TÓM TẮT:

Với những trọng tâm trong chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, xuất khẩu của Việt Nam ngày càng khẳng định vai trò trong đóng góp vào tăng trưởng kinh tế và khai thác có hiệu quả thành tựu của quá trình hội nhập về kinh tế. Xuất khẩu của Việt Nam những năm qua luôn đạt thành tích ấn tượng, tạo “lực kéo” quan trọng cho cả nền kinh tế, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tạo công ăn việc làm, nâng cao đời sống thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, dưới góc độ chất lượng và bền vững, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu còn một số điểm đáng quan tâm. Bài viết này xem xét quá trình chuyển dịch cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam những năm qua và đề xuất một số giải pháp chuyển dịch cơ cấu hàng hóa xuất khẩu theo hướng bền vững và hợp lý, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới.

Từ khóa: cơ cấu hàng hóa xuất khẩu, tăng trưởng kinh tế, Việt Nam.

1. Đặt vấn đề

Xuất khẩu đã trở thành một trong những động lực chủ yếu của tăng trưởng kinh tế, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tạo công ăn việc làm, nâng cao đời sống thu nhập cho người dân. Hoạt động xuất khẩu đóng góp về nhiều mặt, trực tiếp làm tăng giá trị sản xuất, gián tiếp thúc đẩy phát triển ngành liên quan, nâng cao trình độ lao động, nâng cao trình độ sản xuất trong nước đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường quốc tế.

Phát triển xuất khẩu theo mô hình tăng trưởng bền vững và hợp lý của Việt Nam thời gian qua là chủ trương nhất quán và xuyên suốt của Đảng và Chính phủ, luôn gắn liền với chủ trương về hội nhập quốc tế về kinh tế của đất nước và quá trình tự do hóa thương mại. Với những trọng tâm trong chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, phát triển xuất khẩu theo mô hình tăng trưởng bền vững và hợp lý của Việt Nam ngày càng khẳng định vai trò trong đóng góp vào tăng trưởng kinh tế và khai thác có hiệu quả thành tựu của quá trình hội nhập về kinh tế.

Xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam những năm gần đây không ngừng mở rộng về quy mô, gia tăng về kim ngạch. Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam những năm gần đây về cơ bản có sự chuyển dịch theo hướng tích cực, phù hợp với lộ trình thực hiện mục tiêu của Chiến lược phát triển xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011 - 2020, định hướng đến năm 2030 và tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tuy nhiên, sự chuyển dịch còn thể hiện một số điểm chưa thực sự bền vững và hợp lý, làm cho hiệu quả xuất khẩu chưa đạt được như kỳ vọng. Vì vậy, bài viết đi sâu phân tích thực trạng chuyển dịch cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam giai đoạn 2000 - 2020 và đưa ra giải pháp chuyển dịch cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đến năm 2025. 

2. Thực trạng chuyển dịch cơ cấu hàng hóa xuất khẩu

Xuất khẩu của Việt Nam những năm qua luôn đạt thành tích ấn tượng, tăng liên tục trọng nhiều năm. Năm 2018, Việt Nam đứng vị trí thứ 26 về quy mô xuất khẩu (đứng thứ 3 trong ASEAN, sau Thái Lan và Malaysia) với một số mặt hàng xuất khẩu đứng trong nhóm 10 quốc gia xuất khẩu lớn nhất thế giới, như: nhóm hàng về thiết vị văn phòng và viễn thông (thứ 9), dệt (thứ 8), quần áo (thứ 4). Năm 2020, trong bối cảnh kinh tế thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề từ Covid-19, xuất khẩu của các nước trong khu vực đều giảm so với năm trước, xuất khẩu của Việt Nam vẫn đạt được mức tăng trưởng dương, kim ngạch xuất khẩu ước đạt gần 281,5 tỷ USD, tăng 6,5% so với năm 2019. Cán cân thương mại liên tục thặng dư, các kỷ lục xuất siêu liên tiếp được thiết lập. Năm 2016, xuất siêu 1,77 tỷ USD và tiếp xuất siêu 2,11 tỷ USD năm 2017; 6,83 tỷ USD năm 2018; 10,87 tỷ USD năm 2019 và ghi nhận mức kỷ lục gần 19,1 tỷ USD năm 2020. Xuất khẩu hàng hóa có sự chuyển biến rõ rệt về mặt chất, thể hiện đáng chú ý qua sự chuyển dịch cơ cấu hàng hóa xuất khẩu. Cùng với tiêu dùng nội địa, xuất khẩu đã cho thấy vai trò quan trọng, là trụ cột trong tăng trưởng, đặc biệt tiêu biểu ở giai đoạn 2016-2020.

2.1. Những kết quả đạt được

Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu có sự điều chỉnh phù hợp hơn với nhu cầu và xu thế phát triển thế giới, đặc biệt là từ khi Việt Nam trở thành thành viên chính thức của WTO, cho thấy cơ cấu hàng hóa xuất khẩu đã được chuyển đổi một phần căn bản về chất. Chẳng hạn, những nhóm mặt hàng may mặc xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam là trang phục khác (gồm các sản phẩm như quần áo trẻ sơ sinh, đồ bơi, đồ trượt tuyết); trang phục nữ, dệt; trang phục nam, dệt và trang phục nữ dệt kim hoặc móc cũng tương ứng là bốn nhóm mặt hàng may mặc có nhu cầu nhập khẩu cao nhất trên thế giới. Cơ cấu hàng xuất khẩu cũng đã tập trung nhiều hơn vào các mặt hàng tiêu dùng, hàng trung gian và hàng hóa vốn, trong khi tỷ trọng dầu thô và các loại tài nguyên khác giảm.

Cơ cấu hàng hóa có sự dịch chuyển tích cực giữa các nhóm hàng và hướng vào lõi công nghiệp hóa. Tỉ trọng giá trị xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp tăng, từ mức 71,1% kim ngạch xuất khẩu năm 2010, lên mức 85,4% năm 2015 và 89,8% năm 2020. Trong khi đó, tỉ trọng nhóm trong nhóm hàng nông, lâm, thủy sản xuất khẩu đã giảm mạnh, từ 22,7% năm 2010 xuống 14,7% năm 2015 và 10,2% năm 2020. Tỷ trọng nhóm hàng công nghiệp nặng và khoáng sản tăng lên, chủ yếu do tăng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng điện thoại các loại và linh kiện, trong khi tỷ trọng nhóm hàng công nghiệp nhẹ và tiểu thủ công nghiệp giảm. Đây là những xu hướng chuyển dịch tích cực, phù hợp với xu thế chung của thế giới.

Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam có xu hướng chuyển dịch từ các mặt hàng nguyên liệu thô hoặc sơ chế sang các mặt hàng có hàm lượng chế biến. Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng hàng nguyên liệu thô hoặc sơ chế, tăng tỷ trọng hàng chế biến, chế tạo (gồm cả hàng nhiên liệu chế biến, hàng nông thủy sản chế biến và hàng công nghiệp chế biến chế tạo).

Tỷ trọng sản phẩm thâm dụng công nghệ và kỹ năng tăng dần trong những năm gần đây đã có hiệu ứng lan tỏa mạnh tới các khu vực khác của nền kinh tế và tác động tích cực tới tăng trưởng kinh tế. Tỷ trọng nhóm hàng chế biến thâm dụng công nghệ, kỹ năng gia tăng đáng kể là một tín hiệu lạc quan, bởi vì xu hướng gia tăng tỷ trọng xuất khẩu hàng chế biến thâm dụng kỹ năng có liên kết chặt chẽ với hiệu ứng tăng GDP bình quân đầu người. Các mặt hàng chế biến thâm dụng công nghệ, kỹ năng như hóa chất và sản phẩm hóa chất; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác, phương tiện vận tải và phụ tùng được kỳ vọng sẽ mang lại những ảnh hưởng động và có hiệu ứng lan tỏa mạnh trong nội bộ khu vực xuất khẩu nói riêng và đến toàn bộ nền kinh tế nói chung, là nhân tố có tác động tính cực tới tổng năng suất nhân tố.

Đồng thời, kim ngạch và tỷ trọng liên tục gia tăng của nhóm hàng này cũng là tiền đề quan trọng cho quá trình đa dạng hóa và chuyển dịch cơ cấu hàng xuất khẩu, rộng hơn là quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại, một trong những mục tiêu quan trọng hướng tới tăng trưởng chất lượng, bền vững và hiệu quả. Năm 2020, Việt Nam xuất siêu chủ yếu vào thị trường các nước phát triển, có yêu cầu khắt khe về chất lượng đối với hàng hóa nhập khẩu như Hoa Kỳ (xuất siêu gần 62,7 tỷ USD); EU (xuất siêu gần 20,3 tỷ USD)

Mức độ đa dạng hóa mặt hàng xuất khẩu cũng cho thấy sự dịch chuyển tích cực. Chỉ số đa dạng hóa nhìn chung có cùng xu hướng biến động với GDP bình quân đầu người cho thấy đa dạng hóa xuất khẩu đã góp phần đáng kể vào việc nâng cao thu nhập và mức sống của người dân. Có được điều này là nhờ cơ chế mở rộng danh mục xuất khẩu của quá trình đa dạng hóa mặt hàng, từ đó nâng cao thu nhập từ xuất khẩu, giúp“giảm sốc” nền kinh tế trước những biến động có tính chu kỳ cũng như những tác động bất ngờ từ thị trường quốc tế, góp phần ổn định vĩ mô, tạo điều kiện cho tăng trưởng kinh tế. Từ năm 2007 trở về trước, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu tập trung hơn vào những sản phẩm được coi là truyền thống bao gồm khai thác nhiên liệu thô như dầu mỏ, than đá; sản phẩm khai thác lợi thế điều kiện tự nhiên như thủy sản sơ chế; nông sản như gạo, cao su, cà phê, hạt điều và khai thác lao động giá rẻ như dệt may, giày dép, lắp ráp điện tử.

Nhìn chung, trong giỏ hàng xuất khẩu chủ lực ít thấy mặt hàng mới, nhất là mặt hàng có hàm lượng công nghệ cao, có khả năng thế chỗ cho các mặt hàng truyền thống, một số ít mặt hàng mới xuất hiện lại là hàng tái xuất, ví dụ như vàng bạc, đá quý và sắt thép do nhu cầu thấp trong nước. Từ 2007 đến nay, xu hướng đa dạng hóa diễn ra khá mạnh. Nhờ đó, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu có khả năng thích ứng cao hơn với cơ cấu nhu cầu của thế giới vốn luôn thay đổi, giúp duy trì mức tăng trưởng xuất khẩu bền vững, giảm bớt ảnh hưởng tiêu cực bởi các cú sốc đến từ bên ngoài, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.

Xuất khẩu hàng hóa của nước ta thời gian qua được mở rộng về quy mô, đồng thời số lượng mặt hàng cũng ngày càng đa dạng và phong phú, đặc biệt đã phát triển thêm một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực và tạo vị thế cao trong xuất khẩu các mặt hàng này. Nếu như năm 2007, Việt Nam chỉ có 11 nhóm hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD thì đến hết năm 2018, đã có 29 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD. Con số này năm 2020 là 31 mặt hàng trong đó có 9 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD và 6 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 92% tổng kim ngạch xuất khẩu. Việt Nam trở thành một trong những quốc gia xuất khẩu hàng đầu thế giới về nhiều hàng hóa, như hạt điều, cà-phê và giày dép, dệt may, thủy sản.

2.2. Một số hạn chế

Chuyển dịch cơ cấu hàng hóa xuất khẩu chưa hướng mạnh vào chế biến sâu, phát triển sản phẩm xuất khẩu có hàm lượng công nghệ và chất xám cao, tỷ trọng sản phẩm chế biến, chế tạo có giá trị gia tăng cao còn thấp. Tỷ trọng nhóm hàng nhiên liệu, khoáng sản và nông, lâm, thủy sản giảm dần trong cơ cấu hàng hóa xuất khẩu, tỷ trọng nhóm hàng chế biến, chế tạo tăng nhanh. Tuy nhiên, sự chuyển dịch chưa thực sự hợp lý vì nhóm hàng chế biến, chế tạo vẫn chủ yếu làm gia công, lắp ráp cho nước ngoài (dệt may, da giày, hàng điện tử, điện thoại...), giá trị gia tăng của sản phẩm thấp, chưa được cải thiện, sản phẩm xuất khẩu có hàm lượng công nghệ và chất xám cao còn hạn chế. Khả năng đáp ứng các quy định, tiêu chuẩn về chất lượng và vệ sinh, an toàn thực phẩm của thị trường thế giới còn hạn chế. Các chuỗi giá trị hàng nông sản của Việt Nam có quy mô nhỏ và vị thế thấp trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Số lượng mặt hàng thực sự có lợi thế cạnh tranh trên thị trường thế giới còn hạn chế. Hạn chế này một phần do sự liên kết giữa các nhóm ngành xuất khẩu còn khá lỏng lẻo, khiến cho những mặt hàng của Việt Nam thường không liên quan đến nhau, khó tạo được hiệu ứng “tràn ngập và lan tỏa” tại các thị trường lớn như EU và Mỹ. Hàng hóa xuất khẩu mới chủ yếu khai thác được lợi thế so sánh tĩnh là tài nguyên thiên nhiên, là nhân công giá rẻ, mà chưa chủ động tạo ra được lợi thế so sánh động, lợi thế cạnh tranh. Chẳng hạn, Việt Nam có lợi thế cạnh tranh đối với một số sản phẩm nông, thủy sản và công nghiệp, tuy nhiên chủ yếu vẫn là sản phẩm thô hoặc có hàm lượng chế biến thấp, chất lượng chưa cao. Hàng nông sản của Việt Nam đã xuất khẩu tới trên 100 nước trên thế giới; kim ngạch xuất khẩu hàng nông sản tăng qua các năm, nhưng chỉ một số ít loại nông sản có chuỗi giá trị riêng biệt của doanh nghiệp tham gia các khâu có giá trị gia tăng cao trong chuỗi giá trị toàn cầu. Trong khi đó, cơ cấu xuất khẩu các mặt hàng này của Việt Nam lại tương đồng với ASEAN, Trung Quốc và mức độ tương đồng với Hàn Quốc và Ấn Độ đang gia tăng.

Nhóm hàng chế biến thâm dụng lao động là lĩnh vực mà các doanh nghiệp Việt Nam có thể có nhiều cơ hội để phát triển, nhưng đến nay, chủ yếu xuất khẩu vẫn là do khu vực FDI đảm nhận, chẳng hạn xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ, dệt may, giấy và sản phẩm từ giấy, xơ, sợi dệt các loại, túi xách, ví, va li, ô dù, giày dép các loại. Trong khi đó, hệ số ICOR của khu vực FDI còn khá cao, mức độ lan tỏa chưa tương xứng với những ưu đãi mà khu vực này nhận được. Việc chuyển giá giữa công ty mẹ với các công ty con diễn ra khá phổ biến trong những năm qua. Sự tăng trưởng của khu vực có vốn FDI chủ yếu dựa vào các yếu tố lao động rẻ, chứ không hẳn do công nghệ tiên tiến tạo ra.

Sự chuyển dịch cơ cấu chưa thực sự mang lại giá trị gia tăng tương xứng. Trong những năm gần đây, xuất khẩu của Việt Nam xác lập được vị thế trên thị trường thế giới ở một số nhóm hàng hóa cơ bản như nông sản, thủy sản, dệt may, da giày, đồ gỗ và hàng điện tử, tuy nhiên đây là những ngành hàng xuất khẩu thâm dụng tài nguyên và lao động lớn, giá trị gia tăng thấp, không có khả năng tăng trưởng kim ngạch nhanh, đồng thời rất dễ bị ảnh hưởng bởi những biện pháp phòng vệ thương mại của các nước nhập khẩu.

Nhìn chung, xuất khẩu trong những năm qua đã có ý nghĩa tích cực trong việc tạo ra việc làm, góp phần làm thay đổi về căn bản hiện trạng công nghiệp xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, tác động này còn chưa thực sự tương xứng với tiềm năng, chưa tạo được những ngành công nghiệp gắn kết với nhau và tạo ra giá trị gia tăng ngày càng lớn.

3. Giải pháp

Trong giai đoạn từ nay đến năm 2025, Việt Nam chuyển dịch cơ cấu hàng xuất khẩu theo các giai đoạn có thứ tự ưu tiên. Theo thứ tự này, trước hết tập trung vào những ngành có lợi thế về mặt cạnh tranh tĩnh, hay những ngành có lợi thế sẵn có về tài nguyên, chi phí lao động rẻ, hàm lượng lao động cao, như nông sản, khoáng sản, dệt may, giày dép, chế biến sản phẩm gỗ, thủ công mỹ nghệ và một số ngành đang được xác định trong định hướng phát triển xuất khẩu giai đoạn đến năm 2025. Đây chính là giai đoạn tích lũy vốn để chuẩn bị cho việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng xuất khẩu trong các giai đoạn tiếp sau. Các sản phẩm công nghiệp thế hệ thứ hai và thế hệ thứ ba cần được nâng dần về tỷ trọng. Quá trình này cần dựa trên cơ sở các dấu hiệu lợi thế so sánh và sự sẵn có nguồn lực ở trong nước trong sự so sánh tương quan với các yếu tố nguồn lực của thị trường hàng hóa và dịch vụ quốc tế.

Tiếp tục tăng cường vai trò Chính phủ và cơ quan chức năng trong việc định hướng, hỗ trợ và tạo môi trường thuận lợi cho quá trình chuyển dịch cơ cấu hàng xuất khẩu. Cụ thể: Cần bảo đảm thông tin phát triển thị trường cho các doanh nghiệp; tạo thuận lợi cho nhập khẩu công nghệ, nguyên liệu để phát triển sản xuất, xuất khẩu một số ngành hàng chủ lực mà Việt Nam đang có cơ hội; xây dựng cơ chế, chính sách nhằm hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn của Việt Nam theo hướng tương thích với hệ thống tiêu chuẩn của các nước nhập khẩu; đổi mới và nâng cao hiệu quả chính sách xúc tiến thương mại và chương trình thương hiệu quốc gia, tăng cường kết nối với các hệ thống phân phối nước ngoài; phát huy vai trò của quản lý nhà nước trong việc theo dõi, tổ chức thực hiện và kiểm soát, đánh giá chính sách. Tham tán thương mại cần có sự cập nhật và dự báo chính sách của nước sở tại, đặc biệt là chính sách thuế, chính sách và tiêu chuẩn về môi trường/tiêu chuẩn sản phẩm, thông tin cụ thể về chính sách tồn trữ, chiến lược phát triển ngành, chính sách bảo vệ môi trường và dự báo dòng dịch chuyển cơ sở sản xuất.

Tập trung triển khai đồng bộ cả 3 khâu bao gồm: (1) Phát triển nguyên liệu tập trung theo lợi thế từng vùng miền để lựa chọn đối tượng sản xuất; (2) Đi sâu hơn vào công tác chế biến; (3) Mở rộng thị trường. Trong giai đoạn tới, cần tiếp tục làm sâu sắc hơn, tập trung phát triển theo chuỗi giá trị, ứng dụng khoa học - công nghệ và đặc biệt phải tiếp tục chú ý hai nút thắt, đó là phát triển vùng nguyên liệu tập trung, chế biến sâu và xúc tiến, mở rộng thị trường. Đồng thời, cần tạo lập một chuỗi liên kết giữa các doanh nghiệp tham gia xuất khẩu, bắt đầu từ các doanh nghiệp cung cấp các yếu tố đầu vào cho sản xuất đến các doanh nghiệp thương mại tiêu thụ sản phẩm, giúp doanh nghiệp chủ động hơn trong hoạt động xuất khẩu. 

Tăng cường đầu tư và ứng dụng khoa học công nghệ trong xuất khẩu. Tăng cường đầu tư và ứng dụng khoa học công nghệ là điều kiện tiên quyết để nâng cao giá trị gia tăng cho hàng hóa xuất khẩu và chuyển dịch cơ cấu hàng hóa xuất khẩu theo hướng hiện đại. Quá trình này chịu sự tác động và chi phối của các chính sách phát triển công nghệ quốc gia, được phân chia thành nhóm các chính sách cơ bản và nhóm những chính sách hỗ trợ: Các chính sách thúc đẩy đầu tư và ứng dụng công nghệ cần nhắm vào hai mục tiêu: (1) Cải thiện năng lực công nghệ từ phía cung, có thể do bản thân cac doanh nghiệp xuất khẩu đầu tư cải tiến, hoặc tiếp nhận từ các cơ sở chuyên nghiên cứu và phát triển, hoặc nhận chuyển giao công nghệ; và (2) Nâng cao khả năng hấp thụ của các doanh nghiệp xuất khẩu ứng dụng công nghệ.

Nâng cao năng lực của doanh nghiệp xuất khẩu. Doanh nghiệp cần triển khai áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế đối với các sản phẩm xuất khẩu: xây dựng và áp dụng hệ thống tiêu chuẩn quốc gia hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực đối với hàng hóa xuất khẩu. Xây dựng năng lực của tổ chức thử nghiệm, tổ chức chứng nhận, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế để phục vụ việc đánh giá sự phù hợp các tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực và tiêu chuẩn riêng đối với hàng hóa xuất khẩu. Doanh nghiệp cần thực hiện các chương trình đào tạo mới, đào tạo lại, đổi mới chất lượng nguồn nhân lực doanh nghiệp, nâng cao trình độ tin học, ngoại ngữ, năng lực xử lý và tác nghiệp các tình huống kinh doanh. 

Tận dụng tốt các Hiệp định thương mại tự do. Việt Nam đang đứng trước ngưỡng cửa của các FTA với các đối tác lớn trên thế giới, như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU. Các hiệp định song phương, đa phương, các ưu đãi thương mại cần được tận dụng tối đa trên tinh thần tuân thủ và tôn trọng các quy định quốc tế. Khai thác làn sóng đầu tư mới các hiệp định cần hướng vào các ngành hàng xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam, nhất là các ngành chế biến, chế tạo thâm dụng kỹ năng, các ngành công nghiệp công nghệ cao có cầu quốc tế lớn đối với sản phẩm và có khả năng tăng trưởng xuất khẩu mạnh. Nếu tận dụng tốt, các FTA không chỉ mở ra các cơ hội phát triển, mà còn là lối rẽ để Việt Nam giảm bớt và thoát khỏi tình trạng phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường, bảo đảm sự phát triển bền vững nền kinh tế. 

4. Kết luận

Chất lượng cơ cấu hàng hóa xuất khẩu đã và đang chuyển biến tích cực nhưng quá trình này diễn ra còn tiềm ẩn một số những yếu tố thiếu bền vững; Đây vừa là biểu hiện về mặt chất, và cũng chính là nguyên nhân làm hạn chế tác động của xuất khẩu nói chung tới tăng trưởng kinh tế. Phát triển xuất khẩu theo mô hình tăng trưởng bền vững và hợp lý sẽ góp phần thúc đẩy quá trình tái cơ cấu, đổi mới mô hình tăng trưởng và nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, tạo tiền đề tăng đóng góp thực sự của xuất khẩu với tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới. Cùng với sự nỗ lực chung của nhà nước và doanh nghiệp, cơ cấu xuất khẩu được kỳ vọng có sự đột phá và khởi sắc về chất, góp phần tạo nên diện mạo mới cho kinh tế Việt Nam. Câu trả lời thuộc về Chính phủ, các bộ, ngành, từng địa phương và mỗi doanh nghiệp trong sự quyết tâm để tạo nên một cuộc đổi mới, phát huy những nỗ lực của thương mại và thị trường - bước ngoặt mà Việt Nam cần tiến đến trong thập niên này.

Lời cảm ơn: Bài viết là một phần kết quả nghiên cứu của đề tài NCKH cấp cơ sở mã số T2020-PC-040 do Trường Đại học Bách khoa Hà Nội tài trợ.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Ban Chỉ đạo 35 Bộ Công Thương (2020), Phát triển xuất khẩu theo mô hình tăng trưởng bền vững và hợp lý, góp phần thúc đẩy quá trình tái cơ cấu, đổi mới mô hình tăng trưởng và nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, https://www.moit.gov.vn/web/guest/tin-chi-tiet/-/chi-tiet/phat-trien-xuat-khau-theo-mo-hinh-tang-truong-ben-vung-va-hop-ly-gop-phan-thuc-%C4%91ay-qua-trinh-tai-co-cau-%C4%91oi-moi-mo-hinh-tang-truong-va-nang-cao-nang-luc-canh-tranh-cua-nen-kinh-te-20874-3301.html
  2. CIEM (2011), Báo cáo Năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp xuất khẩu trong ba ngành may mặc, thủy sản và điện tử ở Việt Nam.
  3. Doãn Công Khánh (2019), Nâng cao năng lực cạnh tranh cho các mặt hàng xuất khẩu chủ lực: Thực tiễn và giải pháp, https://www.tapchicongsan.org.vn/kinh-te/-/2018/815790/nang-cao-nang-luc-canh-tranh-cho-cac-mat-hang-xuat-khau-chu-luc--thuc-tien-va-giai-phap.aspx
  4. Ngoc P. M., Anh N. T. P., Nga P. T. (2003)., “Export and Long-run Growth in Vietnam, 1976-2001”., ASEAN Economic Bulletin, Dec 2003.
  5. Nguyễn Thị Thu Thủy (2015), Tác động của xuất khẩu hàng hóa tới tăng trưởng kinh tế Việt Nam, Sách chuyên khảo, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia-Sự thật.
  6. Phạm Nguyên Minh và Phùng Thị Vân Kiều (2019), Chuyển dịch cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc: Thực trạng và giải pháp, https://www.tapchicongsan.org.vn/kinh-te/-/2018/815790/nang-cao-nang-luc-canh-tranh-cho-cac-mat-hang-xuat-khau-chu-luc--thuc-tien-va-giai-phap.aspx
  7. UNIDO. (2012)., “Diversification vs Specialization as Alternative Strategies for Economic Development: We can settle a debate by looking at the empirical evidence”?, Working Paper 3/2012.
  8. United Nations. (2004 ). , “Export Diversification and Economic Growth: The Experience of selected least Developed Countries.”, Developmnent Papers No. 24.

Solutions for Vietnam’s restructuring of export goods

Ph.D Nguyen Thi Thu Thuy

School of Economics and Management

Hanoi University of Science and Technology

ABSTRACT:

Under the Communist Party of Vietnam and the Government of Vietnam’s direction, Vietnam has gain encouraging economic achievements, especially growing export turnover in the context of the country’s international economic integration process. The export sector plays an increasingly important role in the country’s economic development, significantly contributing to the national macroeconomic stability, creating jobs and also improving the people’s lives. However, it is necessary for Vietnam to restructure the country’s export basket in order to enhance its export quality and sustainability. This paper examines Vietnam’s restructuring of export goods in recent years and proposes some solutions to enhance the quality and sustainability of Vietnam’s exports in the future. 

Keywords: export basket, economic growth, Vietnam.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 3, tháng 2 năm 2021]