Giá dầu thô quay đầu giảm, thị trường còn biến động mạnh trong thời gian tới

Giá dầu thô đã quay đầu giảm trở lại và duy trì quanh mốc 76 USD/thùng trong phiên giao dịch sáng nay ngày 14/7. Nhiều tổ chức phân tích cảnh báo thị trường dầu mỏ sẽ còn biến động mạnh cho đến khi liên minh OPEC+ đạt thoả thuận khai thác dầu thô mới.
Giá dầu thô
 Diễn biến giá dầu thô Brent và dầu thô WTI từ ngày 14/6 - 14/7/2021 (Đồ hoạ: Oil Price)

Vào lúc 10h30 sáng nay ngày 14/7, giá dầu thô Brent giao tương lai giảm 0,3% xuống mức 76,21 USD/thùng; giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) cũng giảm 0,4% xuống còn 74,89 USD/thùng. Diễn biến này hoàn toàn trái ngược với việc giá dầu thô Brent đã bật tăng 1,8% và giá dầu thô WTI tăng 1,6% trong phiên giao dịch ngày 13/7.

Thị trường quay đầu giảm trong phiên giao dịch sáng nay chủ yếu do diữ liệu mới nhất cho thấy lượng dầu thô được Trung Quốc nhập khẩu trong 6 tháng đầu năm nay đã giảm 3% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là lần đầu tiên kể từ hồi năm 2013, lượng dầu thô được Trung Quốc nhập khẩu trong nửa đầu năm lại suy giảm. Trung Quốc hiện là quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới.

Hãng tư vấn rủi ro chính trị Eurasia Group (Hoa Kỳ) nhận định việc giá dầu thô tăng mạnh từ đầu năm đến nay đã khiến biên lợi nhuận của các nhà máy lọc hoá dầu tại Trung Quốc bị thu hẹp, kéo theo đó là sự suy giảm về nhu cầu nhập khẩu dầu thô. Bên cạnh đó, nhiều nhà máy lọc dầu tại nước này trong thời gian qua tiến hành bảo dưỡng kéo dài cũng như thiếu định mức nhập khẩu cũng khiến lượng dầu thô nhập khẩu bị sụt giảm.

“Nếu như OPEC không sớm đạt được thoả thuận nâng sản lượng thì việc giá dầu thô tăng quá cao sẽ gây tác động tiêu cực đến nhu cầu sử dụng, đặc biệt là tại các nền kinh tế đang nổi lên vốn có sự nhạy cảm cao về giá như thị trường Ấn Độ”, hãng Eurasia Group cảnh báo. Ấn Độ hiện là quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn thứ 3 thế giới.

Hiện những bất đồng giữa Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE) và Ả-rập Xê-út về vấn đề nâng sản lượng khai thác vẫn chưa được tháo gỡ. Đầu tuần trước, Ả-rập Xê-út đã buộc phải tuyên bố huỷ phiên họp chính sách khai thác dầu thô tháng 8/2021 của liên minh OPEC+ khi UAE kiên quyết đòi được nâng sản lượng khai thác thay vì tiếp tục duy trì mức sản lượng thấp như đề xuất của Ả-rập Xê-út và Nga.

Việc huỷ bỏ phiên họp này đồng nghĩa với việc liên minh OPEC+ sẽ không nâng thêm sản lượng khai thác trong tháng 8/2021. Liên minh OPEC+, bao gồm Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) do Ả-rập Xê-út lãnh đạo và các nước khai thác dầu thô đồng minh do Nga đứng đầu, hiện đang kiểm soát hơn 50% tổng nguồn cung dầu thô toàn cầu. UAE hiện là quốc gia khai thác dầu thô lớn thứ 3 khối OPEC.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) vừa cảnh báo việc nguồn cung dầu thô ở mức thấp trong khi nhu cầu sử dụng tăng cao sẽ khiến lượng dầu thô tồn trữ trên toàn cầu trong quý 3/2021 giảm xuống mức thấp nhất trong 10 năm gần đây. Các dữ liệu cho thấy lượng tồn trữ dầu thô tại Hoa Kỳ, ChÂu Âu và Nhật Bản liên tục giảm xuống trong thời gian gần đây. IEA cũng cảnh báo thị trường dầu mỏ sẽ còn tiếp tục biến động cho đến khi những bất đồng nội bộ của liên minh OPEC+ được giải quyết.

Trong khi đó, một số nhà phân tích lo ngại nếu như bất đồng giữa UAE và Ả-rập Xê-út không được giải quyết thì các quốc gia thành viên liên minh OPEC+ có thể sẽ tự nâng sản lượng khai thác và kích hoạt một cuộc chiến giành thị phần, khiến thị trường dầu mỏ trở nên hỗn loạn hơn bao giờ hết.

Quang Đặng