Giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ kê khai thuế qua mạng tại Chi cục Thuế khu vực Đức Linh - Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận

NGUYỄN ĐỨC NGỌC (Trường Đại học Bà Rịa - Vũng Tàu - BVU)

TÓM TẮT:

Năm 2020, mặc dù phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, nhưng thu ngân sách do cơ quan thuế quản lý đã vượt 2% (tương đương 24.400 tỷ đồng) dự toán và tăng 175,9 ngàn tỷ đồng so với số ước thu đã báo cáo Quốc hội. Kết quả này trước hết là sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp và người nộp thuế. Đặc biệt, việc kiểm soát tốt dịch bệnh cùng với các chính sách hỗ trợ của Chính phủ cho doanh nghiệp và người dân đã phát huy tác dụng nên kinh tế trong nước từ quý III trở đi đã dần phục hồi,… Bên cạnh đó là sự vào cuộc chủ động của cấp ủy, chính quyền và cơ quan thuế các cấp, điều này đã tạo thuận lợi cho thu ngân sách nhà nước, nhất là trong những tháng cuối năm. Trong đó, chất lượng dịch vụ khai báo thuế qua mạng đóng góp đáng kể vào sự thành công trên. Vì vậy, bài viết sẽ gợi ý các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ khai thuế qua mạng nói chung và tại Chi cục Thuế khu vực Đức Linh - Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận nói riêng.

Từ khóa: kê khai thuế, chất lượng dịch vụ, Đức Linh, Tánh Linh, Bình Thuận.

1. Đặt vấn đề

Tổng cục Thuế đã triển khai hạ tầng kỹ thuật, hệ thống kết nối với Cổng Dịch vụ công quốc gia và đã hoàn thành việc tích hợp 150 thủ tục thuế lên Cổng Dịch vụ công quốc gia với số hồ sơ đã đồng bộ trạng thái lên Cổng Dịch vụ công quốc gia là 16.320.066 hồ sơ,…

Cùng với đó, ngành Thuế tiếp tục đẩy mạnh thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia theo Nghị quyết số 02 của Chính phủ, tiếp tục cải cách hiện đại hóa hệ thống thuế, đơn giản hóa thủ tục hành chính thuế, nâng cao chất lượng dịch vụ kê khai, nộp thuế, hoàn thuế điện tử, hóa đơn điện tử,... để hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp và người dân trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế.

Hiện nay, Tổng cục Thuế đã triển khai thiết lập Hệ thống 479 kênh thông tin hỗ trợ người nộp thuế (eTax) thống nhất từ Tổng cục Thuế đến 63 Cục Thuế và 415 Chi cục Thuế, hoạt động thường xuyên, liên tục và thông suốt, hỗ trợ người nộp thuế 24/7,…

Đồng thời, tiếp tục tập trung xây dựng và hoàn thành Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2021-2030 để xây dựng cơ quan thuế các cấp ngày càng hiện đại, trở thành đối tác tin cậy của mọi tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện pháp luật thuế, tiếp tục duy trì vị thế là một trong những nước đứng đầu xếp hạng thuận lợi về thuế tại khu vực.

2. Cơ sở lý thuyết

2.1. Khái niệm dịch vụ công

Theo Nguyễn Như Phát (2002), “Dịch vụ công là loại hình dịch vụ được cung cấp bởi các cơ quan hành chính nhà nước cho các tổ chức, cá nhân bên ngoài, không mang tính chất công vụ, nhằm đáp ứng các nhu cầu cụ thể về mặt pháp lý”. Theo Lê Chi Mai (2002) định nghĩa, “Dịch vụ công là những hoạt động phục vụ trực tiếp các lợi ích chung thiết yếu, các quyền và nghĩa vụ cơ bản của các tổ chức và công dân, do Nhà nước đảm nhận hay ủy nhiệm cho các cơ sở ngoài nhà nước thực hiện nhằm bảo đảm trật tự và công bằng xã hội”.

Mặc dù có nhiều cách tiếp cận khái niệm, thuật ngữ dịch vụ công dưới các góc độ khác nhau, nhưng về cơ bản đều thống nhất tương đối ở các đặc điểm sau của dịch vụ công: (i) Là một loại dịch vụ do Nhà nước trực tiếp thực hiện hoặc ủy quyền cho các tổ chức, đơn vị ngoài Nhà nước thực hiện dưới sự giám sát của Nhà nước; (ii) Đáp ứng nhu cầu xã hội, nhân dân; (iii) Nhà nước là người chịu trách nhiệm đến cùng trước nhân dân, xã hội về chất lượng dịch vụ cũng như số lượng dịch vụ; (iv) Không nhằm mục tiêu lợi nhuận; (v) Đối tượng thụ hưởng dịch vụ công không trực tiếp trả tiền, tuy nhiên có những trường hợp phải trả lệ phí theo quy định chặt chẽ của pháp luật. Như vậy, hiểu một cách khái quát, dịch vụ công là những dịch vụ do Nhà nước chịu trách nhiệm, phục vụ các nhu cầu cơ bản, thiết yếu chung của người dân không vì mục tiêu lợi nhuận.

2.2. Khái niệm chất lượng dịch vụ công

Donabedian (1980) là một trong những người bàn đầu tiên về chất lượng dịch vụ. Tác giả chỉ ra chất lượng có 3 thuộc tính: (i) chất lượng cấu trúc; (ii) chất lượng quy trình và (iii) chất lượng kết quả. Tác giả Lehtinen và cộng sự (1982) cho rằng, “Chất lượng dịch vụ đánh giá trên 2 khía cạnh: (i) quá trình cung cấp dịch vụ (ii) kết quả của dịch vụ. Theo Parasuraman và cộng sự (1988), “Chất lượng dịch vụ được xác định là khoảng cách kỳ vọng của khách hàng về dịch vụ và cảm nhận của họ sau khi đã sử dụng dịch vụ đó”.

Như vậy, nghiên cứu này tiếp cận với góc độ chất lượng dịch vụ sẽ phụ thuộc vào mức độ cảm nhận của khách hàng sau khi sử dụng dịch vụ (niềm vui, sự xúc cảm hoặc giá trị giải trí). Nếu đáp ứng được những đòi hỏi mà khách hàng đặt ra thì họ hài lòng và ngược lại.

2.3. Khái niệm dịch vụ công ngành Thuế

Theo Nghị định số 64/2007/NĐ-CP ngày 10/4/2007, dịch vụ công ngành Thuế do Bộ Tài chính quản lý là một loại dịch vụ công do cơ quan thuế chịu trách nhiệm thực hiện. Các quy trình thực hiện và cung cấp dịch vụ đến người nộp thuế đều được quản lý chặt chẽ bởi những quy định của pháp luật. Mỗi một người nộp thuế khi có nhu cầu về sử dụng dịch vụ công ngành Thuế thì được đảm bảo sẽ hưởng tất cả các dịch vụ công ngành Thuế mang lại. Vì vậy, người thực hiện dịch vụ công ngành Thuế phải luôn đảm bảo có trình độ chuyên môn, hiểu biết sâu sắc tâm tư, nguyện vọng của người nộp thuế. Người được phục vụ cảm nhận ở góc độ được thụ hưởng chứ không phải góc độ quản lý. Quản lý thu thuế người nộp thuế là mối quan hệ chứa đựng mối quan hệ đặc biệt, trách nhiệm, nghĩa vụ các bên trong mối ràng buộc quan hệ tài chính.

2.4. Hệ thống dịch vụ khai thuế qua mạng

Khai thuế qua mạng (iHTKK) là việc người nộp thuế lập hồ sơ khai thuế ngay trên máy tính của mình gửi hồ sơ đến cơ quan thuế trực tiếp bằng mạng Internet, hình thức giao dịch điện tử giữa người nộp thuế với cơ quan thuế, một trong những giao dịch được pháp luật về thuế quy định. Doanh nghiệp thực hiện việc nộp hồ sơ khai thuế qua mạng tại địa chỉ web http://nhantokhai.gdt.gov.vn của Tổng cục Thuế thay vì nộp hồ sơ khai thuế giấy tại các Chi cục Thuế quản lý.

Đối với chất lượng dịch vụ trực tuyến, Parasuraman và cộng sự (2005) đã phát triển thang đo E-S-QUAL với 7 nhân tố của chất lượng dịch vụ điện tử bao gồm: (i) Hiệu quả; (ii) Đáp ứng; (iii) Tính sẵn có của hệ thống; (iv) Bảo mật; (v) Sự phản hồi; (vi) Bồi thường; (vii) Liên hệ. Trong đó, tác giả sử dụng 4 nhân tố: Hiệu quả, Sự tin cậy, Mức độ cam kết và Bảo mật để hình thành thang đo E-S-QUAL được sử dụng để đo lường nhận thức của khách hàng về chất lượng dịch vụ. Tiếp theo đó, 3 nhân tố kế tiếp trở nên nổi bật chỉ khi khách hàng trực tuyến có sự thắc mắc: Sự phản hồi, Bồi thường và Liên lạc.

Một nghiên cứu khác của Chen (2010) về sự hài lòng của người nộp thuế với các hệ thống thuế trực tuyến tại Đài Loan vào năm 2010. Kết quả nghiên cứu cho thấy chất lượng dịch vụ kê khai thuế qua mạng được tác động bởi 3 yếu tố chính và 6 yếu tố phụ thuộc: Thứ nhất là Chất lượng hệ thống bao gồm: Đường truyền, Tương tác, Dễ sử dụng; Thứ hai là Chất lượng thông tin bao gồm Thông tin, Độ chính xác; Thứ ba là Chất lượng dịch vụ bao gồm: Đáp ứng, Độ tin cậy, Đồng cảm.

3. Thực trạng khai báo thuế qua mạng tại Chi cục Thuế khu vực Đức Linh - Tánh Linh tỉnh Bình Thuận

Tính đến ngày 30/7/2021, Chi cục Thuế khu vực Đức Linh - Tánh Linh tỉnh Bình Thuận quản lý hơn 400 doanh nghiệp, 8.356 cơ sở cá thể đang hoạt động kinh doanh, thực hiện công tác kê khai qua mạng (iHTKK) đạt 100% trên địa bàn huyện Đức Linh. Trong thực thi nhiệm vụ thu ngân sách, Chi cục Thuế khu vực Đức Linh - Tánh Linh đều thu đạt và vượt dự toán pháp lệnh hàng năm, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế địa phương. Với những tiện ích mà dịch vụ kê khai thuế qua mạng (iHTKK) mang lại, từ đó đã tạo sự đổi mới về cách nhận thức của cán bộ công chức thuế về dịch vụ kê khai thuế qua mạng (iHTKK) trong tiến trình cải cách, phát triển và hiện đại hóa dịch vụ kê khai thuế qua mạng (iHTKK) cho doanh nghiệp và cơ quan thuế. Từ những thay đổi truyền thông (nộp giấy) sang ứng dụng công nghệ (điện tử) sẽ góp phần vào cuộc cuộc cải cách hành chính thuế, nâng cao tinh thần, tác phong làm việc của cán bộ công chức, đáp ứng ngày càng cao nhu cầu của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, việc khai báo, tiếp nhận và xử lý thông tin từ các hồ sơ khai thuế, ra các thông báo và nhận lại thông báo giữa Chi cục Thuế khu vực Đức Linh - Tánh Linh và doanh nghiệp được thông qua dịch vụ kê khai thuế điện tử (iHTKK), sẽ làm hạn chế sự tiếp xúc giữa cán bộ thuế và doanh nghiệp, các thông tin trao đổi giữa cơ quan thuế và doanh nghiệp công khai, rõ ràng; giảm lượng lưu thông, lưu trữ hồ sơ thuế cho cả cơ quan thuế và doanh nghiệp, hạn chế mức thấp nhất phát sinh chi phí cho doanh nghiệp. Ngoài ra, dịch vụ kê khai thuế điện tử (iHTKK) hoạt động 24/24 và liên tục 7 ngày trong tuần, tạo sự chủ động cho doanh nghiệp trong việc gửi tờ khai qua mạng, tiết kiệm được chi phí đi lại, tạo sự thuận lợi trong công tác quản lý tờ khai cho cán bộ thuế khi không phải kiểm tra các lỗi về số học và tiết kiệm được thời gian cho doanh nghiệp.

Nhìn chung, để đạt được những ưu điểm trên, Chi cục Thuế khu vực Đức Linh - Tánh Linh đã triển khai đồng bộ tất cả các hoạt động công tác. Trong đó, Chi cục Thuế khu vực Đức Linh - Tánh Linh đã tập trung xây dựng các công tác như tuyên truyền, hướng dẫn, đào tạo cho cán bộ công chức thuế nắm rõ được cách sử dụng dịch vụ kê khai thuế điện tử (iHTKK) để phục vụ cho nhu cầu của doanh nghiệp khi cần, chú trọng thêm việc hoàn thiện xây dựng mạng lưới thông tin cũng như cập nhật dữ liệu kịp thời cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, hoạt động khai thuế qua mạng (iHTKK) tại Chi cục Thuế khu vực Đức Linh - Tánh Linh vẫn còn tồn tại một số hạn chế, cụ thể:

  • Hệ thống thông tin của Chi cục Thuế được đầu tư theo mô hình từ trên xuống là Tổng cục Thuế, Cục Thuế, Chi cục Thuế theo ngành dọc và chức năng theo từng vị trí. Chức năng hoặc tính tích hợp chưa được phân quyền quản lý hết cho người sử dụng, tính tự động hạch toán các tờ khai, hồ sơ khai thuế chưa cao, đôi khi còn phụ thuộc vào người dùng, xuất hiện các lỗi về hệ thống. Hệ thống mạng máy chủ và các thiết bị phụ trợ kèm theo khi lắp đặp như (tủ UPS, hệ thống làm mát, cột chống sét,…) chưa đầu tư nhiều, chưa đồng bộ, hoạt động đôi lúc còn chưa ổn định;
  • Dịch vụ kê khai thuế điện tử (iHTKK) được Tổng cục Thuế viết nhằm phục vụ cho công tác quản lý kê khai các loại tờ khai, hồ sơ khai thuế. Song trên thực tế các biểu mẫu vẫn chưa cập nhật kịp thời theo đúng các Thông tư, Mục lục ngân sách tại thời điểm mà Tổng cục Thuế ban hành nên chương trình chưa hoàn thiện, mức xử lý tự động thấp các khâu trong quá trình nhận và hạch toán tờ khai, hồ sơ thuế, vẫn còn có cán bộ công chức thuế tham gia thủ công vào quá trình này;
  • Hiện tại, Chi cục Thuế khu vực Đức Linh - Tánh Linh đã sử dụng 2 đường truyền của 2 đơn vị khác nhau để thực hiện công tác truyền tải dữ liệu, phục vụ cho dịch vụ kê khai thuế qua mạng (iHTKK) nhưng đôi khi vẫn còn xảy ra tình trạng nghẽn mạng, cơ quan thuế không nhận được tờ khai thuế của doanh nghiệp và ngược lại doanh nghiệp không nhận lại được các thông báo của cơ quan thuế. Điều này, gây khó khăn cho doanh nghiệp khi sử dụng dịch vụ kê khai thuế qua mạng (iHTKK).

4. Giải pháp

Từ bối cảnh hiện tại của Chi cục Thuế khu vực Đức Linh - Tánh Linh để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp thực hiện việc sử dụng dịch vụ kê khai thuế qua mạng (iHTKK) và giải quyết những khó khăn vướn mắc của doanh nghiệp trong quá trình kê khai thuế qua mạng và luôn nâng cao chất lượng dịch vụ như sau:

Thứ nhất, rhực hiện chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết 01 số và Chương trình hành động của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế tiếp tục triển khai các giải pháp cải cách thủ tục hành chính thuế; triển khai theo đúng tiến độ các dự án công nghệ thông tin. Đặc biệt, đã đẩy nhanh tiến độ triển khai và mở rộng thực hiện khai thuế qua mạng và nộp thuế điện tử; hóa đơn điện tử có mã xác thực của cơ quan thuế; triển khai hoàn thuế điện tử. Đồng thời, ngành Thuế cũng triển khai các trung tâm điều hành triển khai hóa đơn điện tử. Hệ thống này được bố trí đường dây nóng và cán bộ trực hỗ trợ trong và ngoài giờ hành chính, bảo đảm kết nối trao đổi thường xuyên, kịp thời giải đáp, tháo gỡ vướng mắc trong quá trình triển khai hóa đơn điện tử.

Thứ hai, Chi cục Thuế khu vực Đức Linh - Tánh Linh tập trung đẩy mạnh tuyên truyền về các thủ tục, điều kiện gia hạn,… để các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, người nộp thuế được biết, thụ hưởng các chính sách đúng đối tượng. Chi cục Thuế khu vực Đức Linh - Tánh Linh đã xây dựng các nội dung tuyên truyền thông qua các video clip, văn bản, bài viết, hình ảnh,... để thực hiện tuyên truyền Nghị định số 52/2021/NĐ-CP một cách hiệu quả qua nhiều kênh thông tin: Qua các báo, đài (cả báo mạng và báo viết), website của Chi cục Thuế khu vực Đức Linh - Tánh Linh, qua các trang mạng xã hội như zalo, facebook, youtube,... Đồng thời, Cục Thuế gửi thư điện tử (email) tới trực tiếp 100% doanh nghiệp, tổ chức trên địa bàn huyện.

Thứ ba, để kịp thời tháo gỡ vướng mắc trong thực thi chính sách thuế, giúp doanh nghiệp, người nộp thuế vượt qua khó khăn, duy trì phục hồi sản xuất kinh doanh, nhưng vẫn đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, Chi cục Thuế khu vực Đức Linh - Tánh Linh nên tổ chức Chương trình hỗ trợ trực tuyến để giải đáp vướng mắc về chính sách thuế và thủ tục hành chính thuế trên website của Chi cục Thuế cho người nộp thuế.

Thứ tư, cùng với Chi cục Thuế và Cục thuế tỉnh Bình Thuận phối hợp triển khai website về nội dung chương trình hỗ trợ quyết toán thuế TNCN cho NNT có nhu cầu cung cấp dịch vụ thông qua các hình thức trực tuyến hoặc đến trực tiếp tại Chi cục. Qua các chương trình hỗ trợ đó đã góp phần cùng ngành thuế trong công tác tuyên truyền, hỗ trợ NNT, góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính và hiện đại hóa công tác quản lý thuế.

Thứ năm, bên cạnh đó, để hạn chế sai sót trong việc khai, nộp hồ sơ quyết toán thuế, người nộp thuế cần chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, xác định chính xác nơi nộp hồ sơ quyết toán, cung cấp các thông tin về địa chỉ email, số điện thoại để cơ quan thuế kịp thời liên lạc với người nộp thuế khi cần thiết. Mặt khác, Chi cục Thuế cũng mong các đơn vị, tổ chức chi trả thu nhập tích cực trong việc thông tin, hướng dẫn, giải thích cho người lao động hiểu về các quy định liên quan quyết toán thuế thu nhập cá nhân, thực hiện cấp chứng từ khấu trừ thuế thu nhập cá nhân kịp thời để bảo đảm quyền lợi cho người lao động.

Thứ sáu, Đối với doanh nghiệp, tổ chức, nhằm tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tập huấn, tránh tập trung đông người trong tình hình bệnh dịch hiện nay, Chi cục Thuế thay đổi hình thức tập huấn trực tiếp bằng việc tập huấn, đăng tải thông tin hướng dẫn trên internet. Chi cục Thuế sẽ đăng tải các bài giảng trực tuyến liên quan những điểm mới, những điểm cần lưu ý khi quyết toán thuế năm. Phương pháp này tạo điều kiện cho doanh nghiệp, tổ chức có thể tham gia tập huấn mọi lúc mọi nơi, cập nhật đầy đủ các kiến thức của bài giảng với thời gian học phù hợp. Ngoài ra, những nội dung về những điểm cần lưu ý khi quyết toán thuế năm sẽ được Chi cục Thuế biên soạn và gửi đến người nộp thuế qua các kênh thông tin, qua địa chỉ email đã đăng ký với cơ quan thuế.

5. Kết luận

Những ưu điểm của hệ thống dịch vụ thuế điện tử đã mang lại nhiều thuận lợi cho doanh nghiệp, như: Hỗ trợ nhiều tài khoản cho các chức danh khác nhau, cho phép thực hiện toàn bộ quy trình dự thảo, phê duyệt và ký điện tử hồ sơ thuế trên hệ thống, không cần các bước in, ký trên giấy trước khi ký điện tử. Đặc biệt, hệ thống dịch vụ thuế điện tử thân thiện với người dùng, tương thích với cách sử dụng các hệ thống khai thuế điện tử, nộp thuế điện tử, do đó doanh nghiệp không tốn thêm chi phí đào tạo khi chuyển sang hệ thống mới.

Những nỗ lực phát triển hệ thống dịch vụ thuế điện tử của ngành Thuế đã đáp ứng được yêu cầu tại Nghị quyết số 19 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân và xã hội về dịch vụ công trực tuyến. Bên cạnh đó, việc bổ sung các dịch vụ mới còn đáp ứng việc công khai, minh bạch thông tin và được cộng đồng doanh nghiệp, các chuyên gia kinh tế và tổ chức quốc tế đánh giá cao. 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Nguyễn Thị Lan Anh (2016). Một số nâng cao giải pháp dịch vụ hành chính thuế tại Chi cục Thuế Quận 12. Luận văn Thạc sĩ. Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí
  2. Tiêu Hồng Mỹ (2015). Đo lường mức độ hài lòng của doanh nghiệp về chất lượng dịch vụ kê khai thuế qua mạng iHTKK tại Cục Thuế tỉnh Kiên Giang. Luận văn Thạc sĩ. Trường Đại học Tài chính - Marketing.
  3. Trần Sĩ Quân và cộng sự (2015). Nâng cao chất lượng dịch vụ tuyên truyền hỗ trợ người nộp thuế tại Cục thuế Khánh Hòa. Tạp chí Khoa học - Công nghệ, tháng 2/2015.
  4. Chi cục Thuế khu vực Đức Linh - Tánh Linh nỗ lực khắc phục khó khăn hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước năm 2019 (2020). Truy cập tại: https://lmhtx.binhthuan.gov.vn/1354/34244/66356/567350/kinh-te/chi-cuc-thue-khu-vuc-duc-linh-tanh-linh-no-luc-khac-phuc-kho-khan-hoan-thanh-nhiem-vu-thu-ngan-s.aspx
  5. Hữu Tri (2020). Tổng cục Thuế hoàn thành kế hoạch thành lập Chi cục Thuế khu vực. Truy cập tại: https://binhthuan.gov.vn/4/469/37057/568692/tin-chinh-quyen/tong-cuc-thue-hoan-thanh-ke-hoach-thanh-lap-chi-cuc-thue-khu-vuc.aspx
  6. Nhật Minh (2018). Cục Thuế Bình Thuận triển khai dịch vụ thuế điện tử. Truy cập tại: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/cuc-thue-binh-thuan-trien-khai-dich-vu-thue-dien-tu-43821.html.

 

SOLUTIONS TO IMPROVE THE QUALITY OF ONLINE TAX DECLARATION SERVICES AT THE REGIONAL TAX DEPARTMENT OF DUC LINH - TANH LINH, BINH THUAN PROVINCE

NGUYEN DUC NGOC

Ba Ria - Vung Tau University

ABSTRACT:

In 2020, despite difficulties and challenges causing by the COVID-19 pandemic, the state budget revenue of Vietnam exceeded the target by 2% (VND 24,400 billion) and increased by VND 175.9 trillion comparing to the estimated revenue which was reported to the National Assembly of Vietnam. It is firstly thanks to the efforts of the business community and taxpayers. In addition, the success of Vietnam in COVID-19 prevention and control and support policies of the Government of Vietnam for businesses and individuals had helped the national economy gradually recover since Q3 2020. Party committees, authorities and tax authorities at all levels also actively created favorable conditions for state budget revenue collection, especially in the last months of 2020. In which, the service quality of online tax declaration contributed significantly to the above-mentioned state budget revenue collection success. This paper is to propose some solutions to improve the quality of online tax declaration services in Vietnam in general and at the regional tax department of Duc Linh - Tanh Linh, Binh Thuan Province in particular.

 Keywords: tax declaration, service quality, Duc Linh, Tanh Linh, Binh Thuan Province.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, 

Số 27, tháng 12 năm 2021]