Giá quặng sắt “bốc hơi” 15%, xuống thấp nhất nhiều tháng trở lại đây

Giá quặng sắt đã giảm tới 15% trong phiên giao dịch ngày 19/8 khi nhiều yếu tố tiêu cực hội tụ, gồm dự báo nhu cầu sử dụng thép tại Trung Quốc suy giảm, nguồn cùng quặng sắt từ Brazil tăng lên cũng như lo ngại Hoa Kỳ sớm siết chặt các biện pháp kích thích kinh tế.

Dữ liệu của hãng nghiên cứu thị trường Fastmarkets MB (Anh) cho thấy, trong phiên giao dịch ngày 19/8, giá quặng sắt loại hàm lượng 62% sắt được nhập khẩu tại khu vực phía Bắc Trung Quốc đã lao dốc tới 13,7% xuống chỉ còn 132,66 USD/tấn. Giá quặng sắt loại hàm lượng 65% sắt mất tới 15%, xuống chỉ còn 152,50 USD/tấn.

Giá quặng sắt
Diễn biến giá quặng sắt giao tháng 1/2022 trên sàn DCE trong vòng 6 tháng gần đây (Đồ hoạ: Bartchart.com)

Chốt phiên giao dịch ngày 19/8, giá quặng sắt giao tháng 1/2022 trên Sàn giao dịch hàng hoá Đại Liên (DCE, Trung Quốc) giảm 7,2% xuống còn 763 Nhân dân tệ (117,44 USD)/tấn. Trong phiên giao dịch ngày 18/8, giá quặng sắt giao kỳ hạn trên sàn DCE đã giảm 8%. So với mức giá cao kỷ lục được thiết lập hồi cuối tháng 5 vừa qua, giá quặng sắt hiện đã giảm tới 40%.

Giá quặng sắt chịu áp lực giảm mạnh khi các dự báo cho thấy hoạt động sản xuất thép của Trung Quốc, quốc gia có sản lượng thép thô lớn nhất thế giới, sẽ suy giảm trong nửa cuối năm nay. Nhu cầu sử dụng thép tại nước này cũng được dự báo sẽ giảm xuống, đặc biệt là nhu cầu sử dụng thép của lĩnh vực xây dựng, kéo theo đó là sự suy yếu trong nhu cầu sử dụng quặng sắt. Trung Quốc hiện là quốc gia nhập khẩu quặng sắt lớn nhất thế giới.

Hãng chứng khoán CITIC Securities (Trung Quốc) cho biết trong bối cảnh các dự báo đều cho thấy nhu cầu sử dụng thép sẽ giảm xuống, giá thép sẽ khó có thể tăng cao và điều này đã tạo áp lực lớn lên giá quặng sắt.

Đồng thời, ngân hàng Commonwealth Bank of Australia cũng cho biết giới chức Trung Quốc đang ngày càng lo ngại tình trạng tăng trưởng quá nóng và các rủi ro tín dụng trong lĩnh vực bất động sản nước này. Do đó, tăng trưởng bất động sản sẽ được kiểm soát chặt chẽ hơn, nhu cầu sử dụng thép theo đó sẽ bị hạn chế.

Ngay cả khi Trung Quốc đưa ra các biện pháp kích thích tăng trưởng nhằm nâng đỡ đà phục hồi kinh tế vốn có dấu hiệu suy yếu gần đây thì lĩnh vực bất động sản và xây dựng khó có thể hưởng lợi, theo nhận định của ngân hàng Commonwealth Bank of Australia.

Trong khi đó, nguồn cung quặng sắt từ Brazil cũng như từ các hãng khai thác nội địa Trung Quốc được dự báo sẽ tăng lên trong thời gian tới. Giá quặng sắt còn chịu ảnh hưởng tiêu cực khi tâm lý giới đầu tư toàn cầu đi xuống với lo ngại Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) có thể sớm thu hẹp quy mô các biện pháp kích thích kinh tế. Các biện pháp kích thích kinh tế này đã giúp giá các kim loại công nghiệp tăng cao kể từ năm 2020 đến nay.

Mặt khác, việc nhiều quốc gia đang đối mặt với đợt tái bùng phát dịch Covid-19 nghiêm trọng cũng sẽ ảnh hưởng xấu đến hoạt động sản xuất và tiêu thụ thép, kéo theo đó là suy giảm nhu cầu sử dụng quặng sắt.

Tuy nhiên, lượng tồn trữ quặng sắt tại các hãng sản xuất thép tại Trung Quốc hiện ở mức rất thấp do đó một số nhà phân tích nhận định nhu cầu tích trữ quặng sắt để bổ sung dự trữ tại nước này sẽ xuất hiện trong những tháng tới đây.

Quang Đặng