Cụ thể, vào lúc 11h30 sáng nay ngày 11/6, giá vàng SJC tại khu vực TP.Hồ Chí Minh được Công ty TNHH Vàng bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết tại mức 56,85 triệu đồng/lượng (mua vào) – 57,45 triệu đồng/lượng (bán ra), tăng 150.000 đồng/lượng ở cả chiều mua vào và bán ra so với mức giá đầu phiên giao dịch.

Tại khu vực Hà Nội, Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI niêm yết giá vàng miếng tại mức 56,85 triệu đồng/lượng (mua vào) – 57,42 triệu đồng/lượng (bán ra), tăng 200.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và tăng 220.000 đồng/lượng ở chiều bán ra so với mức giá chốt phiên giao dịch cuối chiều qua. Mức chênh lệch giữa giá mua và bán vàng trên thị trường trong nước hiện đã được kéo giãn lên khoảng 550.000 đồng/lượng.

Trên thị trường quốc tế, giá vàng thế giới giao ngay hiện được giao dịch tại mức 1.899,30 USD/ounce, tăng 1,10 USD/ounce so với mức giá đầu phiên giao dịch. Quy đổi theo tỷ giá USD do ngân hàng Vietcombank niêm yết (1 USD = 23.050 VNĐ), giá vàng thế giới giao ngay hiện tương đương 52,78 triệu đồng/lượng (chưa tính thuế, phí). Như vậy, giá vàng trong nước hiện đang chênh cao hơn khoảng 4,6 triệu đồng/lượng so với giá vàng thế giới.

Giá vàng thế giới
 Diễn biến giá vàng thế giới giao ngay trong các phiên giao dịch ngày 9, 10 và 11/6/2021 (Ảnh: Kitco)

Chốt phiên giao dịch ngày 10/6 (theo giờ địa phương), giá vàng thế giới giao ngay đạt 1.898,20 USD/ounce. Trong phiên giao dịch ngày 10/6, giá vàng thế giới đã có lúc chạm trở lại ngưỡng 1.900 USD/ounce. Giá vàng thế giới tăng trở lại sau khi dữ liệu mới nhất cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Hoa Kỳ trong tháng 5 vừa qua đã tăng tới 5% so với cùng kỳ năm ngoái, vượt xa mọi dự báo của giới phân tích.

Nếu loại bỏ giá thực phẩm và năng lượng trong rổ hàng hoá, chỉ số CPI lõi tháng 5/2021 tại Hoa Kỳ tăng 0,7% so với tháng liền trước và tăng tới 3,8% so với cùng kỳ năm ngoái – mức tăng mạnh nhất kể từ năm 1992.

Nếu tính theo tháng thì chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5/2021 của Hoa Kỳ đã tăng 0,6% so với tháng 4/2021. Trong tháng 4/2021, chỉ số CPI của Hoa Kỳ đã tăng tới 0,8% so với hồi tháng 3 trước đó, xác lập mức tăng theo tháng cao nhất kể từ năm 2009. Các chỉ số cảnh báo lạm phát tại Hoa Kỳ hiện đều ở mức cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu giai đoạn 2008 – 2009.

Tuy nhiên, đà tăng của giá vàng phần nào bị kìm hãm bởi dữ liệu cũng cho thấy số đơn xin trợ cấp thất nghiệp tại Hoa Kỳ trong tuần trước đã giảm xuống mức thấp nhất trong 15 tháng trở lại đây, qua đó cho thấy đà phục hồi tăng trưởng của nền kinh tế Hoa Kỳ đang ngày càng tốt hơn.

Thị trường vàng hiện kỳ vọng việc lạm phát tăng cao sẽ hỗ trợ giá vàng tăng lên trong thời gian tới khi nhiều nhà đầu tư tìm đến vàng như kênh trú ẩn. Chuyên gia phân tích thị trường cấp cao Edward Moya thuộc hãng chứng khoán OANDA nhận định điểm mấu chốt của thị trường là các nhà đầu tư tin rằng Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) sẽ không sớm thay đổi lập trường về các chính sách kích thích kinh tế, giúp duy trì các yếu tố hỗ trợ giá vàng tăng lên. Bên cạnh đó, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng cho biết sẽ vẫn duy trì các biện pháp kích thích kinh tế ổn định trong suốt mùa hè này.