Giá dầu thô hôm nay 8/7: Giá dầu thô bật tăng trở lại, căng thẳng nguồn cung dầu thô nghiêm trọng hơn

Giá dầu thô thế giới đã bật tăng trở lại khi Hoa Kỳ đã siết chặt các biện pháp trừng phạt nhắm vào Iran và nguồn cung dầu thô qua tuyến đường ống Caspian Pipeline Consortium có thể bị gián đoạn, khiến tình trạng căng thẳng nguồn cung tăng lên.
Giá dầu thô hôm nay
Diễn biến giá dầu thô Brent và giá dầu thô WTI trong vòng 30 ngày trở lại đây (Đồ hoạ: Oil Price)

Vào lúc 9h00 sáng nay ngày 8/7, giá dầu thô Brent giao tháng 9/2022 giảm 0,6% xuống 103,84 USD/thùng; giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) cũng giảm 0,64% xuống 102,07 USD/thùng.

Phiên giao dịch hôm qua ngày 7/7 tiếp tục là một phiên giao dịch biến động mạnh đối với mặt hàng dầu thô. Trong phiên giao dịch, đã có lúc giá dầu thô mất tới 2 USD/thùng so với mức giá mở cửa. Tuy nhiên, chốt phiên giao dịch, giá dầu thô Brent tăng mạnh 3,9% lên 104,65 USD/thùng và giá dầu thô WTI tăng tới 4,3% lên 102,73 USD/thùng. Qua đó, xoá bỏ phần nào mức giảm trong hai phiên giao dịch trước đó.

Các chuyên gia phân tích cho biết giá dầu thô bật tăng trở lại khi giới đầu tư tập trung đánh giá tình trạng căng thẳng nguồn cung trên thị trường. Giá dầu thô trong những phiên giao dịch gần đây chịu sự chi phối từ những thông tin trái chiều, giữa lo ngại nền kinh tế toàn cầu có thể rơi vào suy thoái khiến triển vọng tăng trưởng nhu cầu sử dụng dầu thô giảm xuống, và tình trạng căng thẳng nguồn cung dầu sẽ còn kéo dài trong thời gian tới.

Chuyên gia phân tích cấp cao Jeffrey Halley thuộc hãng môi giới tài chính OANDA (Hoa Kỳ) nhận định “Với việc nguồn cung dầu thô từ Nga sẽ giảm xuống trong năm nay và nước này đang cạn kiệt các phụ tùng cần thiết từ phương Tây để duy trì hoạt động khai thác của các mỏ, trong khi đó, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) gặp nhiều khó khăn trong việc duy trì công suất khai thác, tôi cho rằng giá dầu thô sẽ ở quanh mức 100 USD/thùng trong thời gian tới”.

Bên cạnh đó, thị trường đang chuẩn bị cho tình huống đứt gãy nguồn cung dầu thô từ tuyến đường ống Caspian Pipeline Consortium (CPC) khi một toà án tại Nga yêu cầu tuyến đường ống này phải ngưng hoạt động trong vòng 30 ngày, mặc dù toà án của Nga vẫn cho phép hoạt động xuất khẩu dầu được diễn ra. Phán quyết của toà án Nga sẽ ảnh hưởng đến hoạt động vận chuyển dầu thô của một số tập đoàn năng lượng phương Tây vận chuyển dầu thô qua CPC như Chevron và Exxon.

Tuyến đường ống CPC, chuyên vận chuyển dầu thô từ Kazakhstan ra Biển Đen, là một trong những tuyến đường ống dẫn dầu lớn nhất thế giới và vận chuyển khoảng 1% tổng nguồn cung dầu thô toàn cầu. Giới phân tích cảnh báo bất kỳ sự gián đoạn nguồn cung dầu thô nào liên quan đến tuyến đường ống này sẽ khiến tình trạng căng thẳng nguồn cung dầu thô toàn cầu trở nên tồi tệ hơn bao giờ hết.

Giá dầu thô còn được nâng đỡ nhờ thông tin Chính phủ Hoa Kỳ quyết định siết chặt các biện pháp trừng phạt nhắm vào Iran trong hôm 6/7 nhằm buộc nước này đồng ý về thoả thuận hạt nhân mới. Động thái này sẽ khiến nguồn cung dầu thô từ Iran ra thị trường quốc tế khó có thể tăng lên trong thời gian tới.

Đồng thời, các dữ liệu cho thấy mặc dù giá nhiên liệu tăng cao nhưng nhu cầu sử dụng nhiên liệu tại Hoa Kỳ, nền kinh tế lớn nhất thế giới, không bị ảnh hưởng nhiều. Dữ liệu cho thấy nguồn cung xăng, dầu và các sản phẩm lọc hoá dầu tại Hoa Kỳ trong tuần trước đã tăng lên mức 20,5 triệu thùng/ngày.

Tường Vy