Giá dầu thô giảm trở lại khi thị trường đón nhận nhiều tin tiêu cực cùng lúc

Sau mạch phục hồi kéo dài 5 phiên liên tiếp, giá dầu thô thế giới quay đầu giảm trở lại trong phiên giao dịch hôm nay khi một số nhà đầu tư thực hiện chốt lời ngắn hạn và tâm lý thị trường dao động trước các tin tiêu cực về việc tập đoàn Evergrande (Trung Quốc) vỡ nợ cũng như biến chủng Covid-19 Omicron có mức độ lây lan nhanh.
giá dầu thô
 Diễn biến giá dầu thô Brent và WTI từ ngày 10/11 - 10/12/2021 (Đồ hoạ: Oil Price)

Vào lúc 13h00 chiều nay ngày 10/12 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent giao tháng 2/2022 quay đầu giảm 0,34% xuống mức 74,26 USD/thùng; giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) giao tháng 1/2022 cũng giảm 0,23% xuống mức 70,78 USD/thùng. Giá dầu thô thế giới đang hướng đến phiên giảm giá đầu tiên sau 5 phiên giao dịch tăng giá liên tục.

Giá dầu thô thế giới suy giảm trở lại chủ yếu do giới đầu tư thực hiện chốt lời sau khi thị trường dầu mỏ phục hồi tích cực trong tuần này. Trước đó, trong tuần từ ngày 25/11 – 1/12, giá dầu thô Brent đã lao dốc mất hơn 16% khi giới đầu tư lo ngại biến chủng Covid-19 mới Omicron sẽ khiến nhiều quốc gia phải tái phong toả diện rộng, khiến nhu cầu sử dụng nhiên liệu toàn cầu suy giảm.

Bên cạnh đó, tâm lý giới đầu tư toàn cầu trong phiên giao dịch hôm nay còn chịu ảnh hưởng tiêu cực từ việc hãng đánh giá tín dụng Fitch (Hoa Kỳ) vừa hạ xếp hạng tập đoàn bất động sản hàng đầu Trung Quốc Evregrande từ mức “C” (quá trình vỡ nợ hoặc vỡ nợ đã bắt đầu” xuống còn “RD” (vỡ nợ hạn chế, nhà phát hành không có khả năng thanh toán các khoản nợ). Tổng các khoản nợ mà Evergrande đang gánh lên đến hơn 300 tỷ USD, tương đương 2% GDP của Trung Quốc, trong đó trái phiếu thị trường quốc tế là 19 tỷ USD.

Ngoài Evergrande, Fitch còn hạ xếp hạng tín dụng của công ty bất động sản Kaisa cũng của Trung Quốc, từ mức "C" xuống "RD" vì công ty này không thể thực hiện các nghĩa vụ thanh toán nợ với số trái phiếu trị giá 400 triệu USD. Kaisa là công ty bất động sản đứng thứ 27 tại Trung Quốc.

Động thái của Fitch đã khiến nhiều nhà đầu tư lo ngại thị trường bất động sản của Trung Quốc sẽ ngày càng suy yếu hơn, gây tác động dây chuyền đến các lĩnh vực kinh tế khác của nước này. Trung Quốc hiện là quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới.

Chuyên gia phân tích Jeffrey Halley từ hãng chứng khoán OANDA (Hoa Kỳ) cho biết thị trường còn bị tác động bởi thông tin một nghiên cứu của Nhật Bản cho thấy biến chủng Omicron có khả năng lây lan cao gấp 4 lần so với biến chủng Delta. Điều này đã kích hoạt một làn sóng bán tháo trên thị trường dầu mỏ.

Một số nhà phân tích cũng cho biết việc đồng USD tăng giá trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) phát tín hiệu sẽ nhanh chóng thu hẹp các biện pháp kích thích kinh tế để chống lại lạm phát đang khiến giá các loại hàng hoá được định giá bằng đồng USD như dầu mỏ trở nên kém hấp dẫn hơn với giới đầu tư.

Duy Quang