Giá hạt tiêu nội địa tăng mạnh do dịch Covid-19 trong nước cơ bản đã được kiểm soát, các doanh nghiệp đẩy mạnh việc thu mua. Bên cạnh đó, lượng hàng trong dân gần như đã hết. Nếu đà tăng giá tiếp tục diễn ra và khi đạt mốc 90.000 – 95.000 đồng/kg thì có thể lượng hàng tồn từ 2 – 3 năm trước sẽ được bán ra thị trường.

Đầu tháng 10/2021, giá hạt tiêu đen tại thị trường nội địa tăng mạnh so với cuối tháng 9/2021. Ngày 8/10/2021, giá hạt tiêu đen tại các vùng sản xuất tăng từ 3,1 – 5,1% so với ngày 30/9/2021, lên mức 80.500 – 84.000 đồng/kg. Giá hạt tiêu trắng ở mức 123.000 đồng/kg, tăng 3.000 đồng/kg (tương đương mức tăng 2,5%) so với cuối tháng 9/2021 và tăng mạnh so với 67.500 đồng/kg cùng kỳ năm 2020.

Dự báo, giá tiêu sẽ tiếp tục đà tăng trong những tháng cuối năm do sản lượng hạt tiêu của Việt Nam cũng như một số nước sản xuất hạt tiêu lớn như Bra-xin, In-đô-nê-xi-a giảm mạnh vì bị ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Nhu cầu tiêu thụ tăng theo yếu tố chu kỳ.

Diễn biến giá hạt tiêu đen và hạt tiêu trắng xuất khẩu của Việt Nam
từ đầu năm 2021 đến nay (ĐVT: USD/tấn)

gi hat tieu

Nguồn: Hiệp hội hạt tiêu Quốc tế (IPC)

Số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan cho thấy, xuất khẩu hạt tiêu đen đạt 150,6 nghìn tấn, trị giá 469,6 triệu USD, giảm 12,2% về lượng, nhưng tăng 35% về trị giá so với 8 tháng đầu năm 2020. Trong khi đó, xuất khẩu hạt tiêu đen xay giảm 3,3% về lượng, nhưng tăng 21,3% về trị giá, đạt 20,84 nghìn tấn, trị giá 73,58 triệu USD.

8 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu hạt tiêu trắng giảm 8,1% về lượng, nhưng tăng 38,2% về trị giá so với 8 tháng đầu năm 2020. Ngược lại, xuất khẩu hạt tiêu trắng xay tăng 64% về lượng và tăng 106,1% về trị giá. Trong khi đó, tốc độ tăng giá xuất khẩu bình quân hạt tiêu dạng thô tăng mạnh hơn dạng chế biến.

8 tháng đầu năm 2021 so với 8 tháng đầu năm 2020, giá xuất khẩu bình quân hạt tiêu đen đạt 3.118 USD/tấn, tăng 53,7%; hạt tiêu đen xay tăng 25,4%, đạt 3.531 USD/tấn. Tốc độ tăng giá xuất khẩu bình quân hạt tiêu trắng lên tới 50,3%, còn hạt tiêu trắng xay tăng 25,7%.