Giá khí LNG tại châu Á tiếp tục giữ ổn định trong tuần này

Giá khí tự nhiên hoá lóng (LNG) tại khu vực châu Á trong tuần này tiếp tục được giữ ổn định do nhu cầu sử dụng suy yếu. Trong khi đó, giá khí đốt tại châu Âu vẫn neo ở vùng giá cao do lo ngại đứt gãy nguồn cung từ Nga.
Khí LNG
Việc giá khí LNG tại châu Âu cao hơn so với khu vực châu Á đang khiến số lượng lô hàng khí LNG chuyển đến châu Âu tăng lên đáng kể (Ảnh: Nikkei Asia)

Hãng tin Reuters dẫn lời các nguồn tin trên thị trường cho biết giá khí tự nhiên hoá lỏng (LNG) tại khu vực châu Á tiếp tục được giữ ổn định khi nhu cầu sử dụng của Trung Quốc vẫn ở mức yếu. Trung Quốc hiện duy trì các biện pháp phong toả nghiêm ngặt tại nhiều thành phố lớn, bao gồm cả Thượng Hải – trung tâm kinh tế của nước này, nhằm kiểm soát làn sóng lây nhiễm Covid-19 mới do biến chủng Omicron gây ra.

Giá các lô khí LNG giao tháng 5/2022 đến khu vực Đông Bắc Á hiện đạt mức trung bình 33 USD/mmBtu và các lô khí LNG giao tháng 6/2022 đạt trung bình 29 USD/mmBtu. Ông Edmund Siau, chuyên gia phân tích thị trường khí LNG tại hãng FGE (Singapore), nhận định giá khí LNG tại khu vực châu Á sẽ chỉ tăng trở lại khi làn sóng lây nhiễm Covid-19 hiện nay tại Trung Quốc kết thúc. Dữ liệu của hãng nghiên cứu thị trường ICIS (Anh) cho thấy lượng khí LNG được Trung Quốc nhập khẩu trong quý 1/2022 chỉ đạt 16,9 triệu tấn, giảm mạnh 13% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong khi đó, giá khí LNG cùng kỳ hạn tại thị trường châu Âu đang ở mức cao hơn khi nhiều quốc gia châu Âu đang tăng cường đa dạng hoá nguồn cung năng lượng nhằm giảm phụ thuộc vào nguồn cung từ Nga. Điều này khiến dòng chảy khí LNG trên toàn cầu đang dần dịch chuyển từ khu vực Đông Bắc châu Á sang khu vực châu Âu.

Giá khí LNG tại châu Âu tiếp tục được nâng đỡ bởi lo ngại ngày càng lớn về khả năng nguồn cung khí đốt của Nga sang châu Âu sẽ bị đứt gãy. Một văn bản nội bộ của Ủy ban châu Âu (EC) ngày 14/4 cho biết, việc các nước Liên minh châu Âu (EU) thanh toán hợp đồng khí đốt của Nga bằng đồng ruble sẽ vi phạm các cơ chế trừng phạt của EU nhằm vào Nga.

Trước đó, ngày 31/3, Nga tuyên bố sẽ tạm đình chỉ các hợp đồng chuyển giao khí đốt cho các nước thành viên EU nếu các nước này không thanh toán bằng đồng ruble. Nga cũng yêu cầu các khách hàng mua dầu khí mở tài khoản tại ngân hàng Gazprombank để các thanh toán bằng đồng euro hoặc USD sẽ được đổi sang đồng ruble.

Ông Edmund Siau cho biết nhu cầu nhập khẩu khí LNG của châu Âu từ các nguồn không phải thuộc Nga hiện ở mức rất cao nhằm đạt mức dự trữ an toàn cũng như chuẩn bị cho mùa đông sắp tới. Dữ liệu của Refinitiv Eikon cho thấy lượng khí LNG được châu Âu nhập khẩu trong tháng 3/2022 lên tới 15,4 triệu m3, tăng 32% so với hồi tháng 2/2022.

Hoa Kỳ hiện đang nổi lên là nhà cung cấp khí LNG chính cho châu Âu. Tính từ đầu năm đến nay, lượng khí LNG được châu Âu nhập khẩu từ Hoa Kỳ đã đạt 24,6 triệu m3, tương đương lượng được nhập khẩu trong cả năm 2021.

Quỳnh Trang