Giá dầu thô
 Diễn biến giá dầu thô Brent và dầu thô WTI trong 1 tháng trở lại đây (Đồ hoạ: Oil Price)

Vào lúc 14h00 chiều nay ngày 24/1 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent giao tháng 3/2022 đã tăng 0,67% lên 88,53 USD/thùng; giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) cũng tăng 0,64% lên 85,73 USD/thùng.

Đà tăng của giá dầu thô tiếp tục được củng cố sau khi Chính phủ Hoa Kỳ giảm số nhân viên ngoại giao tại Ukraine, cho di tản gia đình của những người này và khuyến cáo công dân nước này rời đi trong bối cảnh căng thẳng giữa Nga và Ukraine tăng cao. Thị trường hiện lo ngại rủi ro bùng nổ xung đột vũ trang giữa Nga và Ukraine có thể kéo theo những hệ luỵ khiến nguồn cung dầu thô từ Nga bị suy giảm. Nga hiện là quốc gia khai thác dầu thô lớn thứ hai trên thế giới.

Trong tuần trước, giá dầu thô thế giới đã tăng gần 2%, chạm mức cao nhất kể từ hồi tháng 10/2014 và xác lập tuần tăng giá thứ 5 liên tiếp. Tính từ đầu năm đến nay, giá dầu thô thế giới đã tăng hơn 10% do lo ngại tình trạng thiếu hụt nguồn cung kéo dài và nghiêm trọng hơn những gì được dự báo trước đây.

Tăng trưởng nguồn cung dầu thô đang có dấu hiệu hụt hơi khi một số quốc gia thành viên liên minh OPEC+ như Nga, Nigeria và Angola gặp khó khăn trong việc gia tăng thêm sản lượng khai thác như kế hoạch đã đề ra. Đồng thời, căng thẳng địa chính trị tại khu vực Trung Đông tăng cao sau một loạt cuộc tấn công của phiến quân Houthi từ Yemen nhắm vào Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE) cũng đe doạ nguồn cung dầu thô tại đây.

Liên minh OPEC+, gồm Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) do Ả-rập Xê-út dẫn đầu và các quốc gia khai thác dầu thô đồng minh do Nga lãnh đạo, hiện kiểm soát hơn 50% tổng nguồn cung dầu thô toàn cầu.

Trong khi đó, nhu cầu sử dụng nhiên liệu trên toàn cầu đang tiếp tục phục hồi tốt khi các tác động của làn sóng lây nhiễm biến chủng Covid-19 Omicron đến nền kinh tế toàn cầu dường như ở mức ít nghiêm trọng hơn so với các cảnh báo trước đây.

Tuy nhiên, một số chuyên gia cảnh báo giá dầu thô có thể biến động mạnh trong những phiên giao dịch tới đây khi thị trường chờ đợi thông tin từ cuộc họp điều hành chính sách đầu tiên trong năm 2022 của Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) diễn ra trong tuần này.

Ngân hàng đầu tư Goldman Sachs (Hoa Kỳ) nhận định lạm phát gia tăng mạnh có thể khiến FED hành động quyết liệt trong tăng lãi suất năm nay, mạnh hơn những gì các nhà kinh tế dự báo. Dự kiến FED có thể tăng lãi suất cơ bản bằng đồng USD vào tháng 3 tới đây. Nếu điều này xảy ra thì đây là lần đầu tiên FED tăng lãi suất kể từ tháng 12/2018.

Bên cạnh đó, chính quyền của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden cho biết “đã sẵn sàng sử dụng các công cụ” để kiềm chế đà tăng của giá dầu thô. Trong năm ngoái, Hoa Kỳ đã xả bán ra thị trường 50 triệu thùng dầu thô từ kho dự trữ chiến lược sau khi thất bại trong việc thúc giục khối OPEC tăng cường sản lượng. Tuy nhiên, hành động này được nhận định không có tác động quá lớn đến diễn biến thị trường tại thời điểm đó.