giá dầu thô
 Diễn biến giá dầu thô Brent và dầu thô WTI từ ngày 2/7 - 2/8/2021 (Đồ hoạ: Oil Price)

Vào lúc 14h00 chiều nay ngày 2/8 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent giao tương lai giảm 1% về mức 74,59 USD/thùng; giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) cũng giảm 0,9% xuống mức 73,22 USD/thùng. Giá dầu thô chịu áp lực giảm khi thị trường lo ngại tăng trưởng kinh tế Trung Quốc sẽ ở mức thấp hơn kỳ vọng, kéo theo đó là sự suy giảm nhu cầu sử dụng dầu thô. Trung Quốc hiện là quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới.

Dữ liệu của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) cho thấy chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) chính thức của nước này trong tháng 7/2021 chỉ đạt 50,4 điểm, thấp hơn mức 50,8 điểm được giới phân tích dự báo và cũng thấp hơn mức 50,9 điểm ghi nhận hồi tháng 6 trước đó.

Dữ liệu cũng cho thấy tăng trưởng hoạt động sản xuất chế tạo của Trung Quốc trong tháng 7 vừa qua ở mức thấp nhất trong vòng 17 tháng trở lại đây. Nguyên nhân chủ yếu do chi phí nguyên vật liệu đầu vào tăng cao, bảo dưỡng trang thiết bị và tình trạng thời tiết khắc nghiệt ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động tại các nhà máy của nước này.

Trước đó, khảo sát độc lập do hãng tư vấn thị trường Caixin và Markit phối hợp thực hiện cũng cho thấy chỉ số PMI của ngành sản xuất chế tạo Trung Quốc trong tháng 7 vừa qua rơi xuống mức thấp nhất kể từ hồi tháng 4/2020, chỉ đạt 50,3 điểm so với mức 51,3 điểm ghi nhận hồi tháng 6/2021.

Chỉ số PMI chính thức của NBS thường tập trung vào nhóm các doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp quốc doanh. Trong khi đó, chỉ số PMI của Caixin/Markit thường tập trung vâof nhóm các doanh nghiệp nhỏ và chủ yếu trong lĩnh vực xuất khẩu.

Giá dầu thô cũng chịu áp lực giảm khi khảo sát của hãng tin Reuters (Anh) cho thấy sản lượng dầu thô của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) trong tháng 7 vừa qua đã chạm mức cao nhất kể từ tháng 4/2020.

Mặc dù số ca nhiễm mới Covid-19 trên toàn cầu đang tiếp tục tăng lên, giới phân tích nhận định tỷ lệ tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 cao tại một số nền kinh tế lớn và việc tiêm chủng đang được đẩy mạnh tại nhiều nơi khác sẽ hạn chế các tác động tiêu cực của làn sóng lây nhiễm lần này đối với nhu cầu sử dụng nhiên liệu.

Mức tiêu thụ nhiên liệu hàng ngày tại Ấn Độ, quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn thứ 3 thế giới, đã phục hồi, vượt mức trước khi làn sóng lây nhiễm lần 2 bùng phát tại nước này trong tháng trước.

Tại Hoa Kỳ, giới chức nước này tiếp tục khẳng định sẽ không tái phong toả diện rộng nhằm kiềm soát dịch Covid-19 như hồi năm ngoái nhưng nhấn mạnh số ca nhiễm mới Covid-19 do chủng virus Delta gây ra đang tăng cao và chủ yếu các ca mắc mới là những người chưa được tiêm chủng đầy đủ.