TÓM TẮT:

Bài viết này nghiên cứu thực trạng quản trị rủi ro trong hoạt động của các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) Việt Nam. Kết quả phỏng vấn chuyên gia và lãnh đạo DNNVV cho thấy, trong quy trình quản trị rủi ro 5 bước, nếu như DNNVV không gặp nhiều khó khăn ở bước đầu nhận diện rủi ro và bước cuối theo dõi và xem xét rủi ro, thì trở ngại lớn nhất đối với DNNVV nằm ở 3 bước quan trọng nhất của quy trình, gồm: phân tích rủi ro trong hoạt động, đánh giá hoặc xếp hạng rủi ro trong hoạt động, và xử lý rủi ro. Nguyên nhân chính do tình trạng thiếu thốn công cụ, nguồn nhân lực chất lượng trong DNNVV để có thể tự triển khai, cũng như nguồn lực tài chính hạn chế để có thể thuê ngoài các hoạt động chuyên môn này. Từ thực trạng đó, nghiên cứu đề xuất một số giải pháp nâng cao hiệu quả quản trị rủi ro trong hoạt động của các DNNVV Việt Nam hiện này.

Từ khóa: doanh nghiệp nhỏ và vừa, rủi ro, rủi ro hoạt động, quản trị rủi ro, giải pháp quản trị rủi ro, Việt Nam.

1. Mở đầu

Theo Tổng cục Thống kê (2019), Việt Nam hiện có khoảng trên 800 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó, số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) theo quy mô lao động dưới 300 người chiếm 98,95% tổng số doanh nghiệp cả nước. Trong những năm qua, DNNVV Việt Nam có vai trò hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, đóng góp vào GDP tới 45%, tạo công ăn việc làm cho hơn 5 triệu lao động, đóng góp 31% tổng thu ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, thực tiễn hoạt động của DNNVV vẫn còn gặp những khó khăn do tác động từ các yếu tố khách quan và chủ quan. Cùng với sự hình thành và phát triển của nền kinh tế thị trường ở nước ta, các rủi ro xuất hiện ngày càng nhiều gây cản trở sự phát triển của các DNNVV tại Việt Nam. Chính vì vậy, quản trị rủi ro trong hoạt động của DNNVV ngày càng nhận được sự quan tâm cả trong nghiên cứu và thực tiễn, nhằm đưa ra các giải pháp nâng cao hiệu quả quản trị rủi ro trong hoạt động của DNNVV, tạo tiền đề cho sự phát triển vượt bậc của các doanh nghiệp này nói riêng và cả nền kinh tế nước nhà nói chung.

Để thực hiện nghiên cứu này, tác giả đã sử dụng kết hợp nhiều phương pháp. Trước tiên là phương pháp nghiên cứu và phân tích lý luận, theo đó tác giả đã tổng hợp nhiều nguồn tài liệu (các công trình nghiên cứu khoa học, báo cáo thị trường, số liệu thống kê). Để thu thập dữ liệu thứ cấp, tác giả sử dụng phương pháp phỏng vấn chuyên sâu một số nhà nghiên cứu về quản trị rủi ro hoạt động trong DNNVV và một số chủ DNNNVV tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, từ đó đưa ra những thông tin đa chiều nhất, thiết thực nhất cho nghiên cứu.

2. Cơ sở lý luận

Theo Nghị định số 39/2018/NĐ-CP, DNNVV là doanh nghiệp có quy mô giới hạn bởi các yếu tố như lao động, vốn, tài sản hoặc doanh thu, tùy theo lĩnh vực kinh doanh. Trong nghiên cứu này, để thống nhất với số liệu của Tổng cục Thống kê (2019), DNNVV được xác định là các doanh nghiệp có số lượng lao động dưới 300 người. Các DNNVV có các đặc điểm cơ bản sau: quy mô hoạt động và tiềm lực tài chính hạn chế; loại hình và ngành nghề đa dạng; thường phụ thuộc vào chủ điều hành và môi trường kinh doanh; có tính linh hoạt cao nhờ bộ máy tổ chức gọn nhẹ và các yếu tố phi chính thức (Nicolescu, 2009). Bản chất này mang lại cho DNNVV một số lợi thế nhưng cũng đặt vào vị thế đối diện nhiều rủi ro.

Rủi ro là biến cố không mong đợi trong cuộc sống của mọi cá nhân cũng như tổ chức. Rủi ro có mặt ở khắp mọi nơi và mọi cá nhân cũng như tổ chức phải đối mặt với rủi ro và giải quyết rủi ro đó, từ đó rủi ro trở thành một phần trong cuộc sống của tất cả chúng ta (Maylor, 2010). Rủi ro trong doanh nghiệp là một sự kiện bất ổn, không mong đợi có ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; và thường, gây ra thiệt hại tài chính cho doanh nhiệp. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến rủi ro trong doanh nghiệp, như: do lạm phát, do biến động lãi suất, tỷ giá, giá cả hàng hóa, hoặc do đánh giá sai các khả năng tình huống xảy ra, hoặc do quyết định đầu tư không thích hợp, hoặc cũng có thể do các yếu tố chính trị, xã hội, môi trường kinh doanh thay đổi, do thiên tai, dịch bệnh, thời tiết,… Các loại rủi ro thường gặp trong hoạt động của DNNVV gồm các loại cơ bản sau: rủi ro lãi suất, rủi ro tỷ giá, rủi ro biến động giá cả hàng hóa, rủi ro tín dụng, rủi ro năng lực kinh doanh, rủi ro chính trị - kinh tế, rủi ro văn hóa, và rủi ro khác. Và quản trị rủi ro là giải pháp phòng tránh hoặc đối phó khi xuất hiện rủi ro; cho phép DNNVV xử lý được những khó khăn trước mắt để vượt qua rủi ro và tiếp tục phát triển lớn mạnh hơn (Phan Thị Bích Nguyệt, 2006; David và Desheng, 2008).

Quản trị rủi ro là việc xác định mức độ rủi ro mà một doanh nghiệp mong muốn, nhận diện được mức độ rủi ro hiện nay của doanh nghiệp đang phải gánh chịu và sử dụng các công cụ phái sinh hoặc sử dụng các công cụ tài chính khác để điều chỉnh mức độ rủi ro thực tế theo mức rủi ro mong muốn của doanh nghiệp (Nguyễn Thị Ngọc Trang, 2007). Stephen (2001) định nghĩa quản trị rủi ro là quy trình đánh giá, kiểm soát, khai thác, xử lý và giám sát rủi ro từ tất cả các nguồn phát sinh, nhằm nâng cao giá trị doanh nghiệp. Theo nghĩa rộng, quản trị rủi ro là quy trình nhằm hoàn thiện hoạt động, quản lý được các nguồn lực quan trọng, bảo đảm sự tuân thủ các quy định, đạt được mục tiêu hoàn hảo, duy trì sự cân bằng tài chính và cuối cùng ngăn chặn sự mất mát, thiệt hại cho doanh nghiệp. Một cách khái quát, khi áp dụng trong DNNVV, mục tiêu quản trị rủi ro trong hoạt động là nhận diện rủi ro, kiểm soát rủi ro, chủ động phòng ngừa rủi ro, biến rủi ro thành lợi thế và cơ hội thành công (Lukianchuk, 2015; Yang và cộng sự, 2018).

Theo Hollman và cộng sự, 1984; Lim, 92010), có nhiều nghiên cứu về quy trình quản trị rủi ro trong hoạt động của DNNVV, trong đó, quy trình được thừa nhận rộng rãi gồm 5 bước như sau:

3. Kết quả nghiên cứu

Cùng với sự bùng nổ về số lượng, DNNVV đã và đang góp phần quan trọng trong chuyển dịch về cơ cấu ngành nghề thông qua tạo việc làm, thu hút lao động từ lĩnh vực nông nghiệp, tham gia đầu tư vào các thị trường ngách, thúc đẩy phát triển sản xuất - kinh doanh. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, số lượng DNNVV trong nền kinh tế Việt Nam giai đoạn 2015 - 2019 luôn chiếm tỷ trọng lớn (trên 98%). DNNVV liên tục có sự tăng trưởng về quy mô, số lượng trong giai đoạn 2015 - 2019 cụ thể như: năm 2015 số lượng DNNVV chỉ ở mức 396,809 doanh nghiệp (chiếm 98.63% tổng số doanh nghiệp trong nền kinh tế Việt Nam). Tuy nhiên, sau 4 năm, số lượng DNNVV năm 2019 đã tăng lên 604,203 doanh nghiệp, gấp hơn 1.5 lần số lượng các DNNVV năm 2015 và chiếm 98.95% tổng số doanh nghiệp trong nền kinh tế Việt Nam trong giai đoạn này. Ngoài ra, giai đoạn 2016 - 2019, bình quân mỗi năm, khối DNNVV thu hút được rất nhiều lao động tham gia với 8,69 triệu lao động (chiếm 60,9% tổng lao động toàn bộ khu vực doanh nghiệp trong nền kinh tế). Trong 2 năm 2018-2019, số DNNVV mới thành lập đã tạo ra gần 2,5 triệu việc làm mới cho người lao động trên cả nước.

Mặc dù có vai trò và đóng góp tích cực đối với sự phát triển của nền kinh tế, DNNVV luôn phải đối mặt với nhiều rủi ro. Theo kết quả phỏng vấn, các rủi ro thường gặp của DNNVV Việt Nam gồm:

- Rủi ro lãi suất: xảy ra khi các khoản vay của DNNVV tăng cao lên so với lãi suất dự tính.

- Rủi ro tỷ giá: xuất hiện khi tỷ giá ngoại tệ biến động gây nên doanh nghiệp bị lỗ với mức độ tùy theo lượng ngoại tệ mà doanh nghiệp sử dụng.

- Rủi ro biến động giá cả hàng hóa: trong bối cảnh nền kinh tế có tỷ lệ lạm phát cao, các doanh nghiệp sản xuất có giá sản phẩm bán ra đã cố định theo hợp đồng lâu dài trong khi giá nguyên phụ liệu tăng cao, gây nên thua lỗ cho DNNVV.

- Rủi ro tín dụng: xảy ra khi các khoản nợ của doanh nghiệp không được đối tác thanh toán, thanh toán không đúng hạn, trả không đủ tiền. Bên cạnh đó, do nhiều nguyên nhân nên nhiều doanh nghiệp phải tìm đến tín dụng đen để vay, điều này cũng gây ra rủi ro tín dụng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ.

- Rủi ro năng lực kinh doanh: xảy ra khi doanh nghiệp vừa và nhỏ thiếu năng lực về nhân lực, trình độ kỹ thuật, kiến thức về thị trường, những nhân tố này làm tạo nên những rủi ro cho doanh nghiệp, gây giảm năng lực sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận của doanh nghiệp.

- Rủi ro chính trị, kinh tế: xảy ra khi các quy định của Nhà nước gây cản trở cho các hoạt động kinh doanh của DNNVV.

- Rủi ro văn hóa: xảy đến khi doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi các yếu tố như giá trị văn hóa, thói quen, niềm tin, của một vùng đất nào đó làm ảnh hưởng đến việc tiêu thụ sản phẩm, hay sản xuất sản phẩm gây giảm năng suất.

- Rủi ro khác: là những rủi ro ngoài những rủi ro ở trên.

Đối diện với những rủi ro trong hoạt động, DNNVV đã triển khai các hoạt động quản trị rủi ro, mặc dù còn nhiều hạn chế, với thực trạng, theo kết quả phỏng vấn, như sau:

Về hoạt động xác định rủi ro trong hoạt động của DNNVV: Đa phần các chủ DNNVV đều cho rằng có thể nhận diện hầu hết các rủi ro ở tất cả các mặt hoạt động. Cụ thể như, do sự biến động của lãi suât ngân hàng đã tạo ra không ít rủi ro cản trở các hoạt động của doanh nghiệp vừa và nhỏ; giá cả thị trường ngày một biến động khôn lường cũng gây rủi ro cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam. Ngoài ra, biến động tỷ giá thường xuyên cũng là nguyên nhân dẫn đến rủi ro xảy ra cho DNNVV tại Việt Nam trong những năm gần đây. Bên cạnh đó việc giới hạn năng lực cạnh tranh, và mô hình hoạt động của doanh nghiệp cũng trở thành nhân tố gây nên rủi ro cho DNNVV tại Việt Nam. Những vấn đề từ việc sử dụng con người và chọn đối tác cũng là nhân tố rất dễ tạo nên rủi ro cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam hiện nay.

Các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam đã luôn ý thức về rủi ro, thường xuyên liệt kê các rủi ro có thể ảnh hưởng để tìm cách phòng tránh và biến rủi ro thành lợi thế để doanh nghiệp phát triển lớn mạnh hơn. Song bên cạnh đó, còn một số bộ phận doanh nghiệp không nhạy bén trong việc xác định rủi ro, những doanh nghiệp này rất dễ rơi vào khó khăn vì không kịp trở tay khi rủi ro xuất hiện, vì vậy mà rất nhiều DNNVV của Việt Nam hiện nay đã dừng hoạt động hoặc giải thể vì rủi ro.

Về hoạt động phân tích rủi ro trong hoạt động: Việc phân tích rủi ro tại DNNVV Việt Nam trong những năm gần đây đã được chú ý thực hiện, mặc dù vẫn phụ thuộc phần lớn vào năng lực trình độ của chủ hoặc ban lãnh đạo doanh nghiệp. Sau khi đã xác định các rủi ro có thể xảy ra, các DNNVV tiến hành phân tích để có được những hiểu biết nhất định về những rủi ro có thể xảy ra nhằm lên phương án ứng phó rủi ro. Những năn gần đây, các DNNVV đã biết rút kinh nghiệm từ nhiều năm trước để phân tích và nắm được bản chất rủi ro, từ đó biến các rủi ro đó thành lợi thế hoặc phòng tránh được rủi ro.

Về đánh giá hoặc xếp hạng rủi ro trong hoạt động: Rủi ro xảy ra đối với doanh nghiệp là hoàn toàn bất ngờ, không được báo trước. Những năm qua, có không ít các DNNVV đã rơi vào khó khăn thậm chí phá sản vì những rủi ro không lường trước. Tuy nhiên vào những năm gần đây, các DNNVV tại Việt Nam sau khi xác định và phân tích rủi ro đã cân nhắc để đánh giá xếp hạng rủi ro thật cụ thể để thấy được những rủi ro nào gây ảnh hưởng xấu đến doanh nghiệp, rủi ro nào cần tránh, rủi ro nào có thể khắc phục để tìm hướng giải quyết. Những năm gần đây, các DNNVV đã chú ý thực hiện vấn đề này, tuy nhiên lại đối mặt với tình trạng thiếu thốn công cụ và nguồn nhân lực chất lượng để thực hiện đánh giá và xếp hạng rủi ro trong hoạt động của mình.

Về xử lý rủi ro: phần lớn các DNNVV Việt Nam gặp khó khăn trong vấn đề này, mặc dù nhờ công nghệ cao, các thông tin nhạy bén, việc tra cứu thông tin cũng dễ dàng nên hiện nay việc xử lý rủi ro đã đơn giản hơn và có kết quả tốt hơn. Nguyên nhân chính là tình trạng thiếu thốn nguồn nhân lực trình độ để xử lý; và tiềm lực tài chính hạn chế để có thể thuê ngoài vấn đề này.

Về theo dõi và xem xét rủi ro trong hoạt động: các DNNVV tại Việt Nam ngày càng được quan tâm và thực hiện có hiệu quả. Đây là bước cuối cùng trong quản trị rủi ro doanh nghiệp, thực hiện tốt bước này sẽ giảm được rủi ro trong tương lai. Thực tế, việc theo dõi và xem xét rủi ro tuy đã được các doanh nghiệp quan tâm hơn, song đối với mức độ quan trọng của nó thì chưa đủ, vì vậy mà các DNNVV tại Việt Nam luôn phải đối mặt với những rủi ro xảy ra.

4. Giải pháp và kiến nghị

Giải pháp tiên phong đối với các DNNVV tại Việt Nam về quản trị rủi ro đó là, các DNNVV cần có kiến thức sâu rộng và nhạy bén thông tin về lãi suất ngân hàng, tỷ giá ngoại tệ để kịp thời đối phó với những biến động. Đặc biệt, có thể xét tình hình kinh tế, chính trị hoặc tình hình tài chính của các ngân hàng để dự đoán về biến động về lãi suất và tỷ giá, từ đó làm chủ được tình hình, tránh ảnh hưởng tiêu cực của những rủi ro xảy ra.

DNNVV Việt Nam cũng cần cân nhắc thật kỹ về nhân sự và quy mô kinh doanh của doanh nghiệp để tránh những rủi ro liên quan đến con người, trong trường hợp bộ máy nhân sự kém về nghiệp vụ, kỹ năng sẽ mang đến rất nhiều rủi ro cho DNNVV. Vì vậy, DNNVV tại Việt Nam cần cẩn thận trong khâu lựa chọn nhân sự và quyết định quy mô hoạt động phù hợp để giảm thiểu rủi ro mang đến cho DNNVV.

Cần tích cực tham khảo giá cả trên thị trường để nắm được kịp thời những thông tin biến động giá cả trên thị trường và có hướng giải quyết. Bên cạnh đó, nên tiếp cận và tham khảo nhiều nhà cung cấp để có thông tin đa dạng về giá cả, khi có biến động có thể kịp thời tìm nhà cung cấp mới trong trường hợp cần thiết.

Để đạt được hiệu quả cao trong quản trị rủi ro, các DNNVV Việt Nam cũng cần thường xuyên cập nhật tình hình chính trị và kinh tế để bắt kịp với xu thế kinh tế của quốc gia, bên cạnh đó thường xuyên tham khảo những điều luật của Nhà nước để nắm được nhiệm vụ đối với Nhà nước và thực hiện cho đúng luật để tránh những rủi ro liên quan đến luật pháp và nền kinh tế của đất nước.

Về phía Nhà nước và các cơ quan hữu quan, cần có những chính sách mở cửa để tạo môi trường kinh doanh lành mạnh cho các DNNVV phát triển, cũng như tránh được những rủi ro gây tiêu cực cho các doanh nghiệp. Đồng thời, cần có các biện pháp tuyên truyền về chính sách và pháp luật để các DNNVV nắm vững, từ đó các doanh nghiệp thực hiện đúng theo quy định, tránh được các rủi do thiếu hiểu biết về luật của Nhà nước, gây ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp. Ngân hàng Nhà nước cần nghiên cứu các chính sách hỗ trợ cho DN hoạt động sản xuất - kinh doanh tránh được những rủi ro cho doanh nghiệp khi phải lựa chọn vay vốn tại các tổ chức tài chính. Bên cạnh đó, Nhà nước cần chỉ đạo các tổ chức tín dụng tăng cường thực hiện hiệu quả các văn bản điều hành của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển DN; Nghị định số 34/NĐ-CP về thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho DNNVV; Nghị định số 39/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của Quỹ Phát triển DNNVV,... Bên cạnh hỗ trợ từ Nhà nước, nên xem xét thành lập các hiệp hội DNNVV và hoạt động thường xuyên nhằm trao đổi về các rủi ro và kinh nghiệm quản trị rủi ro, để các doanh nghiệp cùng nhau vượt qua thời kì khủng hoảng kinh tế như hiện nay.

5. Kết luận

DNNVV có quy mô và nguồn lực giới hạn, trong bối cảnh kinh tế biến động và cạnh tranh khắc nghiệt hiện nay, DNNVV phải đối mặt với nhiều rủi ro trong hoạt động sản xuất - kinh doanh. Để đảm sự phát triển bền vững, DNVV cần triển khai các hoạt động quản trị rủi ro hiệu quả. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu thực trạng cho thấy, trong quy trình quản trị rủi ro 5 bước, DNNVV gặp khó khăn ở 3 bước quan trọng nhất, gồm: phân tích rủi ro trong hoạt động, đánh giá hoặc xếp hạng rủi ro trong hoạt động, và xử lý rủi ro. Nguyên nhân chính do tình trạng thiếu thốn công cụ, nguồn nhân lực chất lượng trong DNNVV để có thể tự triển khai; cũng như nguồn lực tài chính hạn chế để có thể thuê ngoài các hoạt động chuyên môn này.

Trên cơ sở phân tích, nghiên cứu này đề xuất một số giải pháp cho các DNNVV đẩy mạnh các phương pháp quản trị rủi ro sao cho có hiệu quả nhất, tăng cường sự liên kết giữa các doanh nghiệp vừa và nhỏ với nhau để có thêm sự hỗ trợ tương tác cùng nhau phát triển. Bên cạnh đó, các cấp, ban ngành của Nhà nước cần có những chính sách hỗ trợ để doanh nghiệp vừa và nhỏ vượt qua những rủi ro và phát triển lớn mạnh hơn.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. David L. Olson, Desheng D. Wu. (2008). Financial Engineering and Risk Management - Enterprise Risk Management, Volume 1. Singapore: World Scientific Publishing Co. Pte.Ltd.
  2. Hollman K. W., Mohammad-Zadeh S. (1984). Risk Management in Small Business. Journal of Small Business Management, 22(1), 47-55.
  3. Lim Candice. (2010). Risk Management in Small-Medium Enterprises (SMEs): How does Risk Management in Small-Medium Enterprises (SMEs) Contribute to the Company’s Financial Performance? Germany: GRIN Publishing.
  4. Lukianchuk G. (2015). The impact of enterprise risk management on firm performance of small and medium enterprises”. European Scientific Journal, ESJ, 11(13).
  5. Maylor H. (2010). Project Management, 4th edition. London: Financial Times Prentice Hall.
  6. Nguyễn Thị Ngọc Trang (2007), Quản trị rủi ro tài chính, NXB Thống kê.
  7. Nicolescu O. (2009). Main features of SMEs organisation system. Review of International Comparative Management, 10(3), 405-413.
  8. Phan Thị Bích Nguyệt (2006), Đầu tư tài chính, NXB Thống kê.
  9. Stephen P. D’Arcy. (2001). Enterprise Risk Management. Journal of Risk Management of Korea, 12(1), 25.
  10. Tổng cục Thống kê (2019), Niên giám Thống kê 2019, Tổng cục Thống kê.
  11. Yang S., Ishtiaq M., Anwar M. (2018). Enterprise Risk Management Practices and Firm Performance, the Mediating Role of Competitive Advantage and the Moderating Role of Financial Literacy. Journal of Risk and Financial Management, 11(3), 35. https://doi.org/10.3390/jrfm11030035.

Solutions to improve the efficiency of risk management of Vietnamese small and medium-sized enterprises

Master. Bui Thi Hong Tham

East Asia Corporation

ABSTRACT:

This paper examines the current risk management of small and medium-sized enterprises (SMEs) in Vietnam. Interviews with  SME experts and leaders show that, in the 5-step risk management process, if the SMEs do not encounter difficulties in the initial step of risk identification and the last step of monitoring and reviewing risks, they will face challenges in the three most important steps of the process, namely analyzing operational risks, assessing or ranking operational risks, and treating risks. The main reason of this issue is the that SMEs do not have tools and high-quality human resources to implement the risk management by themselves. In addition, SMEs lack financial resources to outsource the risk management. Based on the paper’s findings, some solutions are proposed to improve the efficiency of risk management of Vietnamese SMEs.

Keywords: small and medium-sized enterprises, risk, operational risk, risk management, risk management solution, Vietnam.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 3, tháng 2 năm 2021]