Giá khí LNG Châu Á giảm sốc 30% khi Trung Quốc bán ra nhiều lô hàng

Hãng tin Reuters cho biết giá khí tự nhiên hoá lỏng (LNG) giao tháng 3/2022 đến khu vực Đông Bắc Á trong tuần này đạt trung bình 23 USD/mmBtu, giảm mạnh 30% tương đương 9,60 USD/mmBtu so với mức giá trong tuần trước.
Tàu chở khí LNG
 Một số doanh nghiệp lớn của Trung Quốc đang bắt đầu xả bán các lô khí LNG ra thị trường sau khi nước này đang trải qua mùa đông ấm hơn so với các dự báo trước đây (Ảnh: Reuters)

Giá khí LNG trên thị trường đã giảm mạnh sau khi các doanh nghiệp nhập khẩu lớn của Trung Quốc cho thấy đã dự trữ dư thừa lượng khí LNG cho nhu cầu sử dụng trong thời gian tới và bắt đầu xả bán ra thị trường.

Ngày 19/1 vừa qua, Tập đoàn Hoá chất và Dầu khí Trung Quốc (Sinopec) đã mở thầu bán ra tới 45 lô khí LNG trong năm nay. Theo đó, Sinopec sẽ bán ra từ 2 – 5 lô khí LNG mỗi tháng từ tháng 2 đến tháng 10/2022 theo hình thức giao hàng tại tàu (DES). Tổng Công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) cũng vừa đóng thầu bán ra nhiều lô khí LNG giao từ tháng 5 đến tháng 11/2021.

Giới đầu tư hiện tập trung quan sát số lô khí LNG được Sinopec và CNOOC khớp bán thành công để đánh giá mức độ ảnh hưởng đến thị trường. Trong Quý 4/2021, giá khí LNG trên thị trường Châu Á nói riêng và thị trường thế giới nói chung liên tục được đẩy lên cao khi nhiều quốc gia bao gồm Trung Quốc tăng cường thu mua nhằm đảm bảo nguồn cung cho mùa đông.

Chính phủ Trung Quốc cũng yêu cầu các doanh nghiệp nước này phải đảm bảo nguồn cung khí đốt bằng mọi giá khi nước này trải qua cuộc khủng hoảng thiếu hụt năng lượng tồi tệ nhất trong 10 năm trở lại đây.

Tuy nhiên, dữ liệu cho thấy hoạt động thu mua khí LNG trên thị trường giao ngay tại Châu Á đã suy giảm trong vài tuần gần đây khi hầu hết nhu cầu đã được đáp ứng từ các lô hàng thu mua sớm trước đó và nhiệt độ mùa đông ấm hơn so với các dự báo.

Ông Edmund Siau, trưởng nhóm phân tích tại hãng tư vấn năng lượng FGE (Anh), nhận định “Việc Sinopec và CNOOC đẩy mạnh bán ra các lô khí LNG đã tạo thêm áp lực tiêu cực lên thị trường, đặc biệt là ảnh hưởng đến hoạt động thu mua khí LNG cho mùa hè 2022 tại thị trường Châu Á. Giờ đây các nước Châu Á sẽ chờ đợi và theo dõi việc bán ra của Trung Quốc rồi mới quyết định thời điểm bắt đầu thu mua khí LNG cho dịp cao điểm tiêu thụ mùa hè”.

Giá khí LNG cũng chịu áp lực giảm sau khi Indonesia nới lỏng các biện pháp cấm xuất khẩu than đối với 139 doanh nghiệp tại nước này. Điều này phần nào giảm bớt các rủi ro về nguồn cung năng lượng tại khu vực Châu Á.

Tại thị trường Châu Âu, một lượng lớn các lô khí LNG đang dần được chuyển đến giúp hạ nhiệt cuộc khủng hoảng khí đốt kéo dài suốt nhiều tháng qua tại đây. Thậm chí, Liên minh Châu Âu (EU) đã lần đầu tiên tiếp nhận một lô khí LNG từ Indonesia trong tuần trước. Tuy nhiên, thị trường Châu Âu vẫn tập trung quan sát các rủi ro đứt gãy nguồn cung khí từ Nga khi căng thẳng giữa Nga và Ukraine đang tăng cao.

Tường Vy