Giá dầu thô vượt mốc 63 USD/thùng, thị trường lo ngại về căng thẳng tại Trung Đông

Chốt phiên giao dịch ngày 12/4, giá dầu thô thế giới đã vượt ngưỡng 63 USD/thùng sau những thông tin tích cực về tiến trình tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 tại Hoa Kỳ và sự gia tăng tăng căng thẳng tại khu vực Trung Đông.
Giá dầu thô
 Diễn biến giá dầu thô Brent và dầu thô WTI từ ngày 15/3 đến ngày 13/4/2021 (Ảnh: Oil Price)

Chốt phiên giao dịch ngày 12/4 (theo giờ Hoa Kỳ), giá dầu thô Brent giao tương lai đã tăng 33 cents lên 63,28 USD/thùng; giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) giao tương lai cũng tăng 38 cents lên 59,70 USD/thùng.

Trong đầu phiên giao dịch, giá dầu thô đã biến động nhẹ, chịu sự giằng co giữa nhiều thông tin trái chiều. Tuy nhiên, giá dầu thô đã bật tăng vào cuối phiên giao dịch sau khi dữ liệu mới nhất cho thấy đã có trên 22% tổng dân số Hoa Kỳ được tiêm đầy đủ vaccine ngừa Covid-19. Tính đến thời điểm hiện tại, Hoa Kỳ đã tiêm được hơn 187 triệu liều vaccine ngừa Covid-19, mở ra triển vọng nề kinh tế Hoa Kỳ sẽ sớm mở cửa trở lại trong những tháng tới đây.  

Chuyên gia phân tích thị trường Louise Dickson thuộc hãng tư vấn năng lượng Rystad Energy (Na Uy) nhận đinh “Giá dầu thô tăng trong phiên giao dịch này chủ yếu nhờ các thông tin tích cực về chiến dịch tiêm chủng tại Hoa Kỳ. Tiến trình tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 tại một số quốc gia khác cũng đạt được kết quả khả quan nhưng nhìn chung trên toàn cầu, tốc độ tiêm chủng vẫn ở mức thấp”.  

Các dữ liệu cho thấy có trên 11% tổng dân số của Vương quốc Anh đã được tiêm chủng đầy đủ vaccine ngừa Covid-19. Trong khi đó, số lượng người được tiêm đầy đủ 2 mũi vaccine ngừa Covid-19 tại Đức và Pháp chỉ ở mức 6%. Đức và Pháp, hai nền kinh tế lớn nhất khu vực Eurozone, đang chật vật đối mặt với số ca nhiễm mới Covid-19 liên tục tăng cao mỗi ngày và buộc phải áp đặt các biện pháp phong toả nghiêm ngặt để kiềm chế sự lây lan của dịch bệnh.

Bên cạnh đó, thị trường tương đối lạc quan khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) ông Jerome Powell tái khẳng định sẽ tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ siêu nới lỏng để hỗ trợ đà phục hồi của nền kinh tế Hoa Kỳ. FED dự báo tăng trưởng kinh tế của Hoa Kỳ trong năm nay sẽ đạt 6,5% - mức nhanh nhất kể từ năm 1983.

Giá dầu thô còn được hỗ trợ khi căng thẳng giữa phiến quân Houthi (Yemen) và Ả-rập Xê-út, quốc gia khai thác dầu thô hàng đầu thế giới, tăng lên. Phiến quân Houthi cho biết đã bắn 17 máy bay không người lái và hai tên lửa vào các mục tiêu tại Ả-rập Xê-út, bao gồm các nhà máy lọc hoá dầu của tập đoàn khai thác dầu thô quốc doanh Aramco của nước này. Ả-rập Xê-út hiện chưa xác nhận thông tin trên.

Những gia tăng xung đột giữa phiến quân Houthi và Ả-rập Xê-út trong giai đoạn gần đây có thể đe doạ đến nguồn cung dầu thô tại khu vực Trung Đông. Hồi đầu tháng 3 vừa qua, một cuộc tấn công của phiến quân Houthi vào cảng xuất dầu lớn nhất của Ả-rập Xê-út đã đẩy giá dầu thô tăng vượt ngưỡng 70 USD/thùng và giá dầu thô chỉ giảm nhiệt sau khi Ả-rập Xê-út xác nhận không có thiệt hại đáng kể do cuộc tấn công gây ra.

Tuy nhiên, giá dầu thô hiện vẫn bị kiềm chế bởi các lo ngại về đà phục hồi nhu cầu sử dụng dầu thô khi đại dịch Covid-19 còn diễn ra phức tạp. Nhu cầu sử dụng dầu thô tại khu vực Châu Á hiện vẫn ở mức thấp. Một số hãng nhập khẩu dầu thô tại Châu Á thông báo sẽ giảm lượng dầu nhập khẩu trong tháng 5 tới đây do các nhà máy lọc hoá dầu bảo dưỡng và giá dầu thô tăng cao.

Quang Đặng