Giá quặng sắt tại Trung Quốc tăng tuần thứ hai liên tiếp, dự báo xu hướng tăng giá sẽ kéo dài đến cuối năm nay

Giá quặng sắt tại Trung Quốc vừa xác lập tuần tăng giá thứ hai liên tiếp trong bối cảnh tồn trữ quặng sắt tại nước này sụt giảm mạnh. Dự báo giá quặng sắt sẽ còn tiếp tục tăng trong nửa cuối năm nay trước khi điều chỉnh giảm dần về mức dưới 100 USD/tấn.

Giá quặng sắt tăng tuần thứ hai liên tiếp

Giá quặng sắt
 Diễn biến giá quặng sắt trên sàn DCE trong 6 tháng trở lại đây (Ảnh: Bar Chart)

Chốt phiên giao dịch cuối tuần này (ngày 11/6), giá quặng sắt giao tháng 9/2021 trên Sàn giao dịch hàng hoá Đại Liên (DCE, Trung Quốc) đã tăng thêm 5,9% lên mức 1.247 Nhân dân tệ (195 USD/tấn), xác lập tuần tăng giá thứ hai liên tiếp.

Chỉ số giá quặng sắt loại hàm lượng chứa 62% sắt do hãng nghiên cứu thị trường S&P Global Platts theo dõi (Platts 62% Fe) đã đạt mức 217 USD/tấn vào ngày 10/6. Trong tháng 5 vừa qua, chỉ số giá quặng sắt Platts 62% Fe đạt mức trung bình 205,70 USD/tấn.

Ông Daniel Hynes, chiến lược gia cấp cao thị trường hàng hoá thuộc tập đoàn ngân hàng ANZ (Australia), cho biết giá quặng sắt giao kỳ hạn trên thị trường Trung Quốc tiếp tục neo ở mức cao khi các dấu hiệu cho thấy nhu cầu mạnh về thép tại nước này. Dữ liệu về lượng tồn trữ thép tại các nhà máy sản xuất thép lớn nhất Trung Quốc cho thấy các hãng vẫn đang tiếp tục đẩy mạnh sản lượng sản xuất nhằm đáp ứng nhu cầu trên thị trường.

Khảo sát hàng tuần của hãng tư vấn thị trường thép Mysteel (Singapore) đối với lượng tồn trữ thép tại 184 nhà máy sản xuất thép Trung Quốc trong tuần từ ngày 2/6 – 9/6 cho thấy tổng lượng tồn kho đạt mức 6 triệu tấn, tăng 2,7% so với một tuần trước đó; nguyên nhân chủ yếu do sản lượng thép tăng lên.

Bên cạnh đó, việc thị trường lo ngại về thiếu hụt nguồn cung quặng sắt trên toàn cầu cũng hỗ trợ giá quặng sắt tăng cao. Lượng tồn trữ quặng sắt tại các cảng giao dịch quặng sắt lớn của Trung Quốc trong tuần trước đã giảm xuống mức đáy 4 tháng trở lại đây. Trong khi đó số chuyến tàu giao quặng sắt hàng tuần đến Trung Quốc cũng giảm xuống.

Tập đoàn khai thác quặng sắt hàng đầu thế giới Vale SA (Brazil) vừa phải buộc ngưng khai thác tại hai mỏ do các sự cố về an toàn, khiến sản lượng khai thác của hãng giảm 40.000 tấn/ngày.

Ông Daniel Hynes nhận định điều này có thể khiến việc gia tăng sản lượng khai thác quặng sắt của Brazil gặp khó khăn. Brazil hiện là quốc gia khai thác quặng sắt lớn thứ hai thế giới, chiếm khoảng 18% tổng lượng quặng sắt xuất khẩu trên toàn cầu.

Hãng &P Global Platts nhận định các hãng khai thác quặng sắt lớn nhất thế giới như Rio Tino, Vale SA, BHP và Fortescue Metals Group đã đẩy mạnh việc xuất khẩu trong tháng 5 vừa qua. Tuy nhiên, các hãng vẫn cần phải đẩy mạnh hơn nữa hoạt động khai thác và xuất khẩu quặng sắt trong nửa cuối năm nay để theo kịp nhu cầu sử dụng trên toàn cầu, theo S&P Global Platts.

Dự báo giá quặng sắt thời gian tới

Tập đoàn ngân hàng BMO (Canada) dự báo giá quặng sắt quốc tế sẽ vẫn còn neo ở mức cao trong ngắn hạn do nhu cầu bùng nổ và nguồn cung quặng sắt bị đứt gãy dưới các tác động của đại dịch Covid-19 và các nguyên nhân khác. Tuy nhiên, BMO nhận định giá quặng sắt sẽ giảm dần về ngưỡng thông thường khoảng 100 USD/tấn vào năm sau.   

Cũng cùng quan điểm với BMO, hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings nhận định xu hướng tăng giá của quặng sắt trên thị trường quốc tế sẽ còn kéo dài trong nửa cuối năm nay và sẽ giảm dần trong 5 năm tới.

Cụ thể, Fitch Ratings dự báo giá quặng sắt sẽ đạt trung bình 125 USD/tấn trong năm nay, sau đó sẽ giảm dần về 90 USD/tấn trong năm 2022, 80 USD/tấn trong năm 2023 và chỉ còn 70 USD/tấn trong năm 2024.

Theo Fitch Ratings, nhu cầu về quặng sắt của Trung Quốc sẽ bắt đầu giảm xuống kể từ năm 2022 khi nước này siết chặt các biện pháp kích thích kinh tế chuyển đổi dần động lực tăng trưởng kinh tế từ xuất khẩu sang tiêu dùng. Giá quặng sắt sẽ chịu áp lực giảm xuống khi tồn kho thép của Trung Quốc đạt mức cao kỷ lục và sản lượng khai thác quặng sắt tại Brazil tăng mạnh.

Giá quặng sắt được dự báo sẽ bình thường hóa ở mức 80 – 90 USD/tấn trong 5 năm tới do cán cân cung - cầu đạt đến trạng thái cân bằng và sau đó là thặng dư thấp. 10 năm tới có thể chứng kiến sự gia tăng mạnh về nguồn cung quặng sắt nếu mỏ quặng Simandou ở Guinea bắt đầu được đưa vào khai thác vào cuối thập niên này, giúp nguồn cung quặng trên toàn cầu tăng thêm đến 60 – 150 triệu tấn mỗi năm.

Năm 2021, thị trường toàn cầu được dự báo sẽ thiếu hụt khoảng 90 – 100 triệu tấn quặng sắt, tương đương với mức thiếu hụt năm ngoái. Sự cố vỡ đập chất thải hồi tháng 12/2020 và trục trặc trong việc xin phê duyệt dự án của tập đoàn Vale SA tại Brazil đã ảnh hưởng đáng kể đến nguồn cung quặng sắt toàn cầu trong thời gian vừa qua.

Kết hợp với việc nhu cầu sử dụng quặng sắt tăng đột biến đã khiến lượng tồn kho quặng sắt tại các cảng của Trung Quốc rơi xuống mức thấp trong đầu năm 2021. Đây được xem là một trong những nguyên nhân chính đẩy giá quặng sắt tại Trung Quốc cũng như trên toàn cầu tăng mạnh thời gian qua.

Quang Đặng