Giải pháp giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long

TS. LÊ LONG HẬU (Khoa Kinh tế, Trường Đại học Cần Thơ) và NGUYỄN VĂN MÓM EM (Huyện Đoàn Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long)

TÓM TẮT:

Nghiên cứu đánh giá thực trạng công tác giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long. Trên cơ sở đó, nghiên cứu cũng đã đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long.

Từ khóa: Giảm nghèo bền vững, Mang Thít, Vĩnh Long.

1. Đặt vấn đề

Giảm nghèo bền vững là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho người nghèo, góp phần thu hẹp khoảng cách chênh lệch về thu nhập và mức sống giữa nông thôn và thành thị, giữa các vùng, các dân tộc và các nhóm dân cư. Trong những năm qua, chương trình giảm nghèo đã được tổ chức thực hiện đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, nhờ đó tỷ lệ hộ nghèo của cả nước nói chung, Mang Thít nói riêng giảm xuống khá nhanh. Tuy vậy, kết quả giảm nghèo chưa thực sự bền vững, nguy cơ tái nghèo cao, phân hóa giàu nghèo giữa các nhóm dân cư, giữa thành thị và nông thôn, giữa các vùng kinh tế có xu hướng gia tăng. Điều này làm giảm sự đồng thuận trong xã hội ở một vài địa phương, trong đó có huyện Mang Thít. Kết quả điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn huyện Mang Thít đầu năm 2013 có 3.174 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 7,1%; đến cuối năm 2017 số hộ nghèo còn 2.980 hộ, chiếm tỷ lệ 6,57%; số hộ cận nghèo còn 2.380 hộ, chiếm tỷ lệ 5,25%, trong năm giảm nghèo được 1.049 hộ nhưng hộ nghèo phát sinh mới tăng 145 hộ, hộ tái nghèo 18 hộ. Giai đoạn 2013 - 2017, toàn huyện giảm 0,53% hộ nghèo, bình quân tỷ lệ giảm nghèo 0,1%/năm (Báo cáo Tổng kết Kết quả thực hiện chương trình giải quyết việc làm và giảm nghèo bền vững huyện Mang Thít giai đoạn 2013 - 2017). Qua đó, cho thấy việc giảm nghèo chưa thật sự bền vững, tỷ lệ hộ nghèo có giảm, nhưng hộ nghèo phát sinh mới tăng và không ít hộ tái nghèo. Vì thế, việc nghiên cứu để tìm ra các giải pháp giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long, nhằm góp phần cải thiện điều kiện sống của hộ nghèo, tiến tới giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long là rất cần thiết.

2. Mục tiêu nghiên cứu

Đánh giá thực trạng giảm nghèo trên địa bàn huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long giai đoạn từ 2013 - 2017. Từ đó đề xuất các giải pháp cụ thể nhằm giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long.

3. Phương pháp nghiên cứu

Nghiên cứu sử dụng một số chỉ số đánh giá nghèo, giảm nghèo và giảm nghèo bền vững cụ thể như sau:

+ Quy mô và tốc độ giảm nghèo: Quy mô giảm nghèo (Ne) là tổng số hộ nghèo giảm được trong một giai đoạn nhất định. HC là chỉ số đếm hộ được xác định trên cơ sở những hộ sống dưới chuẩn nghèo, tức là những hộ gia đình (i) có mức thu nhập (yi) dưới mức chỉ tiêu tối thiểu (C). Còn tỷ lệ đếm hộ (HCRi) sẽ là: HCRi = HCi/n, trong đó n là tổng dân số. Tốc độ giảm nghèo (Psi) là phần trăm thay đổi trong tỷ lệ hộ nghèo. Chỉ số này được xác định:

Psi  = [(HCRi - 1 - HCR)/HCRi – 1] * 100%      

Về mặt ý nghĩa, chỉ số Ne cho chúng ta kết luận về quy mô, phạm vi giảm nghèo của quốc gia hay địa phương trong các giai đoạn. Còn Psi, từ công thức có thể thấy đây là một tiêu chí có thể phản ánh tình trạng giảm nghèo bền vững của một quốc gia hay địa phương. Nếu một quốc gia hay địa phương có tốc độ giảm nghèo cao, tỷ lệ nghèo ở đó sẽ giảm nhanh chóng, điều này đồng nghĩa với việc quá trình giảm nghèo tại đây đang diễn ra theo chiều hướng tích cực, nếu có thể duy trì tốc độ giảm nghèo cao theo thời gian thì quốc gia hay địa phương này sẽ nhanh chóng đạt được các mục tiêu về giảm nghèo bền vững.

+ Quy mô và tỷ lệ tái nghèo: Quy mô tái nghèo (Nr) là tổng số hộ gia đình tái nghèo được xác định tại thời điểm cụ thể. Tỷ lệ tái nghèo (Pr) được tính bằng phần trăm giữa quy mô tái nghèo với tổng dân số, Pr = (Nr/n) * 100%. Quy mô và tỷ lệ tái nghèo cho chúng ta biết về mức độ bền vững của hoạt động giảm nghèo. Nếu tỷ lệ tái nghèo cao thì hoạt động giảm nghèo không có tính bền vững và không hiệu quả, giảm quy mô và tỷ lệ tái nghèo là yếu tố quyết định ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả của hoạt động giảm nghèo bền vững.

+ Quy mô và tỷ lệ phát sinh nghèo mới: Quy mô phát sinh nghèo mới (Nn) là tổng số hộ nghèo phát sinh mới tại thời điểm cụ thể trong một giai đoạn. Tỷ lệ phát sinh nghèo (Pn) được tính bằng tỷ lệ phần trăm giữa quy mô nghèo phát sinh mới với tổng số hộ, Pn = (Nn/n) * 100%. Số người, hộ nghèo ở một quốc gia, địa phương tại một thời điểm được xác định dựa trên 4 thành tố chính là: số hộ nghèo của thời điểm trước đó, số hộ thoát nghèo, số hộ tái nghèo và số hộ nghèo mới. Do đó, khi số hộ nghèo phát sinh mới tăng lên trong khi tốc độ tăng dân số ổn định sẽ đồng nghĩa với việc tỷ lệ nghèo tăng lên làm cho quá trình giảm nghèo bền vững sẽ kém hiệu quả.

+ Quy mô và tỷ lệ hộ cận nghèo: Quy mô hộ cận nghèo (An) là số lượng hộ cận nghèo trên một địa phương trong một thời gian nhất định. Tỷ lệ hộ cận nghèo (Pa) là phần trăm quy mô hộ cận nghèo so với tổng số hộ, Pa = (An/n) *100%. Mức độ bền vững của quá trình giảm nghèo phụ thuộc rất lớn vào quy mô và tỷ lệ hộ cận nghèo. Có mức thu nhập không quá cao so chuẩn nghèo nhưng những hộ cận nghèo lại không được hưởng các chính sách, ưu đãi dành cho hộ nghèo. Trong quá trình lao động sản xuất các hộ này rất dễ rơi vào tình trạng nghèo đói khi công việc không ổn định hoặc do điều kiện thời tiết, rủi ro. Quy mô và tỷ lệ hộ cận nghèo càng thấp thì quá trình giảm nghèo càng bền vững.

Phương pháp phân tích: Nghiên cứu sử dụng một số phương pháp phân tích tổng hợp, phương pháp thống kê mô tả. Dữ liệu thứ cấp được thu thập từ các nguồn tài liệu có sẵn như các báo cáo khoa học, hội nghị, báo chí, internet, các nghị quyết của Đảng các cấp, các báo cáo sơ kết, tổng kết, đánh giá của Ủy ban nhân dân huyện, Phòng Lao động Thương binh và Xã hội huyện, báo cáo sơ kết, tổng kết của Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững huyện, Chi cục Thống kê và các nghiên cứu liên quan về vấn đề giảm nghèo bền vững của hộ nghèo.

4. Đánh giá hoạt động giảm nghèo tại huyện Mang Thít, Vĩnh Long giai đoạn 2013 - 2017

4.1. Thực trạng giảm nghèo trên địa bàn huyện Mang Thít

Kết quả thực hiện các chính sách giảm nghèo có thể khái quát như sau: Năm 2013, toàn huyện có 3.174 hộ nghèo, chiếm 7,1%; hộ cận nghèo 3.009 hộ, chiếm tỷ lệ 6,73%. Đến cuối năm 2017 số hộ nghèo còn 2.980 hộ, chiếm tỷ lệ 6,57%; số hộ cận nghèo còn 2.380 hộ, chiếm tỷ lệ 5,25%. Giai đoạn 2013 - 2017, toàn huyện giảm 194 hộ, tái nghèo 43 hộ, phát sinh hộ nghèo mới 372 hộ.

Số hộ nghèo, tái nghèo, hộ phát sinh nghèo mới và hộ cận nghèo trên địa bàn huyện Mang Thít giai đoạn 2013 - 2017. 

Bảng 1. Kết quả thực hiện chính sách giảm nghèo trên địa bàn huyện Mang Thít giai đoạn 2013 - 2017

Năm Hộ nghèo Hộ tái nghèo Hộ nghèo phát sinh mới Hộ cận nghèo
Tổng số Tỷ lệ (%) Tổng số Tỷ lệ (%) Tổng số Tỷ lệ (%) Tổng số Tỷ lệ (%)
2013 3.174 7,1 2 0,06 31 0,97 3.009 6,73
2014 2.497 5,59 6 0,24 52 2,1 3.023 6,77
2015 1.806 4,02 8 0,44 63 3,49 2.812 6,26
2016 1. 931 4,28 9 0,47 81 4,2 2.582 5,72
2017 2.980 6,57 18 0,60 145 4,87 2.380 5,25

Nguồn: Báo cáo tổng kết chương trình giảm nghèo bền vững huyện, năm 2017

- Về quy mô và tốc độ giảm nghèo: Giai đoạn 2013 - 2017, tổng số hộ nghèo giảm (194 hộ) là Psi = -0,51%. Quy mô và tốc độ giảm nghèo (Psi) từ công thức tính được có thể thấy giai đoạn 2013 - 2017 quy mô và tốc độ giảm nghèo trên địa bàn huyện Mang Thít chưa thật sự bền vững. Điều này đồng nghĩa với việc quá trình giảm nghèo trên địa bàn huyện Mang Thít đang diễn ra theo chiều hướng chưa tích cực, nếu có thể đẩy nhanh tốc độ giảm nghèo cao trong thời gian tới thì Mang Thít sẽ nhanh chóng đạt được các mục tiêu về giảm nghèo bền vững.

- Về quy mô và tỷ lệ tái nghèo: Giai đoạn 2013 - 2017 tổng số hộ tái nghèo (43 hộ), được đo lường là Pr = 0,026%. Từ đó có thể thấy giai đoạn 2013 - 2017 mức độ bền vững của hoạt động giảm nghèo chưa tốt vẫn còn hộ tái nghèo. Do đó công tác giảm nghèo chưa thật sự bền vững.

- Quy mô và tỷ lệ phát sinh nghèo mới: Giai đoạn 2013 - 2017 quy mô phát sinh nghèo mới (372 hộ) được tính Pn = 0,82%. Từ đó có thể thấy giai đoạn 2013 - 2017 số hộ nghèo phát sinh mới tăng lên, trong khi tốc độ tăng dân số ổn định sẽ đồng nghĩa với việc tỷ lệ nghèo tăng lên, làm cho quá trình giảm nghèo bền vững sẽ kém hiệu quả, ảnh hưởng đến tính bền vững của quá trình giảm nghèo.

- Về quy mô và tỷ lệ hộ cận nghèo: Giai đoạn 2013 - 2017 tổng số hộ cận nghèo (629 hộ) được tính theo công thức Pa =1,38%. Từ đó có thể thấy giai đoạn 2013 - 2017 mức độ bền vững của quá trình giảm nghèo phụ thuộc rất lớn vào quy mô và tỷ lệ hộ cận nghèo. Hộ cận nghèo có mức thu nhập không quá cao so chuẩn nghèo nhưng hộ cận nghèo lại không được hưởng các chính sách, ưu đãi dành cho hộ nghèo.

4.2. Các chính sách giảm nghèo được thực hiện trên địa bàn huyện Mang Thít

Chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm: Theo báo cáo Tổng kết Thực hiện chương trình giải quyết việc làm và giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện Mang Thít giai đoạn 2013 - 2017 đã giải quyết việc làm cho 27.260 lao động, đạt 136,13% kế hoạch, chiếm 32,4% so với tổng số lao động trong độ tuổi. Trong đó, xuất khẩu lao động 456 người, chiếm 1,67% so với lao động có việc làm; giới thiệu việc làm các công ty 2.058 người, chiếm 7,5%; giải quyết việc làm thông qua dự án cho vay vốn từ quỹ quốc gia giải quyết việc làm 24.746 lao động, chiếm 90,77%.

Chính sách hỗ trợ y tế: Bảo hiểm y tế toàn dân, đến cuối năm 2017 có 118.618/161.604 người tham gia bảo hiểm y tế, chiếm 73,4% dân số, trong đó đối tượng hộ nghèo 19.134 lượt thẻ bảo hiểm y tế, kinh phí 2,4 tỷ đồng và 10.066 lượt bảo hiểm y tế cho người cận nghèo mới thoát nghèo với tổng kinh phí 1,25 tỷ đồng. Năm 2017, đã khám và điều trị bệnh miễn phí cho 1.025 lượt người thuộc diện hộ nghèo và 836 lượt người thuộc diện hộ cận nghèo. Nhìn chung hộ nghèo, cận nghèo đều được hưởng đúng chính sách bảo hiểm y tế của Nhà nước.

Chính sách hỗ trợ giáo dục đào tạo: Thực hiện miễn, giảm học phí từ năm học 2012 - 2013 đến năm học 2016-2017 cho 24.354 lượt học sinh với tổng kinh phí 3,47 tỷ đồng; cho học sinh, sinh viên vay ưu đãi lãi suất đi học số tiền 98,6 tỷ đồng; chi hỗ trợ ăn trưa cho trẻ em mẫu giáo từ 1 - 5 tuổi tổng số 7.899 trẻ với số tiền 948 triệu đồng; chi phí học tập cho học sinh sinh viên với tổng số tiền 3,9 tỷ đồng; vận động nguồn kinh phí từ các doanh nghiệp, cá nhân hỗ trợ học sinh nghèo, cận nghèo, khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mua sách giáo khoa, bảo hiểm y tế, học bổng cho 11.363 lượt em với tổng kinh phí 3,1 tỷ đồng. Vận động nguồn hỗ trợ khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, tặng quà cho học sinh nghèo, với tổng kinh phí 9,2 tỷ đồng.

Chính sách hỗ trợ nhà ở: Theo báo cáo Tổng kết Chương trình giảm nghèo bền vững huyện năm 2017 đã hỗ trợ 8.621 lượt nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo với kinh phí 172 tỷ đồng. Tạo điều kiện cho hộ nghèo vay vốn từ ngân hàng chính sách xã hội huyện tổng kinh phí 22 tỷ đồng; từ nguồn vận động các tổ chức cá nhân trong và ngoài huyện hỗ trợ xây dựng và sửa chữa 413 căn nhà tình thương với số tiền 6,2 tỷ đồng. Mặt trận Tổ quốc phối hợp các ban, ngành đoàn thể vận động xây dựng 250 căn, với tổng kinh phí 750 triệu đồng; cho vay ưu đãi mua nhà trả chậm cụm tuyến dân cư 22 hộ với tổng số tiền 460 triệu đồng.

Chính sách hỗ trợ vốn: Thông qua ủy thác từ các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện giai đoạn 2013 - 2017 đã giải ngân cho 15.569 lượt hộ nghèo, cận nghèo (8.281 lượt hộ nghèo, 7.288 lượt hộ cận nghèo) vay vốn lãi suất ưu đãi để phát triển sản xuất; có 8.706 hộ vay nước sạch vệ sinh môi trường; có 489 lượt học sinh - sinh viên thuộc hộ nghèo, cận nghèo; 13 lượt hộ vay xuất khẩu lao động; 428 hộ nghèo vay xây dựng nhà ở, 64 hộ dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn, 744 lượt hộ vay sản xuất kinh doanh mua bán nhỏ với tổng kinh phí 229,28 tỷ đồng.

Chính sách trợ giúp pháp lý: Giai đoạn 2013 - 2017, tổ chức 130 cuộc trợ giúp pháp lý có 3.016 lượt người dự (có 356 lượt hộ nghèo, cận nghèo; 29 lượt người dân tộc thiểu số).

Nước sạch và vệ sinh môi trường: Toàn huyện đến cuối năm 2017 có 12 trạm cấp nước tập trung, với 30.022 hộ sử dụng nước sạch đạt tiêu chuẩn, chiếm tỷ lệ 66,2% tổng số hộ. Trong đó, hộ nghèo sử dụng nước sạch đạt tiêu chuẩn 1.241 hộ, chiếm 50,3% so tổng số hộ nghèo; hộ cận nghèo 1.420 hộ, chiếm 64,66% so tổng số hộ cận nghèo. Việc khai thác các tiềm năng tự nhiên, đặc biệt là sự mở rộng các ngành kinh tế công nghiệp, dịch vụ, du lịch, trong đó vấn đề xử lý chất thải rắn thị trấn, chất thải, nước thải các cơ sở y tế, các khu dân cư được thu gom và xử lý triệt để đảm bảo vệ sinh môi trường trên địa bàn huyện.

Chính sách thông tin truyền thông: Toàn huyện cuối năm 2017 có khoảng 4.600 máy điện thoại cố định và khoảng 55.000 máy điện thoại di động các loại. Hệ thống Internet phát triển mạnh, toàn huyện có khoảng 15.000 máy tính có kết nối Internet. Tổ chức thông tin, tuyên truyền các chính sách về việc làm, giảm nghèo thông qua nhiều kênh, nhiều phương tiện thông tin, truyền thông như phát thanh, truyền hình, báo, tạp chí, góp phần tăng cường cung cấp thông tin về chính sách cho các ngành, địa phương và nhân dân trong địa bàn huyện.

5. Đề xuất một số giải pháp nhằm giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long

Đối với chủ hộ là dân tộc Khmer: Về chủ hộ nghèo là người dân tộc Khmer nên tổ chức các hoạt động tuyên truyền về chủ trương chính sách ưu đãi, ưu tiên của Đảng và Nhà nước về giảm nghèo bền vững cho người dân tộc. Tuyên truyền, hướng dẫn cách thức làm ăn, tiết kiệm trong chi tiêu, xóa bỏ tư tưởng trông chờ và ỷ lại từ phía Nhà nước. Đào tạo, tập huấn nâng cao tay nghề cho người nghèo. Phối hợp với các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham quan, học tập các mô hình sản xuất - kinh doanh hiệu quả trong và ngoài địa bàn tỉnh.

Đối với chủ hộ là người lớn tuổi: Hàng năm thực hiện điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo theo quy trình hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đảm bảo công khai, dân chủ và có sự tham gia giám sát của người dân. Sau khi có kết quả rà soát, xác định hộ nghèo, hộ cận nghèo (có phân tích nguyên nhân nghèo) của từng hộ gia đình. Nhất là đối với hộ nghèo có độ tuổi của chủ hộ cao thì phải hỗ trợ về thu nhập hoặc thông qua giới thiệu việc làm gia công tại nhà phù hợp với chủ hộ là người lớn tuổi.

Đối với chủ hộ là nữ giới: Đối với chủ hộ nghèo là nữ giới, cần có giải pháp "3 nắm, 3 giúp". "3 nắm" là nắm được hoàn cảnh sống của từng hộ nghèo, nắm được thu nhập của từng người trong hộ, nắm được nhu cầu hợp pháp, chính đáng của họ; từ đó, triển khai "3 giúp", đó là giúp vốn để làm ăn, giúp giới thiệu học nghề hoặc tìm việc làm phù hợp với sức khỏe, điều kiện làm việc của người nghèo, giúp kinh nghiệm sản xuất - kinh doanh hay kinh nghiệm nuôi dạy, giáo dục con cái. Kêu gọi "Tổ chức, cá nhân giúp hộ nghèo" với sự tham gia tích cực, thể hiện trách nhiệm quan tâm đến đời sống hộ nghèo của các ngành, đoàn thể hay các mạnh thường quân để hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời cho chủ hộ là nữ giới vươn lên thoát nghèo bền vững.

Đối với chủ hộ có trình độ học vấn thấp: Chủ hộ có học vấn thấp kéo theo mức độ tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người nghèo còn rất hạn chế, dẫn đến chất lượng cuộc sống không được đảm bảo, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Vì thế chính sách giáo dục, đào tạo, dạy nghề, nâng cao trình độ để cho người dân tự mở khóa kho tàng kiến thức cũng như những tiềm năng phát triển sản xuất - kinh doanh. Đẩy mạnh tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục làm chuyển biến nhận thức cho người nghèo trong việc tự học nâng cao trình độ học vấn, học bổ túc văn hóa, học chuyên môn nghiệp vụ để nâng cao khả năng tiếp cận khoa học kỹ thuật trong sản xuất để cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước và toàn xã hội, tự giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Đối với chủ hộ có ít đất sản xuất: Việc thiếu đất sản xuất đang dần lấy đi cơ hội nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống của họ. Ủy ban nhân dân huyện cần xem xét đất công ở các xã để giao đất ở, đất sản xuất cho hộ dân nghèo tránh lãng phí quỹ đất công không sử dụng; quản lý chặt chẽ quyền sử dụng đất theo đúng pháp luật; giai đoạn đầu đưa hộ vào "cánh đồng mẫu lớn", hướng dẫn hộ nghèo phát triển nông nghiệp theo hướng chuyển dịch cơ cấu nâng cao giá trị, hiệu quả trên đơn vị diện tích và tính đến phát triển bền vững; giai đoạn giữa hướng hộ nghèo giảm dần trồng trọt, tăng chăn nuôi để phát triển mạnh chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng tập trung, quy mô trang trại, gắn với tiêm phòng dịch bệnh, nhưng phải đảm bảo vệ sinh môi trường. Khuyến khích hộ nghèo tận dụng mặt nước mương vườn, ruộng lúa, đất bãi bồi ven sông để nuôi, nhử thủy hải sản nước ngọt.

Đối với chủ hộ có đông người sống phụ thuộc: Đối với hộ nghèo có đông số người sống phụ thuộc, nhân khẩu thường là những người chưa đến tuổi lao động, đang đi học hoặc quá tuổi lao động. Cần giới thiệu cho họ làm những việc làm nhẹ tại nhà, thông qua những giờ rảnh rỗi như nhận gia công bóc vỏ lụa hạt điều, se lỏi lác, đan lụt bình, đan vỏ bẹ, làm nấm rơm, nấm bầu ngư và chăn nuôi. Đặc biệt là dạy cho họ kỹ năng tiết kiệm hợp lý trong chi tiêu, làm thế nào để thay đổi cuộc sống nghèo khó. Đối với những trẻ em còn trong độ tuổi đi học phải dạy kỹ năng kiếm tiền từ trong nhà trường.

6. Kết luận

Quá trình thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long đã huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị, xã hội và người dân vào công tác giảm nghèo bền vững của địa phương; tỷ lệ hộ nghèo và hộ cận nghèo ngày càng giảm; nhận thức của người nghèo về tự thoát nghèo bền vững ngày càng được cải thiện; người nghèo ngày càng tiếp cận được các dịch vụ xã hội cơ bản; phần lớn người nghèo được quan tâm hỗ trợ về vật chất và động viên về tinh thần. Chính vì thế, cần phải có sự quyết tâm cao của các cấp ủy đảng, chính quyền, mặt trận tổ quốc, các đoàn thể chính trị và toàn xã hội cùng chung tay góp sức cho công cuộc giảm nghèo, tiến nhanh đến giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Chi cục Thống kê huyện Mang Thít (2017), Niên giám thống kê huyện Mang Thít 2017, Mang Thít.

2. Nguyễn Ngọc Danh, Trần Tiến Khải (2012), Quan hệ giữa sinh kế và tình trạng nghèo ở nông thôn Việt Nam, Khoa Kinh tế phát triển, Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh. Đề tài nghiên cứu khoa học cấp trường.

3. Lê Tiến Đạt (2010), Nghiên cứu mô hình giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa, Luận văn thạc sĩ Quản lý Kinh tế, Trường Đại học Quốc gia Hà Nội.

4. Phan Thị Huệ (2011), Giải pháp giảm nghèo tại thành phố Đà Nẵng, Luận văn thạc sĩ, Trường Đại học Đà Nẵng.

5. Hoàng Triều Hoa (2012), Chính sách phân phối vì người nghèo ở Việt Nam, Luận án Tiến sỉ, Trường Đại học Quốc gia Hà Nội.

6. Nguyễn Thị Nhung (2012), Giải pháp xóa đói giảm nghèo nhằm phát triển kinh tế - xã hội ở các tỉnh Tây Bắc Việt Nam, Luận án Tiến sỉ, Trường Đại học Kinh tế quốc dân.

7. Huyện ủy Mang Thít (2013), Kế hoạch số 17-KH/HU, ngày 09/01/2013 về giải quyết việc làm và giảm nghèo bền vững giai đoạn 2013 - 2017, Mang Thít.

8. Huyện ủy Mang Thít (2017), Báo cáo tổng kết kết quả thực hiện Chương trình giải quyết việc làm và giảm nghèo bền vững huyện Mang Thít giai đoạn 2013 - 2017, phương hướng, nhiệm vụ giai đoạn 2018 - 2022, Mang Thít.

9. Huyện ủy Mang Thít (2017), Báo cáo tổng kết kết năm 2017 và chương trình công tác năm 2018, Mang Thít.

10. Nguyễn Tiệp (2008), “Một số giải pháp giảm nghèo bền vững đối với các huyện nghèo, Tạp chí Lao động và Xã hội, tr.124 - 128.

SOLUTIONS TO REDUCE POVERTY SUSTAINABLY

IN MANG THIT DISTRICT, VINH LONG PROVINCE

Ph.D LE LONG HAU

College of Economics, Can Tho University

NGUYEN VAN MOM EM

Doan Vung Liem District, Vinh Long Province

ABSTRACT:

This study is to assess the current situation of the sustainable poverty reduction activities in Mang Thit District, Vinh Long Province. Based on the results, this study also proposes some solutions to enhance the effectiveness of the sustainable poverty reduction activities in Mang Thit District, Vinh Long Province.

Keywords: Sustainable poverty reduction, Mang Thit District, Vinh Long Province.