Giá dầu thô
 Diễn biến giá dầu thô Brent và giá dầu thô WTI trong vòng 30 ngày gần đây (Nguồn: oilprice.com)

Vào lúc 9h30 sáng nay (ngày 3/8, theo giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent giao tháng 9/2022 tăng nhẹ 0,1% lên 100,63 USD/thùng; giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) giao tháng 9/2022 cũng tăng thêm 0,17% lên 94,58 USD/thùng.

Chốt phiên giao dịch ngày 2/8 (theo giờ địa phương), giá dầu thô Brent tăng nhẹ 0,5% lên 100,54 USD/thùng và giá dầu thô WTI tăng 0,6% lên 94,42 USD/thùng. Giá dầu thô đang được nâng đỡ bởi kỳ vọng liên minh OPEC+ sẽ đưa ra quyết định không nâng thêm sản lượng khai thác trong phiên họp diễn ra vào chiều nay (theo giờ Việt Nam). Liên minh OPEC+, bao gồm Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ do Saudi Arabia lãnh đạo và các nước khai thác dầu thô đồng minh do Nga đứng đầu, hiện kiểm soát hơn 50% tổng nguồn cung dầu thô toàn cầu.

Trước thềm phiên họp của OPEC+, hãng tin Reuters (Anh) cho biết có 2/8 nguồn tin từ OPEC+ cho biết liên minh này có thể sẽ thảo luận về việc nâng nhẹ thêm sản lượng khai thác, trong khi số nguồn tin còn lại cho biết có ít khả năng OPEC+ sẽ nâng thêm sản lượng.

Hãng tin Bloomberg (Hoa Kỳ) cho biết các nước thành viên liên minh OPEC+ vẫn đang lo ngại tăng trưởng nhu cầu sử dụng dầu thô trong thời gian tới sẽ ở mức yếu trước nguy cơ nền kinh tế Hoa Kỳ rơi vào suy thoái và tác động từ việc Trung Quốc theo đuổi chính sách phong toả diện rộng để chống Covid-19. Bên cạnh đó, OPEC+ cũng cần duy trì sản lượng ở mức ổn định để giữ mối quan hệ với Nga - đối tác quan trọng để kiểm soát thị trường dầu mỏ toàn cầu. Ngành công nghiệp dầu mỏ của Nga hiện đang đối mặt với hàng loạt biện pháp cấm vận từ phương Tây.

Nhiều nhà phân tích nhận định, trên thực tế, OPEC+ khó có thể nâng mạnh sản lượng khai thác trong thời gian tới do thiếu hụt đầu tư hoặc bị gián đoạn khai thác. Mức tăng sản lượng khai thác của liên minh OPEC+ trong thời gian vừa qua chủ yếu đến từ Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE). Mặt khác, nhiều thành viên OPEC+ sẽ cân nhắc kỹ việc tăng sản lượng khi thị trường đang biến động phức tạp. Nhu cầu sử dụng dầu thô suy yếu sẽ thúc đẩy các quốc gia xuất khẩu dầu siết chặt nguồn cung để giữ giá mặt hàng này.

Cuối tháng 8 này cũng là thời điểm thoả thuận nâng sản lượng khai thác của liên minh OPEC+ trong thời gian đại dịch Covid-19 bùng phát trên toàn cầu hết hiệu lực. Nga, Saudi Arabia và các quốc gia thành viên khác trong liên minh OPEC+ sẽ cần thảo luận kỹ về phương án khai thác trong thời gian tới. 

Tuy nhiên, các nước thành viên OPEC có thể sẽ chịu áp lực về mặt chính trị khi Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden liên tục gây sức ép và kêu gọi OPEC cần nâng mạnh sản lượng khai thác để giữ giá dầu thô ở mức “hợp lý”, qua đó kiềm chế mức lạm phát cao kỷ lục tại Hoa Kỳ. Giữa tháng 7 vừa qua, ông Joe Biden đã có chuyến công du đầu tiên đến Saudi Arabia trên cương vị tổng thống. Phiên họp lần này sẽ là cơ hội đầu tiên để các nước OPEC chính thức thảo luận về yêu cầu của ông Joe Biden. Để hạ nhiệt giá dầu thô trong tháng 7 vừa qua, sản lượng khai thác của OPEC+ đã tăng lên mức cao nhất trong 2 năm trở lại đây.

Hãng tin Reuters dẫn lời các nguồn tin cho biết OPEC+ đã hạ dự báo mức dư cung dầu thô trong năm nay xuống còn 800.000 thùng/ngày, giảm 200.000 thùng/ngày so với mức dự báo trước đó.

Trong phiên giao dịch hôm qua, giá dầu thô còn được hỗ trợ bởi dự báo lượng tồn trữ dầu thô tại Hoa Kỳ giảm khoảng 600.000 thùng trong tuần trước. Dữ liệu độc lập của Viện Dầu khí Hoa Kỳ (API) sẽ được công bố trong tối nay (theo giờ Việt Nam) và dữ liệu chính thức sẽ được Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ (EIA) công bố trong ngày 4/8.