Giá vàng đồng loạt giảm nhẹ về mức 55,25 triệu đồng/lượng

Giá vàng giảm nhẹ về mức 55,25 triệu đồng/lượng trong phiên giao dịch sáng nay ngày 15/4. Giá vàng thế giới cũng giảm nhẹ về mốc 1.735,6 USD/ounce khi lợi suất trái phiếu Chính phủ Hoa Kỳ tăng nhẹ.

Vào lúc 9h30 sáng nay ngày 15/4, giá vàng SJC tại khu vực TP.Hồ Chí Minh được Công ty TNHH Vàng bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết tại mức 54,83 triệu đồng/lượng (mua vào) – 55,25 triệu đồng/lượng (bán ra), giảm 70.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra so với mức giá chốt phiên giao dịch hôm qua.

Tại khu vực Hà Nội, Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI niêm yết giá vàng miếng tại mức 54,85 triệu đồng/lượng (mua vào) – 55,25 triệu đồng/lượng (bán ra), giảm nhẹ 50.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra so với mức giá cuối chiều qua. Mức chênh lệch giữa giá mua và bán vàng tại hầu hết các đơn vị giao dịch vàng bạc lớn trong nước đã tăng lên mốc 500.000 đồng/lượng so với mức 400.000 đồng/lượng được duy trì trong suốt tuần trước.

Giá vàng thế giới
 Diễn biến giá vàng thế giới trong các phiên giao dịch ngày 12, 13 và 14/4/2021 (Ảnh: Kitco)

Trên thị trường quốc tế, giá vàng thế giới giao ngay trong sáng nay được giao dịch quanh mốc 1.735,6 USD/ounce, giảm nhẹ 0,8 USD/ounce so với mức giá đầu phiên giao dịch.

Quy đổi theo tỷ giá USD do ngân hàng Vietcombank niêm yết (1 USD = 23.160 VNĐ), giá vàng thế giới hiện tương đương 48,46 triệu đồng/lượng (chưa tính thuế, phí), thấp hơn khoảng 6,7 triệu đồng/lượng so với giá vàng trong nước.  

Chốt phiên giao dịch ngày 14/4 (theo giờ Hoa Kỳ), giá vàng thế giới đạt 1.736 USD/ounce, giảm 9 USD/ounce so với mức giá cao ngày 13/4. Nguyên nhân chủ yếu do lợi suất trái phiếu Chính phủ Hoa Kỳ đã tăng nhẹ, làm giảm sức hấp dẫn của vàng. Trong khi đó, ông David Meger - Giám đốc Giao dịch Kim loại quý tại hãng chứng khoán High Ridge Futures (Hoa Kỳ) nhận định nguyên nhân chủ yếu là do giá vàng gặp ngưỡng cản kỹ thuật trong ngắn hạn, mức 1.750 USD/ounce.

Trong phiên giao dịch ngày 13/4, giá vàng có lúc đã tăng sát lên mức 1.750 USD/ounce khi dữ liệu cho thấy lạm phát tại Hoa Kỳ trong tháng 3/2021 đã tăng mạnh nhất trong vòng 8 năm trở lại đây.

Ông Suki Cooper, chuyên gia phân tích tại tập đoàn ngân hàng Standard Chartered (Anh), nhận đinh “Vàng có thể đối mặt với nhiều thách thức hơn trong quý 2/2021. Chúng tôi (Standard Chartered) dự báo đồng USD sẽ mạnh lên tạm thời nhưng sau đó đồng USD có thể quay về xu hướng giảm, lợi suất thực sẽ vẫn âm và kỳ vọng lạm phát tăng tốc sẽ lại kéo nhà đầu tư quay trở về kênh vàng".

Theo khảo sát của chuyên trang tin tức về vàng Kitco News, phần lớn giới đầu tư kỳ vọng giá vàng sẽ tăng lên trong tuần này. Một số chuyên gia nhận định giá vàng dường như đã sẵn sàng lấy lại mốc tâm lý trên 1.750 USD/ounce.

Một yếu tố khác có thể hỗ trợ giá vàng bật tăng là Hoa Kỳ tạm ngưng sử dụng vaccine ngừa Covid-19 của hãng Johnson & Johnson's vì hiện tượng máu đông, qua đó gia tăng thách thức cho mục tiêu sớm tái mở cửa nền kinh tế  của nước này. Ông Phillip Streible, chiến lược gia thị trường tại hãng chứng khoán Blue Line Futures (Hoa Kỳ), nhận định "Giá hiện tại cần phải bật lên trên 1.765 USD thì mới châm ngòi cho làn sóng kế tiếp, kéo giá lên 1.800 USD được".

Quang Đặng