Hãng nghiên cứu thị trường Fastmarkets MB (Anh) cho biết giá quặng sắt loại hàm lượng 62% sắt được nhập khẩu tại khu vực phía Bắc Trung Quốc trong phiên giao dịch ngày 26/8 tiếp tục tăng 2,7% lên mức 152,92 USD/tấn sau khi ghi nhận mức tăng 1,4% trong phiên giao dịch ngày 25/8. Mức giá này thường được xem là giá chuẩn cho các hợp đồng quặng sắt giao ngay tại thị trường Trung Quốc.

giá quặng sắt
Diễn biến giá quặng sắt giao tháng 1/2022 trên sàn giao dịch DCE trong vòng 6 tháng trở lại đây (Đồ hoạ: Barchart.com)

Chốt phiên giao dịch ngày 26/8, giá quặng sắt giao tháng 1/2022 trên Sàn giao dịch hàng hoá Đại Liên (DCE, Trung Quốc) tăng nhẹ 0,7% lên 816 Nhân dân tệ (125,89 USD)/tấn, xác lập phiên tăng giá thứ 4 liên tiếp.

Giá quặng sắt giao tháng 9/2021 trên Sàn giao dịch hàng hoá Singapore (SGX) cũng tăng 3,57% lên 153,27 USD/tấn. Giá quặng sắt trên sàn DCE và sàn SGX thường được xem là mức giá chuẩn cho các hợp đồng quặng sắt kỳ hạn tại thị trường Châu Á.

Giá quặng sắt tăng trở lại trong những phiên giao dịch gần đây chủ yếu nhờ giới đầu tư kỳ vọng nhu cầu sử dụng thép tại Trung Quốc sẽ tăng lên trong thời gian tới khi nước này có thể tung ra thêm các biện pháp kích thích kinh tế mới. Bên cạnh đó, việc giá quặng sắt hiện đã sụt giảm mạnh so với mức cao nhất mọi thời đại thiết lập hồi tháng 5 vừa qua cũng giúp nới rộng đáng kể biên lợi nhuận của các nhà máy sản xuất thép. Điều này sẽ kích thích các hãng sản xuất thép Trung Quốc tăng cường sản xuất, kéo theo đó là nhu cầu sử dụng quặng sắt tăng lên.

Dữ liệu của Hiệp hội Sắt thép Trung Quốc (CISA) cho thấy sản lượng thép thô của nước này trong giai đoạn từ ngày 11 – 20/8 đạt trung bình 2,14 triệu tấn, tăng 4,6% so với mức sản lượng trung bình trong 10 ngày đầu tiên của tháng 8. Sự lạc quan về nhu cầu sử dụng thép của Trung Quốc cũng hỗ trợ giá thép tại nước này tăng lên trong các phiên giao dịch gần đây.  

Ông Daniel Hynes, chiến lược gia cấp cao về thị trường hàng hoá tại tập đoàn ngân hàng ANZ (Australia), cho biết các tỉnh tại Trung Quốc đang tăng tốc bán ra trái phiếu địa phương với khối lượng lên tới hơn 600 tỷ Nhân dân tệ kể từ tuần trước. Số tiền thu được từ việc phát hành trái phiếu địa phương thường được các chính quyền địa phương sử dụng cho việc phát triển cơ sở hạ tầng, giúp kích thích tăng trưởng kinh tế và điều này sẽ giúp nhu cầu sử dụng thép tăng lên, theo ông Daniel Hynes.

Bên cạnh đó, sự gia tăng mạnh của các loại hàng hoá, nguyên liệu thô khác, đặc biệt là những loại hàng hoá liên quan đến hoạt động sản xuất thép như than đá, trong những phiên giao dịch gần đây cũng phần nào lan toả và kích thích giá quặng sắt tăng lên.

Tuy nhiên, phần lớn giới phân tích vẫn duy trì quan điểm giá quặng sắt sẽ sớm giảm trở lại khi nguồn cung quặng sắt đang tăng lên và Chính phủ Trung Quốc cho thấy quyết tâm mạnh trong việc kìm hãm sản lượng thép thô năm nay ngang bằng với mức năm ngoái nhằm đạt mục tiêu cắt giảm lượng phát thải khí nhà kính.