Giá dầu thô sụt giảm, thị trường biến động mạnh trước các tin tiêu cực về dịch Covid-19

Thị trường dầu mỏ đã trải qua phiên giao dịch biến động mạnh ngày 28/6. Chốt phiên giao dịch, giá dầu thô sụt giảm 2%, xuống mức 74,68 USD/thùng sau hàng loạt thông tin tiêu cực về đại dịch Covid-19 tại khu vực Đông Nam Á và Australia.
Giá dầu thô
 Diễn biến giá dầu thô Brent và dầu thô WTI kể từ ngày 29/5 - 28/6/2021 (Ảnh: Oil Price)

Chốt phiên giao dịch ngày 28/6 (theo giờ địa phương), giá dầu thô Brent giao tương lai giảm 2% về mức 74,68 USD/thùng; giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) cũng giảm 1,5% về mức 72,91 USD/thùng. Đây là mức giá chốt phiên thấp nhất của dầu thô kể từ ngày 18/6/2021.

Giá dầu thô chịu áp lực giảm trong bối cảnh hàng loạt nền kinh tế trên thế giới ghi nhận số ca nhiễm Covid-19 tăng trở lại. Trong ngày 27/6, Australia đã ghi nhận số ca nhiễm mới Covid-19 ở mức cao kỷ lục kể từ đầu năm đến nay và buộc một số thành phố đông dân nhất nước này như Sydney và Darwin phải tái phong toả trở lại.

Số ca nhiễm mới Covid-19 tại Indonesia cũng tăng lên mức báo động. Malaysia cũng ra thông báo kéo dài thời gian phong toả; đồng thời Thái Lan công bố các biện pháp mới siết chặt kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh.

Thị trường dầu mỏ lo ngại việc tái bùng phát dịch bệnh tại các quốc gia với các biến chủng virus Covid-19 mới có thể ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình phục hồi kinh tế cũng như đà phục hồi nhu cầu sử dụng nhiên liệu.

Về mặt kỹ thuật, giá dầu thô chịu áp lực điều chỉnh giảm sau khi bước vào vùng quá mua với 5 tuần tăng giá liên tiếp và giá dầu thô chạm mức cao nhất kể từ tháng 10/2018. Hiện thị trường tập trung theo dõi các động thái xung quanh phiên họp của liên minh OPEC+ sẽ diễn ra vào ngày 1/7.

Chuyên gia phân tích thị trường dầu mỏ Louise Dickson thuộc hãng tư vấn năng lượng Rystad Energy (Na Uy) nhận định “Các dự báo về sự bùng nổ nhu cầu sử dụng nhiên liệu trong mùa hè này có thể đã bị phóng đại và thị trường dầu mỏ đang đối mặt với các thách thức khi biến chủng Delta của virus Covid-19 đã xâm nhập các nước Châu Âu, số ca nhiễm mới tăng cao tại khu vực Đông Nam Á và Australia phải tái phong toả trở lại”.

Với việc nắm giữ hơn 50% nguồn cung dầu mỏ trên toàn cầu, các quyết định điều hành sản lượng khai thác của liên minh OPEC+ trong phiên họp tới đây sẽ chi phối giá dầu trong nửa cuối năm nay. Liên minh OPEC+ bao gồm Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) do Ả-rập Xê-út đứng đầu và các quốc gia khai thác dầu thô đồng minh do Nga lãnh đạo.

OPEC vừa cho biết thị trường sẽ rơi vào tình trạng thiếu hụt nguồn cung mạnh kể từ tháng 8/2021. Cụ thể, nếu như sản lượng khai thác dầu thô của OPEC được giữ nguyên như hiện nay thì nguồn cung của tổ chức này sẽ thiếu hụt khoảng 1,5 triệu thùng/ngày so với nhu cầu sử dụng trong tháng 8/2021. Mức thiếu hụt này sẽ tăng lên đến 2,2 triệu thùng/ngày trong quý 4/2021.

Điều này cho thấy, liên minh OPEC+ sẽ có dư địa tương đối lớn trong việc tăng sản lượng khai thác mà vẫn đảm bảo duy trì giá dầu thô ở mức cao. Giới phân tích nhận định liên minh OPEC+ sẽ tiếp tục duy trì cách tiếp cận thận trọng về việc nâng sản lượng khai thác trong những tháng tới khi đà phục hồi nhu cầu sử dụng vẫn đối mặt nhiều rủi ro.

Quang Đặng