Nhà máy luyện kim
 Nhiều nhà máy luyện kim tại Trung Quốc hiện bị yêu cầu phải giảm hoặc ngưng hoạt động để đảm bảo nguồn cung điện cho các lĩnh vực khác (Ảnh: China Daily)

Chốt phiên giao dịch ngày 27/9 (theo giờ địa phương), giá nhiều kim loại công nghiệp cơ bản trên Sàn giao dịch kim loại London (LME) đã chịu áp lực giảm mạnh sau khi ghi nhận mức tăng tốt trong tuần trước. Cụ thể, giá nickel giao sau 3 tháng giảm 2,2% xuống còn 18.946 USD/tấn; giá; giá thiếc giảm 3,9% xuống còn 35.100 USD/tấn và giá kẽm giảm 1,9% xuống mức 3.067,5 USD/tấn.

Nguyên nhân chủ yếu do các thông tin cho thấy tình trạng thiếu điện tại Trung Quốc đang ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn trong thời gian gần đây. 16 trong 31 tỉnh của Trung Quốc đã bắt đầu áp dụng các biện pháp siết chặt tiêu thụ điện; thậm chí, một số khu vực còn cắt giảm đèn tín hiệu giao thông và đèn chiếu sáng khu vực công cộng nhằm tiết giảm lượng điện tiêu thụ.

Tại tỉnh Quảng Đông, một trong những khu kinh tế phát triển nhất Trung Quốc, chính quyền các địa phương đã cảnh báo những doanh nghiệp vi phạm kế hoạch sử dụng điện tiết kiệm sẽ bị cắt nguồn cung điện, nhiều nhà máy tại đây được yêu cầu không sử dụng điện từ 8h đến 23h hàng ngày và chuyển sản xuất vào ban đêm.

Kể từ hồi tháng 3 đến nay, nhiều nhà máy sản xuất tại Trung Quốc đã phải giảm công suất hoạt động do tình trạng cắt điện luân phiên khi nước này đối mặt với cuộc khủng hoảng thiếu điện nghiêm trọng nhất trong hơn 10 năm trở lại đây. Một số địa phương tại nước này đã yêu cầu các nhà máy luyện kim vốn tiêu thụ lượng điện lớn phải cắt giảm mạnh công suất hoạt động, nhằm đảm bảo nguồn cung điện cho các hoạt động sản xuất khác.

Tình trạng cắt điện luân phiên diện rộng tại Trung Quốc đã lan rộng đến cả các khu dân cư thay vì chỉ giới hạn tại các khu sản xuất công nghiệp như trước đây. Tình trạng thiếu điện không chỉ khiến chi phí điện mà còn khiến chi phí sản xuất tăng vọt.

Nhiều tổ chức kinh tế lớn trên thế giới đã cảnh báo điều này sẽ tác động tiêu cực đến các chuỗi cung ứng, nhu cầu sử dụng kim loại công nghiệp và quá trình phục hồi kinh tế của Trung Quốc vốn đã suy yếu trong thời gian gần đây. Trung Quốc hiện là quốc gia tiêu thụ kim loại công nghiệp lớn nhất thế giới.

Trong đầu tháng này, giá kim loại nhôm trên thế giới đã tăng vọt lên mức cao nhất kể từ hồi đầu năm 2008 sau khi một số địa phương tại Trung Quốc siết chặt quản lý hoạt động sản xuất nhôm nhằm tiết giảm lượng điện năng tiêu thụ.