Giá dầu thô hôm nay
 Diễn biến giá dầu thô Brent theo ngày trong vòng 5 tháng gần đây (Đồ hoạ: investing.com)

Vào lúc 8h30 sáng nay ngày 1/7 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent giao tháng 9/2022 tăng nhẹ 0,6% lên 110,03 USD/thùng; giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) giao tháng 8/2022 tăng 0,71% lên 106,51 USD/thùng.

Chốt phiên giao dịch ngày 30/6 (theo giờ địa phương), giá dầu thô Brent giao tháng 9/2022 giảm mạnh 3% xuống còn 109,03 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giao tháng 8/2022 giảm 1,3% xuống còn 114,81 USD/thùng; phiên giao dịch này cũng là ngày giao dịch cuối cùng đối với các hợp đồng giao dịch dầu thô Brent giao tháng 8/2022. Trong khi đó, giá dầu thô WTI giao tháng 8/2022 giảm tới 3,7% xuống mức 105,76 USD/thùng.

Giá dầu thô chịu áp lực giảm chung khi thị trường tài chính Hoa Kỳ phản ứng tiêu cực với rủi ro suy thoái kinh tế trong bối cảnh hàng loạt ngân hàng trung ương lớn trên toàn cầu, đặc biệt là Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED), mạnh tay siết chặt chính sách tiền tệ nhằm kiềm chế lạm phát. Tính chung 6 tháng đầu năm nay, chỉ số chứng khoán chính của Hoa Kỳ S&P 500 đã có mức giảm mạnh nhất kể từ năm 1970 do lo ngại tốc độ tăng trưởng kinh tế sẽ giảm xuống. Suy giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế có thể khiến nhu cầu sử dụng dầu thô giảm xuống.

Đồng thời, giá dầu thô còn chịu áp lực giảm khi nhiều nhà đầu tư tại thị trường Hoa Kỳ đóng vị thế của của họ trước khi thị trường tài chính nước này bước vào kỳ nghỉ lễ Quốc khánh Hoa Kỳ kéo dài từ ngày 2 – 5/7 (theo giờ địa phương).

Bên cạnh đó, giới đầu tư trên thị trường dầu mỏ toàn cầu cũng trở nên thận trọng hơn sau khi các quốc gia thành viên liên minh OPEC+ từ chối thảo luận về kế hoạch khai thác và mục tiêu sản lượng cho tháng 9 tới đây trong phiên họp định kỳ kết thúc vào ngày 30/6. Liên minh OPEC+ cho biết sẽ giữ nguyên mục tiêu sản lượng khai thác trong tháng 8 như đã đề ra trong phiên họp đầu tháng này.

Liên minh OPEC+ bao gồm 13 quốc gia thành viên Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) do Saudi Arabia đứng đầu và 10 quốc gia khai thác dầu đồng minh do Nga đứng đầu. Liên minh này hiện kiểm soát hơn 50% tổng nguồn cung dầu thô toàn cầu. 

Tuy nhiên, đà giảm của giá dầu thô trong phiên giao dịch phần nào được kìm hãm bởi các lo ngại căng thẳng nguồn cung dầu trên toàn cầu sẽ còn kéo dài. Hiện các hoạt động xuất khẩu dầu thô từ phía Đông Libya đã bị ngưng lại do tình trạng bất ổn chính trị gia tăng; đồng thời, sản lượng khai thác dầu của Ecuador suy giảm mạnh vì các cuộc biểu tình kéo dài tại nước này. Ecuador và Libya là hai quốc gia thành viên khối OPEC.

Nhiều chuyên gia phân tích cho rằng OPEC+ sẽ khó có thể đạt được mục tiêu khai thác trong tháng 8 tới đây do nhiều quốc gia thành viên không thể nâng thêm công suất trong ngắn hạn, chưa tính đến các bất ổn địa chính trị khiến sản lượng khai thác tại một số nơi bị suy giảm.

Hãng tin Reuters (Anh) cho biết sản lượng khai thác dầu thô của liên minh OPEC+ trong tháng 5 thấp hơn mục tiêu khai thác đến 2,695 triệu thùng dầu/ngày. Trong ngày 10/6, Bộ trưởng Năng lượng Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE) ông Suhail Al-Mazrouei cũng thừa nhận “Sản lượng của liên minh OPEC+ hiện đang thấp hơn mức mục tiêu khai thác khoảng 2,6 triệu thùng/ngày. Đây là một con số lớn”.

Trong khi đó, OPEC dự báo nhu cầu sử dụng dầu thô toàn cầu được dự báo sẽ vượt mốc 100 triệu thùng/ngày trong quý 3 tới đây và mức trung bình nhu cầu sử dụng dầu thô toàn cầu cả năm 2022 sẽ đạt 100,29 triệu thùng/ngày – cao hơn mức trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra.