TÓM TẮT:

EU là thị trường nhập khẩu lớn thứ hai trên thế giới và cũng là thị trường lớn để Việt Nam có thế khai thác và đẩy mạnh xuất khẩu. Tuy nhiên, xuất khẩu sang EU đang gặp rất nhiều khó khăn do EU là một thị trường khó tính, đòi hỏi cao về chất lượng. Đây chính là thách thức không nhỏ đối với các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam. Việc đánh giá đúng thực trạng sản xuất, tìm ra hướng đi và những giải pháp phù hợp cho sản xuất và xuất khẩu sang thị trường EU là hết sức quan trọng.

Từ khóa: Xuất khẩu nông sản, Thị trường EU, Doanh nghiệp xuất khẩu, nông sản Việt Nam.

1. Cơ sở lý luận về xuất khẩu nông sản của Việt Nam

1.1. Vai trò của xuất khẩu nông sản đối với sự phát triển kinh tế ở Việt Nam

Xuất khẩu nông sản là một bộ phận không nhỏ của xuất khẩu hàng hóa của hầu hết các quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, do sự khác nhau về lợi thế (vốn, lao động, công nghệ, điều kiện tự nhiên, chính sách của chính phủ) mà tỷ trọng xuất khẩu nông sản trong tổng kim ngạch xuất khẩu của các quốc gia khác nhau. Đối với Việt Nam, xuất khẩu nông sản là nguồn thu lớn và có vai trò rất quan trọng như:

- Góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế và thúc đẩy sản xuất phát triển theo hướng sử dụng có hiệu quả nhất nguồn lực và lợi thế của quốc gia.

- Tác động tích cực và có hiệu quả đến việc nâng cao đời sống của nhân dân trên cơ sở tạo thêm công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người lao động.

- Góp phần giữ ổn định nền kinh tế của đất nước.

- Góp phần mở rộng và thúc đẩy các quan hệ kinh tế đối ngoại, tăng cường địa vị kinh tế của quốc gia trên thị trường thế giới.

1.2. Các yếu tố ảnh hưởng đến xuất khẩu

Chính sách quản lý và ổn định nền kinh tế vĩ mô: Xuất khẩu mỗi năm đóng góp GDP không nhỏ đối với các nước xuất khẩu và cũng có đóng góp đến hầu hết các quốc gia khác. Chính vì thế, để phát triển hoạt động kinh tế này, Chính phủ cần có những chính sách quản lý như chính sách thuế, chính sách giá, chính sách phát triển ngành… Xuất khẩu bền vững phải đảm bảo sự phát triển hài hòa giữa ba yếu tố về mặt kinh tế, xã hội và môi trường. Để đạt được mục tiêu đó, Chính phủ cần có những chính sách quản lý phù hợp.

Cơ sở hạ tầng: Một quốc gia muốn phát triển xuất khẩu thì cần có cơ sở hạ tầng phát triển. Mức độ phát triển của cơ sở hạ tầng và khoa học công nghệ thúc đẩy hoạt động xuất khẩu như: Đường sá giao thông phát triển tạo điều kiện thuận lợi cho lưu thông hàng hóa, khoa học kĩ thuật giúp đẩy mạnh sản xuất, tăng năng suất và chất lượng hàng hóa.

Khoa học công nghệ: Để có thể phát triển theo con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, chúng ta không thể sử dụng những công nghệ lạc hậu. Quốc gia có công nghệ nguồn sẽ chính là quốc gia phát triển, công nghệ đóng vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế của các quốc gia.

Các nguồn lực tự nhiên và xã hội: Nguồn lực tự nhiên không phải quốc gia nào cũng có và không phải quốc gia nào cũng phải có nguồn lực tự nhiên mới có thể xuất khẩu bền vững. Tuy nhiên, nó là lợi thế quan trọng đối với các quốc gia nói chung và quốc gia xuất khẩu nông sản như Việt Nam nói riêng.

2. Thực trạng xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang thị trường EU

2.1. Thực trạng

Hiện nay, Việt Nam có hơn 10 sản phẩm nông sản xuất khẩu chủ lực, trong đó có các sản phẩm xuất khẩu trên 1 tỷ USD như cà phê, điều, gạo, rau quả, hồ tiêu… Nông sản của Việt Nam đã có mặt tại hơn 160 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, bao gồm cả các thị trường khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản… Một số mặt hàng có vị trí xuất khẩu cao trên thế giới như điều, hồ tiêu (đứng thứ nhất), cà phê (đứng thứ hai), gạo (đứng thứ ba)...

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2018, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào EU là trên 22,7 tỷ USD, chiếm tỷ trọng trên 15% tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam. Theo thống kê, trong 7 tháng đầu năm 2019, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản ước đạt 23,03 tỷ USD, tăng 2% so với cùng kỳ, trong đó kim ngạch xuất khẩu nhóm các mặt hàng nông sản lại giảm tới 8,2%. Điều đó cho thấy, xuất khẩu nông sản đã và đang gặp không ít rào cản, khó khăn.

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) được đánh giá sẽ là cú hích cho xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là các mặt hàng nông, thủy sản vốn có nhiều lợi thế cạnh tranh tại thị trường châu Âu. EVFTA sẽ mang lại cơ hội giảm thuế và tăng sức cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu nói chung, và thị trường EU nói riêng nên hy vọng kim ngạch xuất khẩu sẽ tiếp tục tăng lên.

EU với 508 triệu dân và tổng sản phẩm nội địa (GDP) khoảng 18.000 tỷ USD, được đánh giá là thị trường có tiềm năng lớn. EVFTA sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 20% vào năm 2020; 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030 so với không có hiệp định. EU là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của ngành nông sản, đặc biệt hàng thủy sản và cà phê là sản phẩm thế mạnh của Việt Nam. Khi EVFTA có hiệu lực, gần như toàn bộ 100% biểu thuế và kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu sau lộ trình 7 năm. Cụ thể, có đến 70,3% dòng thuế về 0% ngay và đến 99,7% dòng thuế về mức 0% sau 10 năm . 

Nhiều mặt hàng của Việt Nam sẽ được giảm thuế về 0% như các sản phẩm từ hạt... Đối với mặt hàng rau, củ quả, EU cũng cam kết xóa bỏ thuế khi EVFTA có hiệu lực. Đối với thủy sản, khoảng 50% số dòng thuế sẽ được xóa bỏ, 50% dòng thuế còn lại cũng sẽ được xóa bỏ trong lộ trình 5-7 năm. Sắp tới, kim ngạch xuất khẩu trong ngành nông nghiệp sẽ gia tăngnhờ thị trường mở rộng hơn. Đặc biệt, các mặt hàng rau quả, cà phê, điều, thủy sản, gỗ và sản phẩm gỗ... có nhiều tín hiệu khả quan. Hiện các mặt hàng nông nghiệp của Việt Nam đang xuất khẩu ra 185 nước trên thế giới. Năm 2018, Việt Nam là nước xuất khẩu lớn thứ 27 thế giới về quy mô, sản phẩm. Riêng lĩnh vực nông, thủy sản, Việt Nam đang đứng thứ 15 trên thế giới.

2.2. Hạn chế và thách thức

Bên cạnh những cơ hội tốt để phát triển, ngành Nông sản Việt Nam vẫn phải đối mặt với những thách thức như:

- Trong xu hướng tự do hóa thương mại, mặt hàng nông sản của Việt Nam ngày càng phải đối mặt với nhiều đối thủ cạnh tranh.

-  Các quy định về an toàn thực phẩm, hàng rào kĩ thuật đòi hỏi ngày càng cao. EU là một thị trường đầy tiềm năng nhưng khách hàng cũng lại vô cùng khó tính.

- Ngày càng có nhiều quốc gia sản xuất và xuất khẩu nông sản có uy tín và tên tuổi điều đó đồng nghĩa với việc Việt Nam phải đối mặt với nhiều đối thủ cạnh tranh hơn khiến thị trường ngày càng bị co hẹp hơn.

- Năng lực cạnh tranh và tính năng động của nền kinh tế còn yếu; cơ cấu kinh tế, cơ cấu đầu tư còn nhiều bất hợp lý, cơ chế thị trường còn nhiều vấn đề chưa được giải quyết; hệ thống tài chính còn nhiều vấn đề bất cập, cũng như trình độ công nghệ còn thấp… đã gây ra những khó khăn trong khả năng tiếp cận, thâm nhập thị trường của các mặt hàng nông sản Việt Nam.

3. Giải pháp đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu bền vững mặt hàng nông sản của Việt Nam sang thị trường EU

 3.1. Các giải pháp về phía Nhà nước

Khuyến khích sản xuất nông sản: Hoàn chỉnh quy hoạch phát triển ngành nông nghiệp, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư sản xuất; Ban hành chính sách hỗ trợ sản xuất nông sản theo hướng liên kết về lực lượng. Chủ động có đối sách phù hợp với các chính sách bảo hộ mậu dịch.

Đồng bộ hệ thng phát triển cơ sở hạ tầng kèm theo các dịch vụ hỗ trợ đẩy mạnh xuất khẩu bền vững: Đầu tư xây dựng vào các khu công nghiệp sản xuất chế biến quy mô lớn, đảm bảo cân bằng  cung  cầu và đảm bảo duy trì được công ăn việc làm cho người lao động một cách ổn định.

Đồng bộ hệ thống chính sách, luật pháp: Cần có sự rà soát kĩ lưỡng để nhanh chóng củng cố và hoàn thiện các nghị quyết, chủ trương liên quan đến hoạt động xuất khẩu, xử lý nhanh các vấn đề cấp bách nảy sinh.

Chính sách tài chính, tín dụng và đầu tư phát triển sản xuất xuất  khẩu mặt hàng nông sảnTiếp tục thực hiện các chính sách bình ổn kinh tế vĩ mô một cách kịp thời, linh hoạt, hợp lý.

Đẩy mạnh xuất khẩu bền vững thông qua chiến lược marketing sâu rộng tới các thị trường quốc tế. Việt Nam cần đẩy mạnh hợp tác với các quốc gia trung gian, nơi thuận lợi về chính trị, văn hóa và kinh tế để từ đó tiến tới phân phối hàng hóa sang các nước châu Âu với những chiến lược và chính sách dài hạn, đảm bảo sự ổn định trong xuất khẩu nông sản, tạo dựng uy tín trên thị trường quốc tế.

Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực: Do sản xuất nông nghiệp của Việt Nam còn lạc hậu, việc nuôi trồng còn găp nhiều khó khăn trong khi thế giới đã có những tiến bộ vượt bậc với khoa học kĩ thuật tiên.  Việt Nam tuy có nhiều lợi thế để phát triển nông nghiệp nhưng đa số nguồn nhân lực trong nông nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu của việc ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ mới. Thực tế, một số ngành nông nghiệp chưa thực sự thu hút được người học, tuyển sinh gặp khó khăn. Việc đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao để phát triển nền nông nghiệp đang là yêu cầu cấp bách trong tình hình hiện nay.

3.2. Các giải pháp cho doanh nghiệp

Các nhà sản xuất và kinh doanh là các doanh nghiệp nhỏ và vừa cần xây dựng nền tảng chính quy từ khâu nhỏ nhất như mặt bằng sản xuất thuận tiện, công nghệ luôn cập nhật, chủ động về nguyên liệu, sáng tạo trong kinh doanh và luôn có nguồn nhân lực tay nghề cao…

Sản xuất phục vụ hàng hóa cho thị trường, ngoài yêu cầu phải bảo đảm chất lượng phù hợp tiêu chuẩn bảo vệ người tiêu dùng cho thị trường trong nước, chúng ta cũng cần tính đến nhu cầu sản xuất phục vụ cho thị trường xuất khẩu.

Thành lập các tập đoàn công ty lớn hoặc liên kết các công ty có quy mô nhỏ để sản xuất và xuất khẩu những mặt hàng chủ lực trên quy mô sản xuất lớn, có khả năng cạnh tranh cao, tạo ra nguồn cung cấp hàng hoá xuất khẩu ổn định và lâu dài, đáp ứng được nhu cầu đặt hàng nhanh của đối tác.

Mỗi doanh nghiệp cần ưu tiên mục tiêu nâng cao chất lượng , từ đó nâng sức cạnh tranh của hàng hóa. Cùng với việc nâng cao chất lượng là việc giảm giá thành, đa dạng hóa mẫu mã, cải tiến bao bì... sao cho phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng, phù hợp với phong tục tập quán các quốc gia.

 TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Đỗ Thị Hòa Nhã, Luận án Tiến sĩ Nông nghiệp “Các yếu tố tác động đến xuất khẩu nông sản Việt Nam vào thị trường EU”, 2017.

2. Tổng cục Hải quan http://www.customs.gov.vn/default.aspx

3. Tổng cục Thống kê https://www.gso.gov.vn/default.aspx?tabid=629&ItemID=19108

 Solutions to promote Vietnamese agricultural exports to EU market

Master. Tran Thi Thu Huyen

Faculty of Fundamental Economics, University of Economics and Technology for Industries

ABSTRACT:

EU is the second largest import market in the world and also a big market for Vietnam. However, Vietnam’s exports to the EU market are facing many difficulties because the EU market has strict import regulations. High standards on imported products of the EU is a major challenge for Vietnamese exporters. It is very important to properly evaluate the production situation, find the right direction and suitable solutions for producing products which target for the EU market.

Keywords: Export of agricultural products, EU market, exporters, agricultural products of Vietnam.