Giá dầu thô hôm nay 30/6: Đứt mạch tăng kéo dài 3 phiên liên tiếp, nguồn cung nhiên liệu tại Hoa Kỳ được cải thiện

Trong phiên giao dịch sáng nay ngày 30/6, giá dầu thô Brent tiếp tục chịu áp lực giảm nhẹ. Giá dầu thô thế giới đã đứt mạch tăng kéo dài 3 phiên liên tiếp trước đó do dữ liệu cho thấy nguồn cung dầu thô và nhiên liệu tại Hoa Kỳ đã được cải thiện phần nào.
Diễn biến giá dầu thô hôm nay
Diễn biến giá dầu thô Brent và giá dầu thô WTI trong vòng 30 ngày trở lại đây (Đồ hoạ: Oil Price)

Vào lúc 9h30 sáng nay ngày 30/6 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent giao tháng 8/2022 giảm 0,36% xuống 115,84 USD/thùng; giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) giao tháng 8/2022 tăng 0,11% lên 109,90 USD/thùng.

Chốt phiên giao dịch ngày hôm qua (theo giờ địa phương), giá dầu thô Brent giao tháng 8/2022 giảm 1,5% xuống còn 116,26 USD/thùng. Hợp đồng giao dịch dầu thô Brent giao tháng 8 sẽ hết hạn trong phiên giao dịch ngày 30/6. Giá dầu thô Brent giao tháng 9/2022 cũng đã giảm 1,2% xuống mức 112,45 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu thô WTI giao tháng 8/2022 giảm tới 1,8% xuống mức 109,78 USD/thùng.

Như vậy, giá dầu thô đã chấm dứt mạch tăng kéo dài 3 phiên liên tiếp tương đương tăng 7%. Đà phục hồi của giá dầu thô trong 3 phiên vừa qua chủ yếu nhờ lo ngại tình trạng căng thẳng nguồn cung dầu thô trên toàn cầu sẽ trở nên trầm trọng hơn khi phương Tây quyết liệt siết chặt dòng chảy dầu thô của Nga.

Tuy nhiên, giá dầu thô chịu áp lực giảm trở lại sau khi Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ (EIA) công bố dữ liệu cho thấy lượng tồn trữ nhiên liệu và các sản phẩm tinh chế từ dầu thô tại Hoa Kỳ đã tăng lên trong tuần trước trong bối cảnh các nhà máy lọc hoá dầu tại đây đang hoạt động với 95% công suất - mức cao nhất trong vòng 4 năm trở lại đây. Đồng thời, công suất khai thác dầu thô tại Hoa Kỳ cũng đã chạm mức cao nhất kể từ hồi tháng 4/2020 - thời điểm làn sóng lây nhiễm Covid-19 đầu tiên xuất hiện tại nước này.

Ông John Kilduff, nhà quản lý cấp cao tại hãng tư vấn đầu tư Again Capital LLP (Hoa Kỳ), nhận định “Tồn trữ xăng dầu và các sản phẩm tinh chế từ dầu thô tăng lên đã giúp giảm bớt phần nào áp lực căng thẳng nguồn cung trên thị trường và việc sản lượng khai thác dầu thô tại Hoa Kỳ tăng lên cũng tác động tiêu cực đến giá dầu thô”. Trước đó, các dự báo của thị trường nhận định lượng tồn trữ xăng dầu và các sản phẩm tinh chế từ dầu thô sẽ giảm lần lượt 3% và 4%.

Giá dầu thô còn chịu áp lực giảm khi đồng USD tăng giá trở lại so với các đồng tiền chủ chốt khác trên thế giới. Trung tuần tháng 6, đồng USD đã chạm mức cao nhất trong vòng 19 năm so với hàng loạt đồng tiền chủ chốt. Đồng USD mạnh lên sẽ khiến các loại hàng hoá, nguyên liệu thô được định giá bằng đồng USD như dầu thô trở nên “đắt đỏ” hơn với các nhà đầu tư nắm giữ loại tiền tệ khác, giảm sức hấp dẫn của dầu thô trên thị trường tài chính.

Ông Ben van Beurden, Giám đốc điều hành tập đoàn năng lượng hàng đầu thế giới Shell PLC (Anh), nhận định thị trường năng lượng toàn cầu sẽ còn biến động mạnh trong thời gian tới khi công suất khai thác dự phòng ở mức rất thấp nhưng nhu cầu sử dụng vẫn đang phục hồi.

Nhiều chuyên gia phân tích lo ngại Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE) không có đủ lượng công suất khai thác dự phòng cần thiết để nâng thêm sản lượng, bù đắp cho sự thiếu hụt nguồn cung từ Nga. Saudi Arabia và UAE là hai quốc gia chủ chốt trong Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC). OPEC và các quốc gia khai thác dầu thô đồng minh (liên minh OPEC+) hiện đang tiến hành nhóm họp định kỳ để đưa ra chính sách khai thác dầu thô trong thời gian tới.

Giới đầu tư hiện cũng tập trung đánh giá rủi ro suy giảm nhu cầu sử dụng dầu thô do suy thoái kinh tế toàn cầu khi các ngân hàng trung ương mạnh tay siết chặt chính sách tiền tệ nhằm kiềm chế lạm phát. Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) ông Jerome Powell đã cho biết sẽ không để nền kinh tế Hoa Kỳ rơi vào tình trạng lạm phát cao dai dẳng cho dù việc tăng lãi suất có thể tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế.

Duy Quang