Giá dầu thô giảm 4%, dự báo giá dầu sẽ đạt 66 USD/thùng trong năm nay

Tính chung cả tuần này, giá dầu thô đã giảm khoảng 4% xuống quanh mốc 66,44 USD/thùng trong bối cảnh lượng dầu thô xuất khẩu của Iran có thể tăng mạnh trong thời gian tới và nhu cầu sử dụng nhiên liệu tại Châu Á có thể giảm khi đại dịch Covid-19 tái bùng phát tại nhiều quốc gia.
Giá dầu thô
 Diễn biến giá dầu thô WTI và dầu thô Brent từ ngày 26/4 - 23/5/2021 (Ảnh: Oil Price)

Chốt phiên giao dịch cuối tuần này, giá dầu thô Brent giao tương lai đã tăng 2% lên mức 66,44 USD/thùng; giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) cũng tăng 2,65% lên 63,534 USD/thùng.

Nguyên nhân chủ yếu do thị trường lo ngại dự báo bão sẽ xuất hiện trên Vịnh Mexico thuộc Hoa Kỳ, nơi tập trung nhiều giàn khoan khai thác dầu của nước này. Điều này có thể khiến nhiều giàn khoan phải ngưng hoạt động trong ngắn hạn và giới đầu tư đã tăng cường mua tích trữ dầu thô.

Tuy nhiên, tính chung cả tuần này, giá dầu thô vẫn giảm khoảng 4% trong bối cảnh thị trường lo ngại lượng dầu thô xuất khẩu của Iran sẽ tăng lên đáng kể khi nước này đạt được thoả thuận hạt nhân mới với Hoa Kỳ. Giá dầu thô cũng chịu tác động tiêu cực từ rủi ro nhu cầu sử dụng dầu thô tại Châu Á sẽ giảm xuống khi đại dịch Covid-19 tái bùng phát mạnh tại nhiều nước Châu Á.

Đà giảm của giá dầu thô được kìm hãm phần nào khi thị trường vẫn đánh giá tích cực về triển vọng nhu cầu sử dụng dầu thô trên toàn cầu sẽ tăng mạnh trong mùa hè năm nay khi các nước Châu Âu và Hoa Kỳ đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng và nới lỏng các biện pháp kiểm soát dịch bệnh.

Các chuyên gia phân tích của tập đoàn tài chính JPMorgan (Hoa Kỳ) dự báo giá dầu thô Brent sẽ đạt 74 USD/thùng vào cuối năm nây. Trong khi đó, tập đoàn tài chính Barclays (Anh) dự báo mức giá trung bình trong năm nay của dầu thô Brent sẽ đạt 66 USD/thùng và dầu thô WTI sẽ đạt 62 USD/thùng.

Đồng thời, hãng Barclays hạ dự báo nhu cầu sử dụng dầu thô của các nền kinh tế đang nổi lên tại khu vực Châu Á (ngoại trừ Trung Quốc) trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tái bùng phát tại một số quốc gia trong khu vực.

Theo hãng Barclays, việc kéo dài các biện pháp kiểm soát di chuyển trong khu vực Châu Á có thể làm chậm lại đà phục hồi nhu cầu sử dụng nhiên liệu nhưng dường như điều này sẽ không kéo dài lâu trong bối cảnh các chương trình tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 trên toàn cầu đang đạt kết quả tốt.

Dữ liệu của hãng dịch vụ dầu khí Baker Hughes Co. (Hoa Kỳ) cho thấy số lượng giàn khoan dầu và khí gas tại Hoa Kỳ đã tiếp tục tăng lên trong tuần này, chạm mức cao nhất kể từ tháng 4/2020. Đây là chỉ báo cho thấy sản lượng dầu thô của Hoa Kỳ sẽ tăng lên trong tương lai.

Quang Đặng