Giá vàng đi ngang, thị trường đổ dồn chờ đợi dữ liệu lạm phát tại Hoa Kỳ

Mở cửa phiên giao dịch sáng nay ngày 10/6, giá vàng trong nước có xu hướng đi ngang, quanh mốc 57,22 triệu đồng/lượng. Giá vàng thế giới sụt giảm nhẹ trong bối cảnh giới đầu tư đổ dồn chờ đợi dữ liệu về lạm phát tại Hoa Kỳ.

Cụ thể, vào lúc 9h00 sáng nay ngày 10/6, giá vàng SJC tại khu vực Hà Nội được Công ty TNHH Vàng bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết tại mức 56,60 triệu đồng/lượng (mua vào) – 57,22 triệu đồng/lượng (bán ra), giảm 50.000 đồng/lượng ở chiều mua vào lẫn chiều bán ra so với mức giá mở cửa phiên giao dịch.

Tại khu vực TP.Hồ Chí Minh, Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI niêm yết giá vàng miếng tại mức 56,70 triệu đồng/lượng (mua vào) – 57,25 triệu đồng/lượng (bán ra), không đổi so với mức giá chốt phiên giao dịch chiều qua.

Giá vàng thế giới
 Diễn biến giá vàng thế giới giao ngay trong các phiên giao dịch ngày 7, 8 và 9/6/2021 (Ảnh: Kitco)

Trên thị trường quốc tế, giá vàng thế giới giao ngay hiện được giao dịch tại mức 1.884,60 USD/ounce, giảm 3,40 USD/ounce so với mức giá đầu phiên giao dịch. Quy đổi theo tỷ giá USD do ngân hàng Vietcombank niêm yết (1 USD = 23.060 VNĐ), giá vàng thế giới giao ngay hiện tương đương 52,39 triệu đồng/lượng (chưa tính thuế, phí), thấp hơn khoảng 4,8 triệu đồng/lượng so với giá vàng trong nước.

Chốt phiên giao dịch ngày 9/6 (theo giờ địa phương), giá vàng thế giới giao ngay đạt 1.892,50 USD/ounce, giảm 7,2 USD/ounce so với mức giá mở cửa phiên giao dịch bất chấp việc lợi suất trái phiếu Chính phủ Hoa Kỳ đã giảm xuống chỉ còn 1,489% - mức thấp nhất kể từ tháng 3/2021 và chỉ số US Dollar Index duy trì dưới ngưỡng 90 điểm.

Chuyên gia phân tích thị trường David Russell thuộc hãng môi giới giao dịch Gold Core (Anh) nhận định dù lợi suất trái phiếu Chính phủ Hoa Kỳ giảm nhưng giá vàng cũng không tăng lên như trước đây. Nguyên nhân chủ yếu do Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) đang nỗ lực giảm kỳ vọng lạm phát của giới đầu tư, khiến lợi suất thực giảm xuống.

Giá vàng thế giới tiếp tục dao động quanh mức 1.900 USD/ounce và thị trường hiện tập trung theo dõi báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Hoa Kỳ dự kiến được công bố trong ngày 10/6 (theo giờ địa phương). Giới phân tích dự báo chỉ số CPI tháng 5/2021 của Hoa Kỳ có thể sẽ  tăng thêm 0,5% so với tháng 4 trước đó và tăng tới 4,8% so với cùng kỳ năm 2020.

Trong tháng 4/2021, việc chỉ số CPI tại Hoa Kỳ tăng tới 0,8% - mức tăng theo tháng cao nhất kể từ năm 2009 đã thúc đẩy giá vàng tăng bật tăng mạnh khi nhiều nhà đầu tư tìm đến vàng như kênh trú ẩn bảo toàn tài sản trước rủi ro lạm phát tăng cao.

Theo ông David Russell, nếu chỉ số CPI chính thức của Hoa Kỳ thấp hơn dự báo của giới phân tích thì giới đầu tư sẽ đẩy mạnh bán vàng ra trong ngắn hạn; trong khi đó, nếu mức lạm phát cao hơn dự báo thì một chu kỳ tăng giá mới của vàng sẽ được kích hoạt.

Quang Đặng