TÓM TẮT:

Dệt - may là ngành có tốc độ tăng trưởng mạnh, giá trị xuất khẩu lớn thứ hai trong tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Tuy nhiên, ngành Dệt may hiện đang đứng trước nguy cơ chịu tác động lớn của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0), đặc biệt là nguồn nhân lực. Bài viết chỉ ra những thách thức mà ngành Dệt may đã và đang phải đối mặt, đồng thời đưa ra các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu phát triển của Ngành.

Từ khóa: Lao động, dệt may, chất lượng, công nghiệp 4.0.

1. Đặt vấn đề

Dệt may đang là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu đứng thứ hai cả nước. Năm 2019, giá trị xuất khẩu của ngành đóng góp tới 16% tổng GDP. Trong 5 năm qua, ngành Dệt may liên tục tăng trưởng với tốc độ bình quân 17% hàng năm.

Ngành Dệt may Việt Nam nằm trong tốp 3 nước xuất khẩu cao nhất thế giới, chỉ sau Trung Quốc và Ấn Độ. Mỗi năm ngành Dệt may tạo ra khoảng 2,3 triệu việc làm. Mặc dù có nguồn nhân lực trẻ, dồi dào nhân lực ngành vẫn còn hạn chế cả về số lượng và chất lượng. Đây là thách thức rất lớn khi ngành Dệt may Việt Nam đang trong xu thế vươn lên để cạnh tranh bằng năng suất, chất lượng, cũng như có thể đáp ứng yêu cầu của CMCN 4.0.

2. Thực trạng nguồn nhân lực dệt may

Hiện nay, tại các nước phát triển việc ứng dụng những thành tựu của công nghiệp 4.0 vào quá trình sản xuất - kinh doanh sản phẩm dệt may đã được thực hiện một cách phổ biến về đổi mới sản phẩm, đổi mới quy trình sản xuất, đổi mới công tác quản lý và đổi mới marketing. Tại Việt Nam, việc ứng dụng CMCN 4.0 vào ngành Dệt may được triển khai khá chậm. Bên cạnh những nguyên nhân về vốn, công nghệ… thì nguyên nhân chủ yếu là thiếu hụt nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ ứng dụng công nghiệp 4.0.

Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách của Bộ Công Thương, thời gian qua tuy trình độ công nghệ trong lĩnh vực may đã có nhiều thay đổi, tuy nhiên vẫn còn ở mức thấp và chậm so với các nước khác trong khu vực và thế giới. Cụ thể, hiện tỷ lệ sử dụng thiết bị công nghệ có trình độ cao, đặc biệt là sử dụng phần mềm trong thiết kế sản phẩm, quản lý sản xuất chỉ chiếm khoảng 20%, 70% thiết bị có công nghệ trung bình, 10% là công nghệ thấp.

Do việc ứng dụng công nghiệp 4.0 vào ngành Dệt may khá chậm nên nhu cầu nhân lực cho công nghiệp 4.0 tại doanh nghiệp dệt may không lớn nên các cơ sở đào tạo cũng không chú trọng đào tạo nhân lực cho công nghiệp 4.0. Chính vì vậy mà nguồn nhân lực dệt may có thể tiếp cận với công nghiệp 4.0, đặc biệt là nhân lực trình độ đại học và cao đẳng vừa thiếu lại vừa yếu. Hiện nay, trình độ công nghệ dệt may ở Việt Nam chỉ ở mức trung bình nên trình độ lao động dệt may thấp, lao động phổ thông chiếm đến 76%, sơ cấp, trung cấp chuyên nghiệp chiếm 17,3%; cao đẳng, đại học và trên đại học chiếm 6,8%. Như vậy, chỉ có 25% lao động qua đào tạo và vẫn còn khoảng 76% lao động trong lĩnh vực dệt may chưa qua đào tạo hoặc chỉ được đào tạo dưới 3 tháng. Đây là thách thức rất lớn khi ngành Dệt may đang trong xu thế vươn lên để cạnh tranh bằng năng suất, chất lượng, thời trang hóa ngành Dệt may, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa và tiếp cận với công nghiệp 4.0.

Theo dự báo của Hiệp hội Dệt May Việt Nam, trong thập niên tới, khả năng máy móc thay thế con người sẽ cao trong công đoạn sản xuất xơ, sợi hóa học (40-50%); các công đoạn sản xuất xơ, sợi tự nhiên, các công đoạn dệt, đặc biệt vải không dệt và khâu nhuộm, hoàn tất khả năng thay thế khá cao (30-40%). Công đoạn may, nhìn chung khả năng thay thế ở mức độ trung bình thấp (<30%) do có tính thời trang cao, nhu cầu phong phú, đa dạng về kiểu dáng, màu sắc, thị hiếu vùng miền. Sản xuất phụ liệu may cũng có nguy cơ “bị thay thế” khá cao (30-40%),…

Trong bối cảnh đó, nguồn nhân lực chất lượng cao sẽ giúp doanh nghiệp khai thác được các khâu có giá trị gia tăng cao trong chuỗi giá trị toàn cầu của ngành Dệt may như khâu thiết kế thời trang, cung ứng nguyên phụ liệu, xuất khẩu và marketing. Qua đó, nâng cao năng lực cạnh tranh, năng suất lao động tính bằng giá trị của các doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, nguồn nhân lực chất lượng cao còn giúp các doanh nghiệp có thể ứng dụng công nghệ 4.0 vào quá trình sản xuất nhằm tự động hóa, số hóa quá trình sản xuất của ngành Dệt may, qua đó nâng cao nhanh NSLĐ và chất lượng sản phẩm của các doanh nghiệp dệt may. Đồng thời, giúp doanh nghiệp có thể ứng dụng nhanh chóng các mô hình quản trị hiện đại, như: Mô hình sản xuất tinh gọn (LEAN), quản trị đúng lúc (Just In Time) vào quá trình sản xuất, giúp nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả của toàn bộ quá trình sản xuất.

3. Giải pháp nguồn nhân lực cho ngành Dệt may

Cách mạng công nghiệp 4.0 đã và sẽ làm thay đổi cơ bản khái niệm đổi mới công nghệ, trang thiết bị trong các dây chuyền sản xuất. Từ đó, năng suất lao động, chất lượng sản phẩm sẽ được cải thiện, thu nhập của người lao động theo đó cũng tăng cao hơn.

Theo Tổ chức Lao động quốc tế - ILO, 85% lao động trong ngành Dệt may của Việt Nam sẽ bị máy móc công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 thay thế. Lao động ít kỹ năng sẽ được thay thế nhằm đáp ứng yêu cầu về đổi mới công nghệ, thiết bị. Để có thể tồn tại và cạnh tranh được với các đối thủ trước cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, ngành Dệt may Việt Nam trước tiên buộc phải đổi mới công nghệ, tăng năng suất lao động. Đặc biệt là phải đổi mới nguồn nhân lực, để tiếp cận công nghệ hàng đầu của thế giới, nhằm tăng năng suất.

Để có thể tiếp cận với công nghiệp 4.0, nguồn nhân lực dệt may cần được đào tạo một cách có hệ thống ở trình độ đại học và cao đẳng, đặc biệt là cán bộ quản lý và cán bộ kỹ thuật.

Việc ứng dụng công nghiệp 4.0 vào ngành Dệt may là tất yếu, đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay khi mà chu kỳ thay đổi công nghệ trong lĩnh vực dệt may ngày càng có xu hướng giảm, chỉ còn khoảng 15 năm đối với công nghệ sản xuất sợi, dệt, nhuộm và còn 3-5 năm đối với công nghệ sản xuất sản phẩm may mặc. Trước thực trạng đó, để đáp ứng nhu cầu nhân lực dệt may cho công nghiệp 4.0, công tác đào tạo nguồn nhân lực cần phải được thực hiện một cách có hệ thống tại tất cả các trường có đào tạo đại học và cao đẳng cho ngành dệt may,

Thứ nhất, bên cạnh các giải pháp về đầu tư, thị trường, áp dụng khoa học công nghệ các doanh nghiệp cần thực hiện những giải pháp về đào tạo phát triển nguồn nhân lực, mới giải quyết những khâu yếu, bất cập của ngành. Cụ thể, xây dựng nền tảng thiết kế 3D để đáp ứng được diễn biến nhanh của thị trường; Xây dựng - đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng, tầm nhìn thời trang, ngoại ngữ để cập nhật xu thế thời trang thế giới. Do đó, cần chỉnh sửa chương trình đào tạo theo hướng cập nhật với công nghệ 4.0 trong cả lĩnh vực kỹ thuật công nghệ và lĩnh vực quản lý, maketting. Mở thêm các chuyên ngành đào tạo theo hướng liên ngành để tiếp cận với công nghệ 4.0 như: kỹ thuật cơ điện tử trong thiết bị dệt may, tin học ứngdụng trong lĩnh vực dệt may, thương mại điện tử, thiết kế thời trang bằng công nghệ 3D.

Thứ hai, đào tạo đội ngũ giảng viên theo hướng nghiên cứu, cập nhật với công nghệ 4.0, đặc biệt là trong lĩnh vực dệt may, quản lý,... Đồng thời, đầu tư thiết bị đàotạo theo hướng cập nhật với công nghệ 4.0 như thiết bị tự động, robot công nghiệp. Tổ chức cho sinh viên đi thực tập ở nước ngoài nhằm tiếp cận với môi trường làm việc có công nghệ tự động hóa, kết nối thực - ảo cao theo công nghệ 4.0.

Thứ ba, tổ chức hoạt động nghiên cứu khoa học trong trường theo hướng đánh giá tác động của công nghiệp 4.0 đến lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực, từ đó đề xuất giải pháp để đào tạo được nguồn nhân lực làm việc trong thời kỳ công nghiệp 4.0.

Thứ tư, cần nghiên cứu nhu cầu nhân lực dựa vào dự báo phát triển của ngành để duy trì quy mô đào tạo nguồn nhân lực, nhằm đảm bảo đủ nhân lực phục vụ cho chiến lược áp dụng công nghiệp 4.0 vào ngành Dệt may.

Bên cạnh các giải pháp đào tạo nguồn nhân lực dệt may cho công nghiệp 4.0, các cơ sở đào tạo cũng như các doanh nghiệp dệt may cần chú trọng thực hiện cả các giải pháp về đào tạo nguồn nhân lực cho phương thức sản xuất ODM và OBM. Đây là hai phương thức chủ yếu sản xuất hàng thời trang, rất khó có thể tự động hóa và vẫn giữ được lợi thế tương đối của Việt Nam về sự khéo léo của người lao động cũng như giảm thiểu được yêu cầu phải sử dụng nguồn vốn quá lớn để đầu tư cho công nghiệp 4.0, đặc biệt là các doanh nghiệp dệt may có quy mô vừa và nhỏ.

4. Kết luận

Trong bối cảnh hội nhập, các doanh nghiệp dệt may có nhiều cơ hội tiến sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Tuy nhiên, để tăng năng suất lao động, bên cạnh việc quy hoạch tổng thể đối với ngành Dệt may, doanh nghiệp cần tìm hiểu kỹ về cách mạng công nghiệp 4.0, đồng thời triển khai nhiều giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để có thể từng bước hiện đại hóa các khâu đã lựa chọn; Nâng cao trình độ cán bộ quản lý kỹ thuật, công nghệ, xây dựng thương hiệu, áp dụng công nghệ in 3D trong thiết kế thời trang đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của khách hàng,...

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Bộ Công Thương (2018), Báo cáo phát triển ngành Dệt may năm 2018, Hà Nội.
  2. Chu Thị Bích Ngọc (2018). Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam trong cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0, truy cập tại http://tapchitaichinh.vn/nghien-cuu--trao-doi/trao-doi-binh-luan/nang-cao-chat-luong-nguon-nhan-luc-viet-nam-trong-cuoc-cach-mang-cong-nghiep-40-147363.html
  3. Bộ Công Thương (2020), “Báo cáo xuất khẩu Việt Nam 2019”, NXB Công Thương, Hà Nội.

SOLUTIONS TO IMPROVE THE QUALITY

OF HUMAN RESOURCES FOR VIETNAM’S TEXTILE

AND GARMENT INDUSTRY IN THE LIGHT OF INDUSTRY 4.0

• NGUYEN THI TUYET 

• PHAM THI THU HA 

Library and Information Center, Hanoi University of Industry

ABSTRACT:

In Vietnam, the textile and garment industry experiences a strong growth rate and the industry has the second largest export turnover. However, the industry is facing risks and challenges, especially risks related to human resources, in the light of Industry 4.0. This paper points out challenges facing Vietnam’s textile and garment industry and proposes solutions to improve the qualitty of human resources for the textile and garment industry.

Keywords: Labours, textile, quality, Industry 4.0.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 27, tháng 11 năm 2020]