Giá khí tự nhiên hoá lỏng (LNG) tại châu Á giảm mạnh, nhu cầu nhập khẩu xuống thấp

Giá khí tự nhiên hoá lỏng (LNG) tại khu vực châu Á trong tuần này đã giảm mạnh 7,5% so với tuần trước khi nhu cầu nhập khẩu suy yếu. Giới phân tích cũng cho biết mặc dù căng thẳng nguồn cung khí đốt tại châu Âu đang trở nên nghiêm trọng hơn nhưng giá khí đốt khó có thể đạt mức cao kỷ lục như hồi tháng 3/2022 hoặc tháng 12/2021.
nhập khẩu khí LNG
 Lượng khí LNG được châu Âu nhập khẩu trong tháng 4/2022 đã vượt mức cao kỷ lục hồi tháng 1/2022 trong bối cảnh Liên minh châu Âu (EU) đẩy mạnh giảm phụ thuộc năng lượng vào Nga (Ảnh: Bloomberg)

Hãng tin Reuters cho biết mức giá trung bình của các lô khí tự nhiên hoá lỏng (LNG) giao tháng 6/2022 đến khu vực Đông Bắc Á trong tuần này đạt trung bình 23,50 USD/mmBtu, giảm mạnh 1,90 USD/mmBtu tương ứng 7,5% so với tuần trước.

Trong các phiên giao dịch đầu tuần này, việc tập đoàn Gazprom (Nga) dừng cung cấp khí đốt cho Ba Lan và Bulgaria do hai quốc gia này từ chối thanh toán tiền mua khí đốt bằng đồng Ruble đã đẩy giá khí đốt tại châu Âu tăng mạnh, kéo theo đó là giá khí LNG tại khu vực châu Á. Tuy nhiên, đến cuối tuần, giá khí LNG tại châu Á đã giảm nhanh chóng khi nhu cầu nhập khẩu khí LNG tại thị trường này đang ở mức yếu.

Nhiều chuyên gia phân tích nhận định giá khí LNG tại khu vực châu Á sẽ dao động quanh ngưỡng 20 USD/mmBtu do lượng dự trữ của Nhật Bản đang ở mức cao và nhu cầu sử dụng tại Trung Quốc giảm đáng kể khi nước này tái áp dụng các biện pháp phong toả phòng chống dịch Covid-19 tại nhiều nơi.  

Hãng nghiên cứu thị trường Kpler (Bỉ) dự báo tổng nhu cầu nhập khẩu khí LNG của châu Á sẽ chỉ đạt 20,55 triệu tấn trong tháng 4 – mức thấp nhất kể từ hồi tháng 6/2020. Trong đó, nhu cầu nhập khẩu khí LNG của Trung Quốc dự kiến đạt 4,56 triệu tấn – mức thấp nhất kể từ hồi tháng 10/2019.

Đối với thị trường châu Âu, việc Nga dừng cung cấp khí đốt cho hai quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) và cảnh báo sẽ hành đồng tương tự với những quốc gia khác nếu không thanh toán tiền mua khí đốt bằng đồng Ruble đang khiến tình trạng căng thẳng nguồn cung khí đốt tại đây tăng cao.

Tuy nhiên, giới quan sát chỉ ra rằng mặc dù giá khí đốt tại châu Âu đã tăng lên trong tuần này nhưng không đạt được ngưỡng giá kỷ lục như khi cuộc xung đột quân sự Nga – Ukraine bùng nổ hồi đầu tháng 3 vừa qua, cũng như không tăng mạnh như hồi tháng 12/2021 khi thị trường lo ngại nhiệt độ mùa đông giảm thấp.

Chuyên gia phân tích Alex Froley thuộc hãng nghiên cứu thị trường ICIS (Anh) cho biết “Bên cạnh Ba Lan và Bulgaria bị Nga dừng cung cấp khí đốt, Lithuania đã chủ động ngưng nhập khẩu khí đốt từ Nga. Như vậy hiện đã có tới 3 quốc gia EU cắt nguồn cung khí đốt từ Nga. Điều này sẽ làm gia tăng nhu cầu đối với các lô khí LNG giao ngay tại thị trường châu Âu. Tuy nhiên, điều này sẽ không khiến tình hình trên thị trường trở nên quá căng thẳng do châu Âu đang trong giai đoạn chuyển tiếp giữa hai cao điểm sử dụng khí đốt mùa Đông và mùa Hè. Bên cạnh đó, Trung Quốc có thể sẽ xả bán ra thị trường một số lô khí LNG do nhu cầu sử dụng tại nước này đang xuống thấp”.

Trong 28 ngày đầu của tháng 4, châu Âu đã nhập khẩu tới 12 triệu tấn khí LNG – vượt mức kỷ lục 10 triệu tấn được xác lập hồi tháng 1.

Quỳnh Trang