Giải pháp nâng cao hiệu quả sản xuất lúa hữu cơ trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long

THS. NGUYỄN VŨ TRÂM ANH (Khoa Quản Trị, Phân hiệu Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh tại Vĩnh Long) - THS. VÕ THANH TRÚC VÀ THS. ĐẶNG THỊ THÚY AN (Khoa Quản Trị, Phân hiệu Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh tại Vĩnh Long)

TÓM TẮT:

Nghiên cứu tập trung vào việc phân tích thực trạng tình hình sản xuất và hiệu quả sản xuất của mô hình sản xuất lúa hữu cơ ở tỉnh Vĩnh Long trong 3 năm 2018 - 2020. Dữ liệu thứ cấp và sơ cấp (khảo sát 130 nông hộ sản xuất lúa hữu cơ và vô cơ) được xử lý bằng phương pháp thống kê mô tả và phương pháp phân tích lợi ích - chi phí. Kết quả nghiên cứu cho thấy, doanh thu, lợi nhuận và suất sinh lợi trên tổng chi phí của nông hộ trồng lúa hữu cơ đều có xu hướng gia tăng. Việc so sánh các tiêu chí trên với mô hình trồng lúa vô cơ càng cho thấy tính hiệu quả vượt trội của mô hình lúa hữu cơ. Tuy nhiên, tình hình sản xuất lúa hữu cơ trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long hiện nay cũng còn nhiều khó khăn về vốn, thị trường tiêu thụ, kỹ thuật sản xuất,… Dựa trên các kết quả phân tích đó, nghiên cứu đề xuất một số hàm ý quản trị nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất lúa hữu cơ trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long trong thời gian tới.

Từ khóa: lúa gạo hữu cơ, chứng nhận hữu cơ, hiệu quả sản xuất, tỉnh Vĩnh Long.

1. Đặt vấn đề

Hiện nay, các tỉnh ở đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có tỉnh Vĩnh Long đang tiến hành phát triển hệ thống canh tác lúa hữu cơ. Theo đề án cơ cấu lại ngành Nông nghiệp tỉnh Vĩnh Long, cây lúa vẫn được xác định là cây chủ lực, chiếm phần lớn và có xu hướng tăng đồng thời cả diện tích và sản lượng của địa phương. Tỉnh Vĩnh Long đã và đang xây dựng, nhân rộng cánh đồng trồng lúa hữu cơ, sản xuất lúa sạch, tập trung chủ yếu ở các huyện Tam Bình, Vũng Liêm và Trà Ôn. Mặc dù, mô hình hiện đã đạt được những thành công bước đầu nhưng do trong thời gian đầu khi chuyển canh tác truyền thống sang canh tác hữu cơ, năng suất chưa cao khiến cho lợi nhuận của nông dân giảm, cùng với kinh nghiệm trồng của nông dân còn yếu cho nên hiệu quả của mô hình này chưa cao. Tuy nhiên, đây là mô hình sản xuất có hiệu quả về kinh tế - xã hội, việc sản xuất lúa hữu cơ và theo hướng hữu cơ, hạn chế sử dụng phân bón hóa học, các chất kích thích tăng trưởng, hóa chất bảo vệ thực vật đã tạo ra sản phẩm an toàn, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ sức khỏe con người. Việc phát triển trồng lúa theo hướng hữu cơ là vấn đề cấp thiết của tỉnh Vĩnh Long và của khu vực đồng bằng sông Cửu Long, do đó, nhóm nghiên cứu tiến hành thực hiện phân tích về thực trạng sản xuất lúa hữu cơ, từ đó đề xuất giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất lúa hữu cơ trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long.

2. Phương pháp nghiên cứu

2.1. Phương pháp thu thập dữ liệu

Bài nghiên cứu phân tích dữ liệu thứ cấp và sơ cấp để đánh giá hiệu quả sản xuất lúa hữu cơ trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long.

Dữ liệu thứ cấp được thu thập từ Cục Thống kê tỉnh Vĩnh Long, Niên giám thống kê Tỉnh Vĩnh Long, Liên hiệp HTX tỉnh Vĩnh Long, các bài báo và tạp chí trong và ngoài nước có liên quan. Các dữ liệu thứ cấp được dùng để giới thiệu tổng quan về tỉnh Vĩnh Long, đánh giá tình hình nhu cầu lúa gạo hữu cơ trong và ngoài nước.

Dữ liệu sơ cấp được thu thập thông việc phỏng vấn trực tiếp các nông hộ trồng lúa hữu cơ và vô cơ. Trong đó, các nông hộ trồng lúa hữu cơ đều thuộc Hợp tác xã Sản xuất dịch vụ nông nghiệp Tấn Đạt (HTX SXDVNN Tấn Đạt).

Đối tượng phỏng vấn của bài nghiên cứu là các nông hộ sản xuất lúa hữu cơ và sản xuất lúa vô cơ ở huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long. Với cỡ mẫu là 130 hộ sản xuất, được khảo sát thông qua bảng hỏi bán cấu trúc. Trong đó, nhóm nghiên cứu điều tra trực tiếp tất cả các nông hộ trồng lúa hữu cơ (số lượng: 65) và các nông hộ trồng lúa vô cơ trên địa bàn Tỉnh Vĩnh Long (số lượng: 65). Đề tài sử dụng phương pháp chọn mẫu thuận tiện.

2.2. Phương pháp phân tích dữ liệu

Theo Trần Võ Hùng Sơn và cộng sự (2003), phân tích lợi ích chi phí (Cost benefit Azalyze - CBA) được sử dụng để phân tích hiệu quả sản xuất lúa bao gồm các chi phí và doanh thu từ việc trồng lúa này như: chi phí làm đất, chi phí giống, chi phí phân bón, chi phí thu hoạch, chi phí vận chuyển, chi phí thuê lao động. Bên cạnh đó, các chỉ số tính toán hiệu quả kinh doanh trong nông nghiệp, bao gồm:

(1) Thu nhập của mô hình được tính bằng cách lấy tổng doanh thu trừ cho chi phí tiền mặt tính trên một ha đất sản xuất trong 1 năm.

Tổng doanh thu/ha/năm = Năng suất * Đơn giá

(2) Chi phí tiền mặt = chi phí giống + chi phí làm đất + chi phí phân + chi phí thuốc + chi phí lao động thuê + chi phí khác

(3) Tổng chi phí = chi phí tiền mặt + chi phí lao động gia đình

(4) Thu nhập/ha/năm = Tổng doanh thu - Chi phí chi phí tiền mặt

(5) Lợi nhuận = Tổng doanh thu - tổng chi phí = thu nhập - chi phí lao động gia đình.

(6) Tỷ suất lợi nhuận có ý nghĩa là một đồng chi phí sản xuất bỏ ra thu được bao nhiêu đồng lợi nhuận tương ứng. Cách tính Tỷ suất lợi nhuận = Lợi nhuận/Tổng chi phí sản xuất.

(7) Lợi nhuận trên chi phí tiền mặt cho biết một đồng chi phí tiền mặt sẽ tạo ra bao nhiêu đồng lợi nhuận. Công thức tính: Lợi nhuận trên cho phí tiền mặt = lợi nhuận/chi phí tiền mặt.

3. Kết quả nghiên cứu và thảo luận

3.1. Một số thông tin cơ bản về sản xuất lúa hữu cơ giai đoạn 2018-2020

Về mùa vụ gieo trồng: Nông hộ sản xuất 2 vụ lúa/năm, chỉ làm vụ đông xuân và vụ hè thu; sau khi thu hoạch vụ đông xuân đất được nghỉ ngơi được hơn 1 tháng nhằm hạn chế đất bị vắt kiệt dinh dưỡng do đất hoạt động liên tục.

Về diện tích gieo trồng: diện tích đất gieo trồng của nông hộ là 62 ha, trong đó diện tích đất mỗi hộ từ 2-3 ha (chiếm 29,23%), còn lại là diện tích đất từ 0,5-1 ha chiếm 70,77%.

Về năng suất: năng suất của mỗi vụ qua 3 năm 2018-2020 khoảng từ 5,5-6 tấn/ha, do nông hộ trồng theo một quy trình sản xuất nên sản lượng mỗi vụ đều ổn định.

Trình độ của các hộ điều tra: Nhìn chung trình độ của chủ hộ còn rất thấp có 9,24% nông hộ đạt trình độ cấp 3, còn lại 15,38% đạt trình độ là cấp 2 và 75,38% đạt trình độ cấp 1. Qua đó cho thấy được phần lớn các hộ chỉ học tới cấp 1, cấp 2.

Cơ cấu thu nhập của nông hộ: Trong 65 hộ được điều tra có 55 hộ trồng lúa là sản xuất chính (chiếm 84,62% tổng số hộ), còn lại 10 hộ là có thêm thu nhập khác từ chăn nuôi, ngành nghề khác,...

Lý do trồng lúa hữu cơ: Đa số các hộ cho rằng sản xuất lúa hữu cơ có lợi nhuận hơn sản xuất cây khác là do sản phẩm dễ bán và đất nơi đây rất thích hợp cho việc trồng lúa hữu cơ. Bên cạnh đó, việc tiếp cận thông tin thị trường về đầu ra và giá cả sản phẩm cũng dễ dàng thực hiện.

Công tác giống: Các loại giống lúa được các nông hộ gieo trồng là ST24, ST25, Jasmine, tím thảo dược. Các hộ sản xuất sẽ trồng các giống lúa hữu cơ theo hợp đồng đã ký kết với đối tác thu mua lúa.

Phân bón hữu cơ: Các loại phân bón hữu cơ nông hộ được cung cấp từ các đối tác ký kết hợp đồng thu mua lúa. Phân bón hữu cơ được các đối tác mua từ các công ty đại diện của các công ty chuyên cung cấp phân bón hữu cơ ở nước ngoài tại Việt Nam (các công ty đại diện được đặt ở TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội) và phân bón hữu cơ được sử dụng theo quy trình lúa hữu cơ của những nước mà đối tác sẽ xuất khẩu qua đó (như Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản).

3.2. Kết quả phân tích và thảo luận

3.2.1. So sánh chi phí sản xuất của mô hình lúa hữu cơ và mô hình lúa vô cơ

Bảng 1 thể hiện kết quả so sánh chi phí sản xuất của mô hình trồng lúa hữu cơ và lúa vô cơ. Nhìn chung, chi phí sản xuất lúa hữu cơ cao hơn so với trồng lúa vô cơ.

Bảng 1. So sánh chi phí sản xuất của mô hình lúa hữu cơ và lúa vô cơ

ĐVT: Đồng/ha

Nội dung

Lúa hữu cơ

Lúa vô cơ

Mức chênh lệch giữa 2 mô hình

2019

2020

2019

2020

2019

2020

Lao động

4.399.200

4.599.000

4.300.200

5.000.400

99.000

- 401.400

Phân bón và Thuốc

15.300.000

15.500.000

8.500.000

9.000.000

6.800.000

6.500.000

Giống

1.600.000

1.600.000

1.500.000

1.500.000

100.000

100.000

Thu hoạch

2.400.000

2.400.000

2.400.000

2.400.000

0

0

Chi phí khác (làm đất)

1.500.000

1.500.000

1.500.000

1.500.000

0

0

Tổng chi phí

25.199.200

25.599.200

18.200.200

19.400.400

6.999.000

6.198.600

Nguồn: HTX SXDVNN Tấn Đạt và các hộ trồng lúa vô cơ, 2021

Năm 2019, tổng chi phí sản xuất lúa hữu cơ cao hơn vô cơ là 6.999.000 đồng/ha. Việc trồng lúa hữu cơ tốn nhiều chi phí hơn chủ yếu là do tăng chi phí trong việc sử dụng phân bón và thuốc. Cụ thể, HTX sử dụng các loại phân bón hữu cơ và thuốc vi sinh có giá thành cao hơn nhiều so với các loại phân thuốc hóa học, dẫn đến chi phí này cao hơn so với mô hình vô cơ (năm 2019). Trong khi đó, chi phí cho giống lúa trồng theo mô hình hữu cơ chỉ cao hơn giống trồng theo mô hình vô cơ 100.000 đồng/ha và chi phí lao động cao hơn 99.000 đồng/ha.

Sang năm 2020, tổng chi phí sản xuất lúa hữu cơ vẫn cao hơn vô cơ là 6.198.600 đồng/ha, tuy nhiên sự chênh lệch này đã thấp hơn năm 2019 với 2 nguyên nhân sau:

- Thứ nhất, chi phí phân bón của HTX trồng lúa hữu cơ năm 2020 tăng nhưng tăng ít hơn mức tăng của sản xuất lúa vô cơ, lúa hữu cơ tăng 200.000 đồng còn lúa vô cơ tăng 500.000 đồng. Điều này làm cho sự chênh lệch chi phí phân bón và thuốc giữa 2 mô hình trong năm 2020 giảm còn 6.198.600 đồng/ha (thay vì là 6.999.000 đồng/ha như năm 2019).

- Thứ hai, tiền công cho lao động năm 2020 của cả 2 mô hình đều gia tăng nhưng do mô hình lúa vô cơ sản xuất không theo quy trình nhất định, thực hiện phun xịt thuốc trên lúa thực hiện thường xuyên hơn mô hình lúa hữu cơ, do đó làm tốc độ tăng trong mô hình lúa vô cơ nhanh hơn mô hình lúa hữu cơ. Điều này làm cho số tiền công trồng lúa hữu cơ năm 2020 thấp hơn trồng lúa vô cơ 401.400 đồng/ha.

Bảng 2. So sánh hiệu quả sản xuất của mô hình lúa hữu cơ và lúa vô cơ

ĐVT: Đồng/ha

Nội dung

Lúa hữu cơ

Lúa vô cơ

Chênh lệch

2019

2020

2019

2020

2019

2020

1. Doanh thu (đồng/ha)

55.000.000

61.200.000

39.000.000

44.000.000

16.000.000

17.200.000

- Năng suất (kg/ha)

5.500

6.000

7.500

8.000

- 2.000

- 2.000

- Giá bán (đồng/kg)

10.000

10.200

5.200

5.500

4.800

4.700

2. Tổng chi phí (đồng/ha)

25.199.200

25.599.000

18.200.200

19.400.400

6.999.000

6.198.600

Lao động gia đình(đồng/ha)

659.880

689.850

645.030

750.060

14.850

-60.210

Chi phí tiền mặt

24.539.320

24.909.150

18.200.200

18.650.340

6.339.120

6.258.810

3. Lợi nhuận (đồng/ha)

29.800.800

35.601.000

20.799.800

24.599.600

9.001.000

11.001.400

4. Lợi nhuận/tổng chi phí

1,18

1,39

1,14

1,27

0,04

0,12

5. Lợi nhuận/chi phí tiền mặt

1,21

1,43

1,14

1,32

0,07

0,11

Nguồn: HTX SXDV NN Tấn Đạt và các hộ trồng lúa vô cơ năm 2021

Để thấy rõ hiệu quả của mô hình, nghiên cứu tiến hành đánh giá suất sinh lời trên tổng chi phí và chi phí tiền mặt:

- Lợi nhuận trên tổng chi phí của cả hai mô hình đều lớn hơn 1, cho thấy cả hai mô hình đều hiệu quả. Trong đó, mô hình trồng lúa hữu cơ có suất sinh lời cao hơn bởi lợi nhuận/tổng chi phí năm 2019 đạt 1,18 và tăng trong năm 2020 (đạt 1,39). Điều này có nghĩa là năm 2020, 1 đồng chi phí sản xuất nông hộ bỏ ra sẽ thu về 1,39 đồng lợi nhuận - đây là điều đáng mừng cho nông hộ bởi hiệu quả mô hình trồng lúa hữu cơ khá tốt.

- Xét riêng về chỉ tiêu lợi nhuận/chi phí tiền mặt cũng khá cao ở hai mô hình. trong đó suất sinh lợi trong mô hình hữu có cao hơn 0,07 (năm 2019) và cao hơn 0,11 (năm 2020) so với mô hình trồng lúa vô cơ. Nói riêng mô hình trồng lúa hữu cơ, lợi nhuận chi phí tiền mặt năm 2020 đạt 1,43 cho thấy 1 đồng chi phí tiền mặt của nông hộ bỏ ra thu về 1,43 đồng lợi nhuận.

Những phân tích trên cho thấy, mô hình sản xuất lúa hữu cơ hiệu quả hơn nhiều so với lúa vô cơ thể hiện ở giá bán, doanh thu, lợi nhuận và các suất sinh lời đều cao. (Bảng 2)

4. Một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất lúa hữu cơ trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long

Nhà nước cần ban hành các chính sách cụ thể, khả thi để hỗ trợ nông nghiệp hữu cơ phát triển. Các chính sách nên tập trung vào:

- Qui hoạch, bảo vệ đất đai và nguồn nước hiện chưa hoặc ít bị ô nhiễm, vẫn còn thích hợp cho sản xuất nông nghiệp hữu cơ.

- Hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn sản xuất, chế biến, chứng nhận chất lượng, thanh tra, giám sát liên quan đến nông nghiệp hữu cơ (NNHC).

- Sản xuất NNHC cũng cần các yếu tố đầu vào đảm bảo. Phần lớn các loại phân bón hữu cơ đều mua hoặc nhập khẩu, làm tăng cao chi phí sản xuất cho người dân. Do đó, những doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh liên quan đến phân bón hữu cơ, sinh học, vi sinh vật, chế phẩm bảo vệ thực vật sinh học cũng cần được quan tâm hỗ trợ trong sản xuất. Nhà nước cần hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng cho chế biến phân bón hữu cơ, phân sinh học, vi sinh vật tại chỗ để giảm chi phí vận chuyển. Ngoài ra, cần có sự liên kết giữa doanh nghiệp sản xuất NNHC với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật liên quan.

- Về thương hiệu: Giúp đỡ nông dân, HTX, doanh nghiệp xây dựng thương hiệu, phát triển thị trường và quảng bá sản phẩm.

- Nhà nước, Phòng Nông nghiệp Tỉnh nên kết hợp với các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học để đưa ra một quy trình sản xuất lúa hữu cơ thống nhất để các HTX, các nông hộ có thể dựa vào đó để thực hiện sản xuất lúa hữa cơ. Qua đó, có thể đồng bộ về chất lượng và năng suất của lúa.

Về kỹ thuật sản xuất, nông hộ cần phải kiểm soát và tuân thủ sản xuất theo kỹ thuật tiên tiến an toàn thực phẩm (có chứng nhận USDA, EU, JAS) và nên thống nhất trong quy trình sản xuất để có thể đảm bảo chất lượng và năng suất lúa. Thúc đẩy việc chuyển đổi các giống lúa có chất lượng cao như ST24, ST25, Jesmine, Hương Châu, Đài Thơm trong công tác sản xuất; vì các giống lúa này hiện nay được thị trường trong nước và nước ngoài ưa chuộng, giá lúa trên thị trường cũng cao hơn các loại giống lúa khác, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân.

Về tổ chức lại sản xuất, hợp tác xã tiếp tục củng cố và mở rộng vùng chuyên canh lúa đặc sản, tiếp tục cải tạo đất, chuyển những diện tích sản xuất lúa vô cơ sang sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, với sản lượng lớn đảm bảo nhu cầu xuất khẩu. Khuyến khích nông dân nên chuyển sang sản xuất 2 vụ/năm để hạn chế sự cạn kiệt chất dinh dưỡng của đất và hạn chế sự phát sinh của các bệnh trên lúa, góp nâng cao năng suất và chất lượng cho lúa. Liên kết sản xuất, thành lập các hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ lúa đủ mạnh để góp phần bình ổn giá. bảo vệ quyền lợi cho các nông dân.

Về thị trường, Nhà nước nên có biện pháp bảo vệ các thương hiệu lúa hữu cơ đã đăng ký và đã có thị phần trên thương trường lúa. Xây dựng chiến lược nâng cao chất lượng sản phẩm kết hợp với chiến lược về thị trường trong và ngoài nước cho lúa hữu cơ tỉnh Vĩnh Long. Tăng cường kêu gọi các doanh nghiệp xây dựng các nhà máy chế biến, xuất khẩu lúa hữu cơ và lúa theo hướng hữu cơ tại các khu công nghiệp ở tỉnh Vĩnh Long. Có biện pháp bảo vệ các thương hiệu lúa hữu cơ đã đăng ký và có thị phần trên thương trường lúa. Hạn chế các trường hợp sản xuất hàng hóa không đúng theo các tiêu chuẩn đã đăng ký cho thương hiệu.

5. Kết luận

Trong những năm gần đây, tỉnh Vĩnh Long khẳng định rằng cây lúa vẫn là cây chủ lực và sẽ tăng diện tích và sản lượng đầu ra - điều này được đề cập trong Đề án cơ cấu lại ngành Nông nghiệp của tỉnh. Theo đó, Tỉnh cần ưu tiên phát triển lúa hữu cơ nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường và bảo vệ môi trường sinh thái. Qua phân tích về thực trạng tình hình sản xuất lúa hữu cơ cho thấy, đa số nông hộ tuy có trình độ học vấn không cao nhưng có nhiều kinh nghiệm trong việc trồng lúa; đồng thời diện tích sản xuất trung bình của mỗi hộ vẫn còn thấp. Việc tiếp cận thông tin thị trường của người sản xuất cũng khá dễ dàng, nguyên nhân chính để các hộ chuyển qua sản xuất lúa hữu cơ là do lợi nhuận cao, chủ yếu giá bán ổn định và cao hơn lúa vô cơ. Giá bán lúa hữu cơ ổn định do ký hợp đồng mua bán ngay trước khi bắt đầu mùa vụ. Bên cạnh đó, lợi nhuận thực tế sau mỗi vụ lúa hữu cơ là khá cao, suất sinh lời trên tổng chi phí và tổng chi phí tiền mặt đều lớn hơn 1 cho thấy mô hình này đạt hiệu quả. Ngoài ra, việc so sánh các chỉ tiêu doanh thu, chi phí, lợi nhuận và suất sinh lợi với mô hình trồng lúa vô cơ càng chứng minh được tính hiệu quả trong sản xuất hữu cơ. Tuy nhiên, việc sản xuất lúa hữu cơ tại tỉnh hiện nay cũng gặp nhiều khó khăn cần phải có biện pháp khắc phục và sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương để có thể tiếp tục phát triển và mở rộng sản xuất trong tương lai.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

Tài liệu tiếng Việt

  1. Lê Quý Kha, Nguyễn Công Thành và Nguyễn Văn Hùng (2016). Báo cáo phân tích xu hướng công nghệ - Xu hướng sản xuất nông nghiệp hứu cơ có chứng nhận trong chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ: Lúa, điều, tiêu, bưởi da xanh và tôm. Sở Khoa học và Công nghệ TP. Hồ Chí Minh.
  2. Lê Quý Kha, Nguyễn Công Thành và Nguyễn Văn Hùng (2017). Mô hình liên kết bốn nhà sản xuất lúa gạo hữu cơ đạt chứng nhận quốc tế tại Trà Vinh. Tạp chí Khoa học Công nghệ Nông nghiệp Việt Nam, 1(74), 96-101.
  3. Trần Võ Hùng Sơn, Lê Ngọc Uyển, Trần Nguyễn Minh Ái, Phạm Khánh Nam, Phùng Thanh Bình và Trương Đăng Thụy (2003). Nhập môn Phân tích lợi ích - chi phí. NXB Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.

Tài liệu tiếng Anh

  1. Brown, E. O., Rosario, B. d. & Aganon, C. P. (n.d.). The role of market intermediaries in promoting organic rice production. Rome, Italy: Food and Agriculture Organization of the United Nations.
  2. Dalmiyatun, T., Prastiwi, W.D., Setiyawan H. (2018). Strategic development of organic rice farm business at Susukan district of Semarang. Agricultural Socio-Economics Journal, 18(2), 61-69.
  3. Mohamad, S. S., Rusdi, S. D. & Hashim, N. H. (2014). Organic Food Consumption among Urban Consumers: Preliminary Results. Social and Behavioral Sciences, 130, 509 - 514. doi: 10.1016/j.sbspro.2014.04.059.

 Solutions to improve the effectiveness of organic rice production model in Vinh Long Province

Master. Nguyen Vu Tram Anh 1

Master. Vo Thanh Truc 1

Master. Dang Thi Thuy An 1

1 Faculty of Management, University of Economics Ho Chi Minh City – Vinh Long Campus

ABSTRACT:

This study analyzed the current situation and the efficiency of organic rice production in Vinh Long Province over the period from 2018 to 2020. In this study, the secondary data and primary data which is collected from a survey of 130 organic and non-organic rice farmers were processed by using descriptive statistical and cost-benefit analysis methods. The study’s results show that the revenue, profitability and yield of organic rice farmers tend to increase over time. The study also finds out that in comparison with the non-organic rice production model, the organic rice production model has outstanding performance. However, the production of organic rice in Vinh Long Province faces many difficulties in terms of capital, consumption market, production techniques, etc. Based on these results, the study proposes some governance implications to improve the efficiency of organic rice production in Vinh Long Province in the coming time. 

Keywords: organic rice, organic certification, production efficiency, Vinh Long Province.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 23, tháng 10 năm 2021]