Giá quặng sắt lao dốc

Chốt phiên giao dịch cuối tuần này (ngày 23/7), giá quặng sắt giao tháng 9/2021 trên Sàn giao dịch hàng hoá Đại Liên (DCE) tiếp tục giảm còn 1.126,5 Nhân dân tệ (tương đương 174 USD)/tấn. Tính chung cả tuần này, giá quặng sắt trên sàn DCE đã giảm khoảng 10% so với tuần trước, xác lập tuần giảm giá mạnh nhất kể từ hồi tháng 2/2020. So với mức giá cao nhất lịch sử được ghi nhận hồi giữa tháng 5 vừa qua thì mức giá này hiện đã giảm đến 17%.

Giá quặng sắt
Diễn biến giá quặng sắt giao tháng 9/2021 trên sàn DCE trong vòng 6 tháng gần đây (Đồ hoạ: Barchart.com)

Trên Sàn giao dịch hàng hoá Singapore (SICOM), giá quặng sắt giao tháng 8/2021 cũng giảm 0,2% xuống còn 197,25 USD/tấn.

Dữ liệu của hãng nghiên cứu thị trường Fastmarkets MB (Anh) cho thấy giá quặng sắt loại chứa hàm lượng 62% sắt nhập khẩu tại khu vực phía Bắc Trung Quốc trong ngày 23/7 đạt 201,33 USD/tấn, giảm 0,5% so với phiên giao dịch liền trước.

Trong khi đó, dữ liệu của hãng tư vấn SteelHome (Trung Quốc) cho thấy giá quặng sắt loại hàm lượng 62% sắt giao ngay tại Trung Quốc trong ngày 22/7 đạt 209,50 USD/tấn – mức thấp nhất trong 6 tuần trở lại đây.

Giá quặng sắt tại khu vực Châu Á có xu hướng suy giảm kể từ đầu tuần này sau khi một số địa phương tại Trung Quốc yêu cầu các nhà máy sản xuất thép cắt giảm sản lượng sản xuất. Động thái này cho thấy Chính phủ Trung Quốc đang đẩy mạnh việc giữ sản lượng thép thô của nước này trong năm nay ngang bằng với mức sản lượng trong năm 2020 nhằm đạt mục tiêu giảm lượng khí nhà kính phát thải. Dữ liệu cho thấy sản lượng thép thô của nước này trong 6 tháng đầu năm đã cao hơn tới 12% so với cùng kỳ năm 2020.

Tập đoàn tài chính ANZ (Australia) cho biết chính quyền thành phố Đường Sơn, trung tâm sản xuất thép lớn nhất Trung Quốc, đã cho biết sẽ áp dụng các chế tài mạnh nếu như các nhà sản xuất thép tại đây vi phạm quy định cắt giảm sản lượng. ANZ nhận định sẽ có nhiều hãng sản xuất thép Trung Quốc buộc phải cắt giảm sản lượng trong những tháng tới đây.

Theo tính toán của hãng tư vấn tài chính SP Angel (Anh), Trung Quốc cần phải cắt giảm hơn 50 triệu tấn sản lượng thép trong 6 tháng cuối năm nay nhằm đạt được mục tiêu giảm lượng khí thải carbon. Điều này sẽ khiến nhu cầu sử dụng quặng sắt của Trung Quốc suy yếu trong thời gian tới.

Sản lượng thép toàn cầu tăng mạnh

Dữ liệu mới nhất của Hiệp hội thép thế giới (WSA) cho thấy sản lượng thép thô toàn cầu trong tháng 6/2021 đạt 167,9 triệu tấn, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, sản lượng thép thô của Nhật Bản và Hoa Kỳ trong tháng 6/2021 đều tăng tới 44% so với cùng kỳ năm ngoái; sản lượng thép thô của Ấn Độ cũng tăng mạnh 21%.

Tuy nhiên, sản lượng thép thô của Trung Quốc trong tháng 6 vừa qua chỉ tăng 1,5% so với hồi tháng 6/2020. Ông Kieran Clancy, nhà kinh tế học hàng hoá tại hãng tư vấn kinh tế Capital Economics (Anh), cho biết “Việc Chính phủ Trung Quốc tăng cường các biện pháp kiểm soát ô nhiễm môi trường đã khiến hoạt động sản xuất thép giảm xuống. Những biện pháp nhằm hạn chế sản lượng thép dư thừa mới được áp dụng gần đây sẽ khiến sản lượng thép của nước này tiếp tục suy yếu trong thời gian tới”.

Trong tuần trước, ông Nicholas Snowdon, trưởng bộ phận thị trường kim loại cơ bản của Goldman Sachs, nhận định giá quặng sắt thế giới sẽ khó có thể hạ nhiệt trước năm 2023 cho dù nhu cầu sử dụng quặng sắt của Trung Quốc suy yếu do hoạt động sản xuất thép của các quốc gia khác vẫn còn ở mức rất lớn.

Trong khi đó, các hãng khai thác quặng sắt lớn hiện không có kế hoạch mở rộng sản xuất bất chấp việc giá quặng sắt đạt mức cao kỷ lục do các vấn đề liên quan đến vốn đầu tư.

Một số chuyên gia phân tích nhận định giá quặng sắt sẽ suy giảm về mức 150 USD/tấn trong thời gian tới. Mặc dù mức giá này thấp hơn đáng kể so với mức trên 200 USD/tấn như hiện nay nhưng đây vẫn là khoảng giá cao hơn đáng kể so với mức giá thông thường.