Giá kim loại đồng phục hồi, dứt mạch lao dốc 4 phiên liên tiếp

Sau 4 phiên lao dốc liên tiếp, giá kim loại đồng trên thị trường quốc tế đã phục hồi trở lại. Thị trường kỳ vọng nhu cầu sử dụng đồng của Trung Quốc sẽ tăng lên khi nước này nới lỏng chính sách tiền tệ để kích thích tăng trưởng kinh tế.
Giá kim loại đồng
 Diễn biến giá kim loại đồng giao sau 3 tháng trên sàn LME từ đầu năm đến nay (Đồ hoạ: LME)

Giá kim loại đồng trên thị trường quốc tế đã phục hồi tăng trở lại sau nhiều phiên giảm giá liên tiếp gần đây. Cụ thể, chốt phiên giao dịch ngày 15/7 (theo giờ địa phương), giá kim loại đồng giao tháng 9/2021 trên Sàn giao dịch hàng hoá New York (Comex) đã tăng 1,3% lên mức 4,323 USD/pound (tương đương 9.530,57 USD/tấn). Giá kim loại đồng theo hợp đồng giao sau 3 tháng trên Sàn giao dịch kim loại London (LME) cũng tăng nhẹ 0,4% lên mức 9.347 USD/tấn.

Sự phục hồi của giá đồng sau 4 phiên giao dịch lao dốc liên tiếp chủ yếu nhờ thị trường kỳ vọng nhu cầu thu mua đồng của Trung Quốc sẽ tăng lên sau khi nước này nới lỏng chính sách tiền tệ để kích thích tăng trưởng kinh tế. Trong tuần trước, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) thông báo sẽ cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) 50 điểm cơ bản đối với các tổ chức tài chính đủ điều kiện tại nước này kể từ ngày 15/7.

Giới phân tích nhận định động thái này sẽ giúp giải phóng lượng thanh khoản dài hạn trị giá khoảng 1.000 tỷ Nhân dân tệ tương đương 154 tỷ USD vào nền kinh tế Trung Quốc. Tập đoàn tài chính UBS (Thuỵ Sĩ) cho biết, hành động của PBoC có thể giúp tăng thanh khoản cho các ngân hàng, giảm lãi suất trên thị trường và giảm chi phí cho vay thực tế tại Trung Quốc. Điều này sẽ củng cố đà tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh Trung Quốc bắt đầu chứng kiến một số dấu hiệu giảm tốc. Một số nhà phân tích thậm chí nhận định PBoC có thể sẽ tiếp tục cắt giảm lãi suất cơ bản nhằm hỗ trợ hơn nữa đà phục hồi kinh tế của Trung Quốc.  

Hãng nghiên cứu và tư vấn Wood Mackenzie (Anh) vừa cho biết thị trường có thể sẽ sớm chứng kiến một siêu chu kỳ tăng giá hàng hoá trong tương lai gần, đặc biệt là đối với kim loại đồng. Trong đó, sự thống trị của Trung Quốc trong các chuỗi sản giá trị toàn cầu về năng lượng tái tạo sẽ đóng vai trò chủ chốt trong siêu chu kỳ tăng giá lần này.

“Thị trường đã thấy rõ các động thái của Trung Quốc trong việc đảm bảo nguồn nguyên liệu sản xuất pin. Khả năng tự cung tự cấp của Trung Quốc tại khu vực hạ nguồn của chuỗi giá đang ngày càng được cải thiện. 75% lượng pin lithium-ion, 70% số tấm pin năng lượng mặt trời và 60% số xe điện trên toàn cầu là đang được sản xuất tại Trung Quốc. Tuy nhiên, tham vọng của Trung Quốc vẫn chưa được thoả mãn và dự báo nước này sẽ tăng cường kiểm soát hơn nữa đối với các loại hàng hoá phục vụ phát triển năng lượng tái tạo”, theo ông Simon Morris, trưởng bộ phận thị trường kim loại của hãng Wood Mackenzie.

Hãng Wood Mackenzie cũng cảnh báo với việc Trung Quốc chiếm ưu thế kiểm soát các chuỗi giá trị năng lượng tái tạo thì các đối tác không thuộc phía Trung Quốc sẽ đối mặt với việc ngày càng bị thu hẹp thị phần; những bên tham gia quá muộn với phía Trung Quốc sẽ đối mặt với nguy cơ bị loại bỏ hoặc không đủ năng lực tham gia các chuỗi giá trị này.

Quang Đặng