tháng 7/2021 mặc dù đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại Ấn Độ - quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn thứ ba thế giới.

Phát biểu sau phiên họp của liên minh OPEC+, Bộ trưởng Năng lượng Ả-rập Xê-út Hoàng tử Abdulaziz bin Salma cho biết nhu cầu sử dụng dầu thô của Hoa Kỳ và Trung Quốc hiện đang phục hồi tốt.

“Việc tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 đang ngày càng được đẩy nhanh hơn với khoảng 1,8 tỷ liều vaccine đã được phân bổ trên toàn cầu. Điều này sẽ giúp thị trường dầu mỏ toàn cầu tiến gần hơn đến ngưỡng cân bằng”, Hoàng tử Abdulaziz bin Salma cho biết.

Trong khi đó, Tổng thư ký OPEC ông Mohammad Barkindo cho biết việc Iran gia tăng lượng dầu thô xuất khẩu trong thời gian tới sẽ không gây xáo trộn thị trường và điều này sẽ diễn ra một cách có trật tự, minh bạch. Dự kiến lượng dầu thô xuất khẩu của Iran sẽ tăng thêm từ 1 triệu – 1,5 triệu thùng/ngày nếu như các lệnh cấm vận nhắm vào nước này được dỡ bỏ.

Tính từ đầu năm đến nay, giá dầu thô đã tăng hơn 30% khi thị trường lạc quan về triển vọng nhu cầu sử dụng dầu thô trong năm nay trong bối cảnh nhiều nền kinh tế lớn, đặc biệt là Hoa Kỳ, tái mở cửa trở lại và nhiều khu vực khác đang đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19.