Giá quặng sắt
 Diễn biến giá quặng sắt giao tháng 9 trên sàn DCE trong vòng 3 tháng gần đây (Nguồn: barchart.com)

 

Trong phiên giao dịch sáng nay, giá quặng sắt giao tháng 9 trên Sàn giao dịch hàng hoá Đại Liên (DCE, Trung Quốc) tăng nhẹ 0,189% lên 794,5 Nhân dân tệ (117,6 USD)/tấn. Chốt phiên giao dịch hôm qua, giá quặng sắt trên sàn DCE giảm 0,8% xuống mức 786,50 Nhân dân tệ (116,44 USD)/tấn.

Trong khi đó, dữ liệu của hãng nghiên cứu thị trường Fastmarkets MB (Anh) cho thấy giá quặng sắt loại chứa hàm lượng 62% sắt được nhập khẩu vào khu vực phía Bắc Trung Quốc đã giảm mạnh 4,5%, xuống còn 109 USD/tấn vào sáng hôm qua.

Giới phân tích nhận định sau khi được củng cố trong tuần trước, tâm lý giới đầu tư trên thị trường quặng sắt đã bắt đầu lung lay trở lại trước các dự báo ảm đạm về thị trường bất động sản tại Trung Quốc, khiến triển vọng tăng trưởng nhu cầu sử dụng thép tại nước này trở nên tiêu cực hơn. Một khảo sát độc lập mới công bố đầu tuần này cho thấy giá nhà mới và lượng nhà được bán ra trong tháng 7 tại Trung Quốc đã giảm xuống so với hồi tháng 6.

Hoạt động xây dựng vốn chiếm đến gần 40% tổng nhu cầu sử dụng thép tại Trung Quốc - quốc gia có sản lượng thép thô và lượng quặng sắt nhập khẩu lớn nhất thế giới. Thị trường bất động sản tại nước này đang đối mặt với cuộc khủng hoảng nợ nghiêm trọng cũng như việc ngày càng nhiều người dân từ chối thanh toán tiếp tiền mua nhà khi các chủ đầu tư bàn giao nhà chậm hơn kế hoạch.

Giới phân tích cũng cho rằng niềm tin tại thị trường bất động sản Trung Quốc khó có thể sớm phục hồi trở lại bất chấp những động thái hỗ trợ từ chính phủ nước này. Lĩnh vực bất động sản suy yếu và mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính của Trung Quốc đang khiến sản lượng thép tại nước này trong năm nay có thể tiếp tục giảm xuống. Nếu điều này thành hiện thực thì đây sẽ là năm thứ hai liên tiếp, Trung Quốc ghi nhận sự sụt giảm của sản lượng thép thô. Điều này sẽ khiến giá quặng sắt trên toàn cầu chịu áp lực giảm lớn.

Ông Li Ganpo, người sáng lập và chủ tịch của tập đoàn thép Hebei Jingye, cảnh báo gần một phần ba số nhà sản xuất thép tại Trung Quốc có thể phá sản trong vòng 5 năm tới do nhu cầu sử dụng thép suy yếu. Hebei Jingye là một trong những hãng sản xuất thép lớn nhất Trung Quốc. Khảo sát cho thấy hàng loạt nhà máy thép tại Trung Quốc đã ngưng hoạt động kể từ cuối tháng 7 do lượng tồn kho thép tăng cao và nhu cầu yếu.

Ngân hàng đầu tư Goldman Sachs (Hoa Kỳ) cảnh báo việc thị trường bất động sản Trung Quốc đóng băng sẽ khiến thị trường quặng sắt toàn cầu rơi vào tình trạng dư cung đến 67 triệu tấn quặng sắt vào nửa cuối năm nay và giá mặt hàng này có thể sụt giảm mạnh trong thời gian tới.

Goldman Sachs điều chỉnh giảm dự báo giá quặng sắt trong 3 tháng tới từ 90 USD xuống 70 USD/tấn, trong 6 tháng tới từ 110 USD xuống còn 85 USD/tấn. Ngân hàng đầu tư này nhận định tình trạng khó khăn trên thị trường quặng sắt toàn cầu lần này sẽ kéo dài lâu hơn so với đợt bán tháo diễn ra trong năm 2021. Tuy nhiên, Goldman Sachs nhận định thị trường quặng sắt thế giới sẽ không diễn biến tiêu cực như giai đoạn 2014 – 2015 khi giá quặng sắt rơi về mức 38 USD/tấn.