Vào lúc 11h00 sáng nay ngày 17/5, giá vàng SJC tại khu vực Hà Nội được Công ty TNHH Vàng bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết tại mức 56,05 triệu đồng/lượng (mua vào) – 56,42 triệu đồng/lượng (bán ra), tăng mạnh 130.000 đồng ở chiều mua vào và tăng 30.000 đồng ở chiều bán ra.

Tại khu vực TP.Hồ Chí Minh, giá vàng miếng được Tập đoàn Vàng bạc Đá quý niêm yết tại mức 56,05 triệu đồng/lượng (mua vào) – 56,35 triệu đồng/lượng (bán ra), tăng tới 150.000 đồng ở chiều mua vào nhưng lại giảm 50.000 đồng ở chiều bán ra. Mức chênh lệch giữa giá mua và bán trên thị trường vàng trong nước hiện ở khoảng 350.000 đồng/lượng.

Diễn biến giá vàng thế giới
Diễn biến giá vàng thế giới giao ngay trong các phiên giao dịch ngày 14, 16 và 17/5/2021 (Ảnh: Kitco)

Trên thị trường quốc tế, giá vàng thế giới giao ngay hiện được giao dịch quanh mức 1.851,80 USD/ounce, tăng 8 USD/ounce so với mức giá đầu phiên giao dịch. Quy đổi theo tỷ giá USD do ngân hàng Vietcombank niêm yết (1 USD = 23.150 VNĐ), giá vàng thế giới hiện tương đương 51,68 triệu đồng/lượng (chưa tính thuế, phí). Như vậy, mức chênh lệch giữa giá vàng trong nước với giá vàng thế giới tiếp tục được thu hẹp xuống còn khoảng 4,75 triệu đồng/lượng.

Chốt phiên giao dịch cuối tuần trước, giá vàng thế giới đạt 1.843,9 USD/ounce, tăng 17,4 USD/ounce và chạm mức cao nhất kể từ đầu tháng 2/2021 trở lại đây. Giá vàng thế giới ghi nhận 2 phiên giao dịch cuối tuần trước đều ở mức cao khi các quan chức của Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) khẳng định sẽ không sớm nâng lãi suất trở lại cũng như siết chặt các chính sách kích thích kinh tế bất chấp việc lạm phát tại Hoa Kỳ đang ở mức cao kỷ lục.

Khảo sát của chuyên trang tin tức thị trường vàng Kitco News cho thấy phần lớn thị trường, bao gồm cả các nhà phân tích lẫn giới đầu tư cá nhân, dự báo giá vàng sẽ tiếp tục tăng lên trong tuần này và có thể phá ngưỡng 1.850 USD/ounce.

Giá vàng quốc tế hiện đang nhận được nhiều yếu tố hỗ trợ bao gồm mức lạm phát cao tại Hoa Kỳ, đồng USD suy yếu khi FED vẫn duy trì chương trình nới lỏng định lượng khổng lồ, bất ổn phục hồi kinh tế khi biến chủng Covid-19 Ấn Độ lan rộng ra nhiều quốc gia Châu Á cũng như leo thang xung đột dữ dội giữa Israel và Palestine.

Giới phân tích nhận định những rủi ro liên quan đến đại dịch Covid-19 trong tiến trình phục hồi kinh tế toàn cầu cũng như các bất ổn địa chính trị trong thời gian gần đây có thể khiến vàng tiếp tục trở thành kênh đầu tư trú ẩn đối với giới đầu tư toàn cầu. Thị trường cũng tiếp tục chứng kiến việc mua vàng vào ở mức cao của các ngân hàng trung ương, với dự trữ vàng chính thức trên toàn cầu tăng 95,5 tấn trong quý 1/2021.