Giá nickel
Indonesia, quốc gia khai thác nickel lớn nhất thế giới, đang xem xét việc cấm xuất khẩu hoặc đánh thuế cao đối với các mặt hàng nickel bán thành phẩm (Ảnh: Jarkarta Globe)

Chốt phiên giao dịch ngày 20/10 (theo giờ địa phương), giá nickel giao sau 3 tháng trên Sàn giao dịch kim loại London (LME) tăng vọt 4,6% lên mức 20.963 USD/tấn – mức cao nhất kể từ hồi tháng 5/2014 đến nay.

Giá nickel bật tăng mạnh sau khi hàng loạt thông tin cho thấy nguồn cung kim loại này sẽ ở mức thấp trong thời gian tới, trong khi đó nhu cầu sử dụng nickel đang tăng cao trở lại khi các hoạt động sản xuất công nghiệp dần phục hồi. Nickel là một trong những kim loại công nghiệp cơ bản được sử dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực sản xuất chế tạo, từ sản xuất đồ gia dụng đến pin xe điện.

Tập đoàn khai khoáng Vale SA, đơn vị cung ứng nickel hàng đầu thế giới, vừa hạ dự báo sản lượng và mức xuất khẩu nickel trong năm nay do tình trạng đình công tại mỏ nickel Sudbury (Canada). Mỏ Sudbury là một trong những khu mỏ nickel lớn nhất thế giới. Đồng thời, hoạt động khai thác nickel của hãng này tại khu mỏ Onca Puma (Brazil) cũng vừa phải ngưng lại. Theo đó, sản lượng nickel của Vale SA trong năm nay sẽ chỉ đạt từ 165.000 – 170.000 tấn, giảm mạnh so với mức dự báo 200.000 tấn được đưa ra trước đó.

Bên cạnh đó, hãng khai thác nickel hàng đầu của Nga Nornickel cũng thông báo sản lượng khai thác 9 tháng đầu năm nay đã giảm tới 23% so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ đạt gần 130.000 tấn. Đồng thời, Philippines – quốc gia xuất khẩu nickel lớn thứ hai thế giới cho biết lượng nickel xuất khẩu năm nay có thể giảm tới 10% so với mức trung bình hàng năm do tình trạng mưa lớn và tình trạng thiếu hụt tàu vận tải biển.

Ông Nichael Cuoco, trưởng ban quản lý quỹ phòng hộ các mặt hàng kim loại và hàng hoá rời tại quỹ đầu tư StoneX Group (Hoa Kỳ), cho biết đà tăng của giá nickel trên thị trường quốc tế còn đang được hỗ trợ bởi tình trạng suy giảm sản lượng gang nickel và nickel tinh chế của Trung Quốc trong tháng 9 vừa qua. Gang nickel là sản phẩm thay thế có giá rẻ hơn so với nickel tinh chế, vốn được sử dụng nhiều trong sản xuất thép không gỉ và Trung Quốc hiện là quốc gia sử dụng nickel lớn nhất thế giới.

Nhu cầu sử dụng thép không gỉ trên toàn cầu đang được cải thiện dần trong những tháng gần đây khi hoạt động sản xuất chế tạo tại nhiều nơi được tái khởi động. Tình trạng giá cước vận chuyển đường biển tăng vọt và các tắc nghẽn logistics hiện đang khiến hoạt động xuất khẩu các loại hàng hoá cơ bản, nguyên liệu thô như nickel gặp nhiều khó khăn.

Thị trường hiện đang tập trung theo dõi tình hình xuất khẩu nickel của Indonesia – quốc gia khai thác nickel lớn nhất thế giới. Trong tháng trước, Chính phủ Indonesia đã phát đi tín hiệu cho thấy nước này có thể cấm hoặc đánh thuế cao đối với các mặt hàng nickel bán thành phẩm dùng để sản xuất thép không gỉ nhằm buộc các hãng luyện kim phải tăng cường tinh chế, qua đó gia tăng giá trị nickel xuất khẩu.

Đồng thời, Indonesia đang chủ trương hạn chế xuất khẩu nickel để phát triển ngành công nghiệp sản xuất pin xe điện, đưa nước này trở thành nhà cung cấp pin xe điện lớn nhất trong khu vực.

Hồi năm 2014, Indonesia đã từng cấm xuất khẩu các loại quặng kim loại thô bao gồm cả quặng nickel. Đến năm 2017, hoạt động xuất khẩu quặng được nối lại nhưng chỉ dành cho các đơn vị có nhà máy luyện kim và đã xử lý quặng đạt mức yêu cầu. Một số chuyên gia phân tích nhận định giá nickel sẽ còn giữ ở trên mức 18.000 USD/tấn trong thời gian tới.