Giá dầu thô đạt mức cao nhất kể từ năm 2018, vượt mốc 76 USD/thùng

Chốt phiên giao dịch ngày 23/6, giá dầu thô quốc tế tiếp tục tăng, tiệm cận mức cao nhất kể từ hồi năm 2018 sau khi dữ liệu cho thấy tồn trữ dầu thô tại Hoa Kỳ sụt giảm mạnh và đồng USD suy yếu.
Giá dầu thô
 Diễn biến giá dầu thô WTI và dầu thô Brent từ ngày 24/5 - 24/6/2021 (Ảnh: Oil Price)

Chốt phiên giao dịch ngày 23/6 (theo giờ địa phương), giá dầu thô Brent giao tương lai đã tăng 0,5% lên 75,19 USD/thùng; trong phiên giao dịch, đã có lúc giá dầu thô Brent đạt 76,02 USD/thùng – mức cao nhất kể từ tháng 10/2018.

Giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) giao tương lai cũng tăng 0,3% lên 73,08 USD/thùng; trong phiên giao dịch, giá dầu thô WTI cũng có lúc chạm 74,25 USD/thùng – mức cao nhất kể từ tháng 10/2018.

Thị trường ngày càng lạc quan hơn về triển vọng nhu cầu sử dụng dầu thô trong tương lai khi dữ liệu mới nhất của Bộ Năng lượng Hoa Kỳ (EIA) cho thấy lượng tồn trữ dầu thô trong tuần trước tại Hoa Kỳ đã giảm 7,6 triệu thùng xuống còn 459,1 triệu thùng. Con số này cao hơn nhiều so với mức dự báo giảm 3,9 triệu thùng của giới phân tích đưa ra trước đó.

Dữ liệu cũng cho thấy lượng tồn trữ dầu thô tại khu cảng dầu Cushing (tiểu bang Oklahoma) đã giảm 1,8 triệu thùng, xuống mức thấp nhất kể từ hồi tháng 3/2020; nhu cầu sử dụng xăng dầu cũng tăng lên. Cảng dầu Cushing là một trong những khu vực chứa dầu thô thương mại lớn nhất Hoa Kỳ và là điểm giao dầu chính cho các hợp đồng giao dịch dầu thô WTI trên thị trường giao sau.

Bên cạnh đó, việc đồng USD suy yếu trở lại cũng giúp dầu thô trở nên hấp dẫn hơn với các nhà đầu tư nắm giữ các đồng tiền khác. Tuy nhiên, sự sụt giảm mạnh lượng tồn trữ dầu thô tại Hoa Kỳ có thể khiến liên minh OPEC+ thấy cần phải nâng thêm sản lượng khai thác kể từ tháng 8/2021. Các chính sách khai thác của liên minh OPEC+ trong cuộc họp diễn ra vào ngày 1/7 tới đây được dự báo sẽ chi phối diễn biến giá dầu thô trong nửa cuối năm nay.

Tính từ đầu năm đến nay, giá dầu thô Brent đã tăng hơn 45% nhờ dự báo nhu cầu sử dụng dầu thô sẽ tăng mạnh trở lại và liên minh OPEC+ cắt giảm mạnh san lượng khai thác nhằm đưa thị trường về mức cân bằng hơn. Một số tổ chức kinh tế và các lãnh đạo doanh nghiệp khai thác năng lượng lớn trên thế giới dự báo giá dầu thô sẽ neo ở mức cao trong thời gian tới, thậm chí đạt 100 USD/thùng như hồi năm 2014.

Về góc độ kỹ thuật, ông Jeffrey Halley, nhà phân tích tại hãng môi giới giao dịch OANDA (Hoa Kỳ), nhận định nhu cầu trên thị trường giao ngay ở mức tốt như hiện nay đồng nghĩa với việc bất kỳ điều chỉnh giảm nào trên thị trường giao sau sẽ chỉ ở mức thấp và diễn ra trong thời gian ngắn.

Nhu cầu sử dụng dầu thô toàn cầu được dự báo sẽ tiếp tục tăng lên trong nửa cuối năm nay. Về phía nguồn cung, các quyết định nâng sản lượng khai thác của liên minh OPEC+ sẽ đối mặt với khả năng Iran tăng cường xuất khẩu dầu thô trong thời gian tới nếu như nước này đạt được thoả thuận hạt nhân mới với Hoa Kỳ và các cường quốc hạt nhân khác.

Trong ngày 23/6, Iran cho biết Hoa Kỳ đã đồng ý sẽ dỡ bỏ toàn bộ các biện pháp cấm vận nhắm đến ngành công nghiệp dầu mỏ và hoạt động vận chuyển đường biển của nước này. Tuy nhiên, Đức cảnh báo vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề chính trong đàm phán thoả thuận hạt nhân giữa Iran và các cường quốc.

Quang Đặng