Giá nhôm tiệm cận mức kỷ lục 13 năm

Giá nhôm thế giới đang có xu hướng tăng cao trở lại kể từ cuối tháng 9 vừa qua và hiện tiệm cận mức 3.000 USD/tấn – mức giá cao nhất trong vòng 13 năm trở lại đây.
Giá nhôm
 Diễn biến giá nhôm giao sau 3 tháng trên sàn LME trong 1 tháng trở lại đây (Đồ hoạ: LME)

Chốt phiên giao dịch ngày 5/10, giá nhôm giao sau 3 tháng trên Sàn giao dịch kim loại London (LME) tăng nhẹ 0,1% đạt 2.911 USD/tấn. Trước đó, trong phiên giao dịch ngày 4/10, giá nhôm giao sau 3 tháng trên sàn LME đã có lúc tăng 2,1% lên mức 2.917 USD/tấn, tiệm cận mức giá cao kỷ lục 13 năm vốn được thiết lập hồi giữa tháng 9 vừa qua.

Tình trạng thiếu điện nghiêm trọng tại Trung Quốc đang khiến giới đầu tư lo ngại do sự sụt giảm cả nguồn cung lẫn nhu cầu sử dụng nhôm tại nước này sẽ gây biến động thị trường nhôm toàn cầu. Xét về nhu cầu sử dụng, Trung Quốc hiện là quốc gia sử dụng nhôm lớn nhất thế giới. Các đợt mất điện diện rộng buộc nhiều nhà máy tại Trung Quốc phải giảm mạnh công suất hoạt động, thậm chí ngưng hoạt động, khiến nhu cầu sử dụng các kim loại công nghiệp như nhôm suy giảm.

Tuy nhiên, giới phân tích cảnh báo cho dù nhu cầu tiêu thụ nhôm của Trung Quốc giảm xuống thì nhu cầu sử dụng nhôm tại các nơi khác trên thế giới vẫn đang ở mức cao và tình trạng thiếu hụt nguồn cung nhôm có thể trở nên trầm trọng hơn. Trung Quốc hiện là quốc gia sản xuất nhôm lớn nhất thế giới, chiếm 57% tổng sản lượng nhôm toàn cầu.

Trong khi đó, các nhà máy sản xuất nhôm vốn tiêu thụ mức điện năng lớn là những đối tượng đầu tiên buộc phải giảm hoạt động để đảm bảo nguồn cung điện cho các lĩnh vực khác tại Trung Quốc hiện nay. Dữ liệu cho thấy các nhà máy sản xuất nhôm chiếm đến 7% tổng mức tiêu thụ điện của Trung Quốc; chi phí điện chiếm tới 40% tổng chi phí luyện kim.

Lo ngại thiếu hụt nguồn cung nhôm trong thời gian tới đang đẩy giá nhôm trên thế giới tăng lên. Hồi giữa tháng 9 vừa qua, giá nhôm thế giới đã chạm mức hơn 3.000 USD/tấn – mức cao nhất kể từ hồi tháng 7/2008 trong bối cảnh đảo chính quân sự nổ ra tại Guinea. Guinea là quốc gia xuất khẩu quặng bauxite lớn thứ hai thế giới, chiếm tới 25% tổng nguồn cung quặng bauxite trên toàn cầu và chiếm 55% tổng lượng quặng bauxite được Trung Quốc nhập khẩu hàng năm. Tính từ đầu năm đến nay, giá nhôm thế giới đã tăng hơn 46%.

Thị trường hiện tập trung theo dõi chặt chẽ các dữ liệu về hoạt động xuất – nhập khẩu của Trung Quốc dự kiến sẽ được công bố trong tuần này nhằm đánh giá triển vọng nhu cầu sử dụng các kim loại công nghiệp.