TÓM TẮT:

Mức độ tác động nặng nề của dịch Covid-19 lên doanh nghiệp và khó khăn của dòng tiền đã ảnh hưởng trực tiếp đến sự sống còn của doanh nghiệp Việt Nam đặc biệt là trong lĩnh vực ngành nghề xây dựng. Các doanh nghiệp xây dựng vốn chưa kịp hồi phục sau hậu khủng hoảng kinh tế năm 2018 thêm ảnh hưởng của dịch Covid-19 và thị trường bất động sản trong nước có những thăng trầm nhất định đã ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng sinh lời của các doanh nghiệp xây dựng. Bài viết phân tích thực trạng ảnh hưởng của những nhân tố kinh tế đến khả năng sinh lời của các doanh nghiệp niêm yết ngành xây dựng, một ngành kinh doanh đặc thù và có lượng vốn hoá không nhỏ trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Từ khoá: doanh nghiệp xây dựng, khả năng sinh lời, tỷ suất thanh khoản, vốn lưu động, thị trường chứng khoán.

1. Bối cảnh nghiên cứu

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2021 ngành Xây dựng cả nước tăng trưởng 6,76%. Mức tăng trưởng 6,76% là mức tăng thấp nhất trong giai đoạn phát triển từ năm 2016 - 2020. Tuy nhiên, tính trong chu kỳ 10 năm, mức 6,76% vẫn còn cao hơn tăng trưởng ngành những năm khó khăn từ giai đoạn 2011 - 2013. Năm 2020, số doanh nghiệp thành lập mới của ngành Xây dựng đạt 17.080 doanh nghiệp, tăng 0,4%; doanh nghiệp quay trở lại hoạt động là 6.545 doanh nghiệp. Đồng thời, ngành Xây dựng diễn ra sự thanh lọc mạnh mẽ, thể hiện ở số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong ngắn hạn và số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong năm 2020 gần tương đương. Cụ thể, năm 2021, ngành Xây dựng có 6.412 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn và 6.545 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động. Điểm nhấn đặc biệt là tỷ lệ đóng góp của ngành Xây dựng vào GDP cả nước năm 2021 ở mức cao bậc nhất 6,19% GDP, chỉ thấp hơn năm 2011 (6,41%GDP). Hơn nữa, trong bối cảnh nền kinh tế chịu tác động mạnh của dịch Covid, các đợt giãn cách xã hội, thị trường bất động sản chỉ tăng 0,31%,... ngành Xây dựng vẫn duy trì được tăng trưởng liên tục cả năm 2021.

Đặc tính nổi bật của ngành Xây dựng là nhạy cảm với chu kỳ kinh doanh của nền kinh tế vĩ mô. Khi nền kinh tế tăng trưởng, doanh số và lợi nhuận của ngành sẽ tăng cao do nhu cầu xây dựng được mở rộng. Ngược lại, tình hình sẽ tồi tệ khi nền kinh tế suy thoái, các công trình xây dựng sẽ bị trì trệ vì người dân không còn bỏ nhiều tiền ra để xây dựng nhà cửa, chính phủ không mở rộng đầu tư vào các công trình cơ sở hạ tầng như cầu cống, sân bay, bến cảng, trường học, bệnh viện,... Điều này làm cho doanh số, lợi nhuận của ngành Xây dựng bị sụt giảm nhanh chóng.

2. Tổng quan nghiên cứu

Trên thế giới đã có rất nhiều nghiên cứu xem xét sự tác động của các nhân tố đến khả năng sinh lời của doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp trong ngành xây dựng nói riêng. Sivathaasan và các cộng sự (2013) đã tiến hành nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến khả năng sinh lời của tất cả các công ty sản xuất niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Colombia, Sri Lanka từ năm 2008 đến năm 2012. Các biến độc lập (các nhân tố ảnh hưởng) được sử dụng để nghiên cứu là cấu trúc vốn, cấu trúc tài sản, quy mô công ty và tốc độ tăng trưởng, các biến phụ thuộc đại diện cho khả năng sinh lời của doanh nghiệp là hai tỉ số ROA và ROE. Kết quả là các biến độc lập giải thích được 76.6% và 84.7% cho mức độ ảnh hưởng của các nhân tố đến sự tăng trưởng ROA và ROE của doanh nghiệp. Trong đó, chỉ có cấu trúc vốn có tác động tích cực đến khả năng sinh lời của các công ty, còn các biến cấu trúc tài sản, quy mô công ty và tốc độ tăng trưởng lại không có ảnh hưởng gì đến ROA và ROE.

Điều tra mối quan hệ giữa quản lý vốn lưu động và lợi nhuận, Tu và Nguyen (2014) đã sử dụng mô hình hồi quy phân tích dữ liệu bảng của 208 doanh nghiệp niêm yết trên cả hai Sở giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE) và Hà Nội (HNX) trong giai đoạn từ năm 2006 đến năm 2012. Các biến được đưa vào mô hình bao gồm kỳ thu tiền trung bình, số ngày một vòng quay hàng tồn kho, chu kỳ chuyển đổi tiền mặt, tỷ lệ nợ, tỷ lệ nợ tài chính và tỷ số khả năng thanh toán nợ ngắn hạn; đại diện cho khả năng sinh lời là tỷ lệ lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trên tổng tài sản không tính tài sản tài chính. Dong và Su (2010) đã nghiên cứu sự tác động của việc quản lý vốn lưu động đến khả năng sinh lời của các doanh nghiệp niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán của Việt Nam từ năm 2006 đến năm 2008 với các biến ảnh hưởng là tổng tài sản cố định trên tổng tài sản, chu kỳ chuyển đổi tiền mặt, kỳ thu tiền trung bình và vòng quay hàng tồn kho. Các nhà nghiên cứu nhận thấy chu kỳ chuyển đổi tiền mặt có tác động đáng kể đến khả năng sinh lời của doanh nghiệp. Các nhà nghiên cứu cũng đề nghị giảm kỳ thu tiền trung bình, vòng quay hàng tồn kho sẽ cải thiện tính thanh khoản của các công ty và do đó làm tăng khả năng sinh lời.

3. Phương pháp và kết quả nghiên cứu

Dữ liệu sử dụng trong nghiên cứu là dữ liệu dạng bảng được thu thập từ các báo cáo tài chính đã được kiểm toán trong 10 năm từ năm 2011 đến năm 2021 của 135 doanh nghiệp ngành Xây dựng niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam (1.350 quan sát), với phương pháp ước lượng FEM và REM, với các biến phụ thuộc, biến độc lập và biến kiểm soát được định nghĩa như sau: Biến phụ thuộc: ROAi,t tính lợi nhuận sau thuế trong năm t trên giá trị vốn chủ sở hữu của DN i đầu năm t. Biến độc lập: Sizei,t  quy mô công ty được tính theo Logarit của giá trị tổng tài sản; DERi,t tỷ lệ nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu; LIQ i,t tính thanh khoản; ARC i,t kỳ thu tiền trung bình; ICC i,t số ngày một vòng quay hàng tồn kho;  PS i,t tỷ lệ tài sản cố định trên tổng tài sản; Gr i,t Tốc độ tăng trưởng doanh thu. Biến giám sát: GDP i,t tốc độ tăng trưởng GDP. Để kiểm tra tác động của các nhân tố này đến khả năng sinh lời của các doanh nghiệp, bài nghiên cứu sử dụng 2 mô hình hồi quy sau:

1-mo-hinh-hoi-quy Qua thống kê mô tả tác giả nhận thấy tỷ lệ chi trả cổ tức trung bình của các công ty xây dựng niêm yết trong 10 năm từ 2011 đến 2021 là 3,2%. Tỷ suất này nhìn chung là thấp đối với các doanh nghiệp xây dựng trong giai đoạn này do thị trường bất động sản trong năm 2012 đến hết năm 2014 gần như đóng băng, thị trường chỉ mới bắt đầu phục hồi vào khoảng đầu năm 2016 lại gặp khủng hoảng năm 2018 và dịch Covid-19. Đồng thời, sự biến động của ROA cũng khá lớn cho thấy có những doanh nghiệp kinh doanh lãi rất cao nhưng ngược lại cũng có những doanh nghiệp khả năng sinh lời rất thấp. Tương tự như vậy, trong điều kiện nền kinh tế tăng trưởng, thị trường bất động sản sôi động thì khả năng sinh lời của các doanh nghiệp ngành Xây dựng cũng rất cao, nhưng ngược lại chỉ số này cũng rất thấp trong giai đoạn thị trường kém sôi động, gần như đóng băng.

Bảng 1. Kết quả mô hình ROA theo OLS giản đơn

ket-qua-mo-hinh-roa-theo-ols-gian-on Nguồn: Số liệu tác giả tổng hợp

Bảng 2. Kết quả mô hình ROA theo FEM và REM

ket-qua-mo-hinh-roa-theo-fem-va-remNguồn: Số liệu tác giả tổng hợp

Mô hình cho thấy sign. F bằng 0.000 nhỏ hơn 0.05 các biến độc lập có tác động đến biến phụ thuộc ROA với r2 = 36.4%. Mô hình cho thấy kết quả là có 5 biến độc lập bao gồm quy mô doanh nghiệp, tốc độ tăng trưởng doanh thu, tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu, tỷ số khả năng thanh toán nhanh, kỳ thu tiền trung bình có ảnh hưởng đến khả năng sinh lời của doanh nghiệp do prob đều nhỏ hơn 0.05.

Như vậy, mô hình FEM cho kết quả Sign. F là 0.000 nhỏ hơn 0.05 có nghĩa là các biến độc lập có tác động đến biến phụ thuộc, R2 của mô hình này là 59,78% còn mô hình REM cho kết quả là sign. F = 0 và R2 = 45.76%.  Chạy kiểm định Hausman có prob 0.0002, nhỏ hơn 0.05, thì mô hình FEM phù hợp hơn. Thông qua nghiên cứu cho thấy ảnh hưởng của các nhân tố quy mô doanh nghiệp, tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu, khả năng thanh toán nhanh, kỳ thu tiền trung bình, số ngày một vòng quay hàng tồn kho, tỷ lệ tài sản cố định trên tổng tài sản, tốc độ tăng trưởng doanh thu và tốc độ tăng trưởng GDP đến khả năng sinh lời của các doanh nghiệp ngành Xây dựng niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội từ năm 2011 đến năm 2021. Trong tương quan với các nghiên cứu cả trong và ngoài nước trước đây, nghiên cứu này cũng góp phần giải thích rõ hơn về khả năng sinh lời của doanh nghiệp xây dựng cũng như những nhân tố ảnh hưởng đến khả năng sinh lời của doanh nghiệp. Khả năng sinh lời của doanh nghiệp mà biến đại diện được xem xét là ROA và ROE, tuy nhiên mô hình ROA cho mức ý nghĩa cao hơn nên các kết luận của nghiên cứu sẽ dựa vào mô hình ROA. Theo kết quả nghiên cứu thực nghiệm, có 5 trong 8 biến độc lập đưa vào nghiên cứu có ảnh hưởng tới ROA, biến quy mô doanh nghiệp có tác động cùng chiều tới ROA với mức ý nghĩa 1%, kết luận phù hợp với kết quả nghiên cứu của Punnose (2008), Yazdanfar (2013) và Vijayakumar (2011). Khả năng thanh toán nhanh cũng có tác động cùng chiều đến ROA với mức ý nghĩa 1%, kết quả này giống với nghiên cứu của Zaid và các cộng sự (2012). Nhân tố tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu, tốc độ tăng trưởng doanh thu và số ngày một vòng quay hàng tồn kho lại cho thấy tác động ngược chiều với mức ý nghĩa lần lượt là 1%, 1% và 10%. Các kết luận này cũng được kiểm chứng bằng các nghiên cứu đi trước của Zaid và các cộng sự (2012), Punnose (2008), Yazdanfar (2013) về tốc độ tăng trưởng doanh thu, Owolabi và các cộng sự (2012), Tu và Nguyen (2014) về số ngày 1 vòng quay hàng tồn kho, Do và Xin (2012) về tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu. Kết quả từ nghiên cứu có thể giúp các doanh nghiệp ngành Xây dựng lý giải các nguyên nhân ảnh hưởng đến khả năng sinh lời của doanh nghiệp, từ đó giúp các nhà quản trị doanh nghiệp trong việc lựa chọn phương án sản xuất kinh doanh cho phù hợp nhằm làm tăng khả năng sinh lời của các doanh nghiệp trong ngành. Đồng thời, từ kết quả này cũng là cơ sở để các nhà đầu tư cân nhắc, lựa chọn những doanh nghiệp có khả năng sinh lời cao và bền vững, cũng như cân nhắc những rủi ro khi đầu từ vào các doanh nghiệp xây dựng.

4. Kết luận và kiến nghị

Từ kết quả nghiên cứu mô hình cũng như tình hình hoạt động sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp ngành Xây dựng cho thấy, để nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh, các doanh nghiệp cần phải xây dựng cấu trúc vốn hợp lý, mở rộng doanh thu, đầu tư có hiệu quả tài sản cố định, quản lý tốt công nợ. Do đó, tác giả đề xuất một số ý kiến nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp.

Xây dựng cơ cấu vốn hợp lý, sử dụng vốn hiệu quả. Doanh nghiệp phải giải quyết tốt các công việc như thu hồi nợ từ các đơn vị khác, giải phóng hàng tồn kho không dự kiến,... Việc tăng tốc độ luân chuyển vốn lưu động có tác dụng làm giảm nhu cầu về vốn, do đó doanh nghiệp không bị áp lực phải đi vay để đầu tư cho các hoạt động cũng như để trả các khoản nợ như nợ nhà cung cấp,… Theo kết quả nghiên cứu cho thấy tăng trưởng tài sản sẽ nâng cao hiệu quả kinh doanh, song tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu lại có tác động ngược chiều, điều này cho thấy việc tăng trưởng đạt khi nguồn tăng là từ lợi nhuận và vốn góp chủ sở hữu. Vì vậy, doanh nghiệp nên tập trung kênh huy động vốn từ phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, cho đội ngũ lao động trong doanh nghiệp, cho các đối tác chiến lược hoặc phát hành rộng rãi trên thị trường chứng khoán. Đây là hình thức huy động vốn khá hiệu quả vừa huy động được vốn với số lượng lớn mà giá vốn lại cố định trong suốt thời gian dài. Từ đó, doanh nghiệp có thể lập kế hoạch sản xuất kinh doanh dài hơi, không lo chi phí vốn biến đổi theo thị trường như vay ngân hàng.

Đầu tư và mở rộng doanh thu. Doanh nghiệp cần tái cấu trúc lại sản xuất, kịp thời nắm bắt và nghiên cứu thị trường, bảo đảm giữ vững và nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng. Để cải thiện năng lực cạnh tranh, mở rộng thị phần, các doanh nghiệp có thể lựa chọn các dự án thuộc phân khúc tiềm năng dựa theo xu hướng thị trường hoặc thế mạnh kỹ thuật. Ví dụ, từ năm 2013 đến nay, lượng vốn FDI giải ngân vào lĩnh vực xây dựng và bất động sản vẫn giữ ở mức cao, giúp cho phân khúc xây dựng nhà xưởng có nhiều thuận lợi, cơ cấu doanh thu đang dần dịch chuyển từ xây dựng dân cư sang phân khúc xây dựng công nghiệp, văn phòng, trung tâm thƣơng mại. Nhu cầu nhà ở tăng trưởng từ quá trình đô thị hóa. Theo Quy hoạch Phát triển đô thị quốc gia trong giai đoạn từ năm 2012 đến năm 2020, diện tích nhà ở bình quân tại khu vực đô thị năm 2015 sẽ đạt khoảng 26 m2/người, năm 2020 là khoảng 29 m2/người. Tổng diện tích sàn nhà ở xây mới năm 2013 đạt khoảng 79 triệu m2; trong đó, tại khu đô thị khoảng 36,5 triệu m2, tại nông thôn khoảng 42,5 triệu m2; nhà ở xã hội khoảng 1 triệu m2 (tương đương với khoảng 20.000 căn hộ). Đây chính là tiềm năng để các nhà thầu tập trung khai thác.

Quản trị các khoản nợ phải thu. Xây dựng hệ thống kiểm soát nợ có tính chuyên nghiệp. Áp dụng các kỹ thuật phân tích và kiểm soát nợ. Nên áp dụng kỹ thuật phân loại khách hàng và xếp hạng tín dụng, theo đó mỗi khách hàng sẽ được xếp hạng theo mức độ rủi ro dựa trên tiêu chí như chỉ số khả năng thanh toán hiện hành, chỉ số thanh toán nhanh, hệ số nợ,… Để xếp hạng tín dụng, ta sử dụng phương trình: Z= a1x1 + a2x2 +… + anxn để cho điểm khách hàng. Trong đó, Z là điểm số tín dụng của khách hàng. a1,… an là các hệ số cho các biến độc lập khác nhau x1,… xn là biến số độc lập có thể là các chỉ số tài chính quan trọng về khả năng tín dụng như chỉ số khả năng thanh toán hiện hành, chỉ số thanh toán nhanh, tỷ lệ nợ.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Owolabi, S. A., Obida, S. S. (2012). Liquidity management and corporate profitability: Case study of selected manufacturing companies listed on the Nigerian stock exchange. Business Management Dynamics, 2(2), 10-25.
  2. Punnose, E. M. (2008). A profitability analysis of business group firms vs. individual firms in the Indian electrical machine manufacturing industry. Icfai Journal of Management Research, 7(1), 52-76.
  3. Ramasamy, B., Ong, D., Yeung, M. C. (2005). Firm size, ownership and performance in the Malaysian palm oil industry. Asian Academy of Management Journal of Accounting and Finance, 1(1), 81-104.
  4. Sivathaasan, N., Tharanika, R., Sinthuja, M., Hanitha, V. (2013). Factors determining profitability: a study of selected manufacturing companies listed on Colombo Stock Exchange in Sri Lanka. European Journal of Business and Management, 5 (27), 99-108.
  5. Tu, T. T., Nguyen, U. T (2014). Relationship between working capital management and profitability - empirical evidence from Vietnamese listed firms. The Vietnam economic meeting. 
  6. Vijayakumar, A. (2011). Management of Corporate Liquidity and Profitability: An Emperical Study. International Journal of Marketing and Technology, 1(6), 168-169.
  7. Yazdanfar, D. (2013). Profitability determinants among micro firms: evidence from Swedish data. International Journal of Managerial Finance, 9(2), 151-160.
  8. Bùi Nguyễn Anh Tuấn (2011). Phân tích kinh tế về tác động cạnh tranh của vụ việc tập trung kinh tế (M&A). Truy cập tại: http://inter.vcca.gov.vn/NewsDetail.aspx?ID=1288&CateID=371.
  9. Zulfiqar, Z., Din, N.U. (2015). Inflation, interest rate and firms’ performance: the evidence from textile industryof Pakistan. International Journal of Arts and Commerce, 4(2).

 

SOLUTIONS TO IMPROVE THE PROFITABILITY OF

VIETNAMESE LISTED CONSTRUCTION COMPANIES

PhD. TO MINH HUONG - Master. TRUONG THI HUONG

Thuyloi University

ABSTRACT:

The severe impacts of Covid-19 pandemic and the the difficulty of cash flow have directly affected the survival of Vietnamese businesses, especially companies in the construction industry which have not yet recovered from the post-economic crisis in 2018. In addition, the fluctuations of the domestic real estate market have significantly affected the profitability of companies in the construction industry. This study analyzes the actual impacts of economic factors on the profitability of Vietnamese listed companies in the construction industry. The  construction industry accounts a large capitalization proportion of Vietnamese stock market with specific business characteristics.

Keywords: construction enterprise, profitability, liquidity ratio, working capital, stock market.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 16, tháng 6 năm 2022]