TÓM TẮT:  

Mục tiêu phát triển nông nghiệp đòi hỏi người lao động không chỉ có kiến thức về kỹ thuật đơn thuần mà cần nhiều hơn nữa những kiến thức về công nghệ mới, về an toàn vệ sinh thực phẩm, về hợp tác quản lý và về kinh tế thị trường. Trong khi đội ngũ lao động trong lĩnh vực kinh doanh nông nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra. Trong số những lao động trực tiếp làm nông nghiệp, có rất ít người được qua trường lớp đào tạo, dù chỉ là những lớp kỹ thuật cơ bản về trồng trọt. Sự thiếu hụt nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn sâu dẫn đến thiếu ý tưởng và chưa đủ khả năng thực hiện việc tổ chức xây dựng cũng như quản lý phát triển bền vững và đây được xem là vấn đề cần quan tâm giải quyết đối với ngành Nông nghiệp. Bài viết phân tích thực trạng và đề xuất một số giải pháp phát triển nguồn nhân lực cho ngành Kinh doanh nông nghiệp.

Từ khóa: nguồn nhân lực, ngành kinh doanh nông nghiệp, GDP, đào tạo.

1. Thực trạng nhu cầu nguồn nhân lực ngành kinh doanh nông nghiệp

Từ ngàn xưa đến nay, Nông nghiệp luôn là ngành sản xuất có vị trí quan trọng trong nền kinh tế nước ta. Mặc dù đóng góp của nông nghiệp vào cơ cấu GDP đang có xu hướng giảm dần (năm 2020 còn chiếm khoảng 14,85% GDP), nhưng khu vực này hiện còn thu hút tới 34,5% lực lượng lao động xã hội. Đặc biệt, trong lĩnh vực xuất khẩu, dù chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, nhưng năm 2020, xuất khẩu nông sản của Việt Nam vẫn đạt 41,25 tỷ USD, duy trì 9 nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, trong đó 5 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 3 tỷ USD (như gỗ và sản phẩm gỗ, tôm, rau quả, hạt điều, gạo). Công tác đổi mới tổ chức liên kết chuỗi sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp được tiếp tục phát triển, đảm bảo phù hợp với thị trường, hình thành vùng sản xuất hàng hóa lớn; đã hình thành và phát triển nhiều mô hình liên kết giữa người sản xuất với doanh nghiệp, HTX theo chuỗi giá trị. Cả nước hiện có 68 liên hiệp HTX nông nghiệp, 17.300 HTX nông nghiệp, trong đó có 1.718 HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (chiếm 10%). Đặc biệt, cả nước hiện mới có 13.280 doanh nghiệp nông nghiệp, chiếm tỷ lệ khiêm tốn trong tổng số doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam. Ngoài ra, doanh nghiệp FDI trong nông nghiệp cũng không nhiều và chưa thu hút được doanh nghiệp đến từ các quốc gia có nền nông nghiệp tiên tiến như Mỹ, EU, Úc,… Hiện tại, Việt Nam đang đẩy mạnh thực thi các chính sách ưu tiên, ưu đãi, nhằm thu hút doanh nghiệp về nông thôn.

Theo Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến năm 2025, nhu cầu nhân lực của ngành cần 10 nghìn cán bộ quản lý nông nghiệp, 80 nghìn cán bộ HTX nông nghiệp, 100 nghìn nông dân có trình độ đào tạo, 60 nghìn người làm dịch vụ kỹ thuật, sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp. Không chỉ có nhu cầu lớn, mà yêu cầu về kỹ năng của nhân lực kinh doanh nông nghiệp cũng đòi hỏi đặc biệt. Ngoài các yêu cầu về kỹ năng kinh doanh như đối với doanh nghiệp thông thường, doanh nghiệp trong lĩnh vực kinh doanh nông nghiệp đòi hỏi các kỹ năng về lĩnh vực sản xuất nông nghiệp cũng như kinh doanh hàng nông sản.

Bên cạnh đó, chất lượng nguồn nhân lực phục vụ công tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp cần nâng cao hơn nữa. Hiện nay, cả nước có khoảng 8.000 người làm công tác nghiên cứu khoa học tại các viện, trường trong cả nước, nhưng vẫn thiếu cán bộ lãnh đạo giỏi, cán bộ nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu chuyên sâu. Đa phần nguồn nhân lực cho chuyển giao công nghệ nông nghiệp không được đào tạo bài bản, không được cập nhật kiến thức mới thường xuyên. Không những thế, lực lượng nghiên cứu viên cao cấp đang bị già hóa, thế hệ kế cận chưa kịp phát triển, số người bỏ việc ra làm doanh nghiệp tăng do nhận được chế độ đãi ngộ tốt hơn. Cán bộ khuyến nông cấp cơ sở (cấp xã) và bán chuyên trách (cấp thôn, bản) có chế độ đãi ngộ thấp, chưa yên tâm công tác.

2. Đề xuất một số giải pháp phát triển nguồn nhân lực ngành Kinh doanh nông nghiệp

Một là, đổi mới và nâng cao nhận thức về vai trò của phát triển nhân lực đối với phát triển bền vững Ngành và đất nước.

- Làm cho mọi người thấy rõ vai trò và trách nhiệm đào tạo và sử dụng nhân lực, biến thách thức về nhân lực (số lượng đông, tay nghề thấp, chưa có tác phong công nghiệp,...) thành lợi thế (chủ yếu qua đào tạo), là nhiệm vụ của toàn Ngành và toàn xã hội, mang tính xã hội (của các cấp lãnh đạo, của nhà trường, của doanh nghiệp và của gia đình cũng như bản thân mỗi người lao động trong Ngành). Đây chính là thể hiện quan điểm phát triển con người, phát triển kinh tế - xã hội vì con người và do con người, là một trong những nội dung cơ bản của phát triển bền vững.

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, góp phần giúp cho mọi người hiểu rõ về các chính sách phát triển nhân lực: Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về nhân lực, việc làm, giáo dục, đào tạo, dạy nghề cho lao động nông thôn,…; vận động các doanh nghiệp tích cực tham gia đào tạo nhân lực nông nghiệp và phát triển nông thôn để sử dụng với chất lượng ngày càng cao.

Hai là, đổi mới quản lý nhà nước về phát triển nhân lực.

- Hoàn thiện và nâng cao năng lực, hiệu lực và hiệu quả hoạt động của bộ máy quản lý về phát triển nhân lực của Ngành.

- Có bộ phận chịu trách nhiệm theo dõi, thu thập thông tin về cung - cầu nhân lực nông nghiệp trên địa bàn cả nước, góp phần cân đối cung - cầu nhân lực để phát triển kinh tế - xã hội.

- Cải tiến và tăng cường sự phối hợp với các cấp, các ngành, các địa phương, các cơ sở đào tạo và các chủ thể tham gia phát triển nhân lực.

- Thực hiện chính sách của Nhà nước và có các chính sách, cơ chế riêng phù hợp để phát triển nhân lực nông nghiệp, trong đó, bao gồm các nội dung về môi trường làm việc, cơ chế thị trường, chính sách việc làm, thu nhập và các điều kiện sinh sống,… đồng thời có chính sách ưu tiên đối với bộ phận nhân lực chất lượng cao, nhân tài.

- Đổi mới cơ chế tổ chức sử dụng cán bộ từ Trung ương đến địa phương nhằm tạo cơ hội tuyển dụng cán bộ một cách công bằng, minh bạch và chi phí thấp cho tất cả các đối tượng, đặc biệt là những người xuất thân từ khu vực nông thôn để họ có cơ hội được tham gia bộ máy quản lý, hoạt động sự nghiệp, cơ quan đoàn thể,... của Nhà nước ở tất cả các cấp.

- Thực hiện đầy đủ các chính sách ưu tiên của Nhà nước đối với cán bộ nhà nước làm việc tại khu vực nông thôn, tạo điều kiện ăn ở ổn định cho cán bộ.

- Mở rộng thị trường lao động kỹ thuật ở nông thôn thông qua các chính sách đối với cán bộ làm dịch vụ kỹ thuật ở nông thôn như: miễn thuế kinh doanh, cho vay vốn, ưu đãi cho thuê đất,...; đối với cán bộ làm công tác kỹ thuật cho hợp tác xã, trang trại,... được hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến nông tại địa phương; đối với những ngành sản xuất có điều kiện thì gắn cán bộ khuyến nông với hoạt động cụ thể của các cơ sở (trả lương, đánh giá cán bộ và các quyền lợi khác,... cho cán bộ); đối với các doanh nghiệp tư nhân trong lĩnh vực nông nghiệp tại địa bàn nông thôn sử dụng cán bộ kỹ thuật được tính khấu trừ thuế thu nhập doanh nghiệp và được tham gia sử dụng kinh phí của hoạt động khuyến nông.

- Khuyến khích các tổ chức, cá nhân thành lập các cơ quan nghiên cứu, đào tạo, cung cấp dịch vụ kỹ thuật ngoài công lập (trường đại học, viện nghiên cứu, trung tâm tư vấn,...) bằng cách áp dụng các chính sách ưu đãi đặc biệt, như: giảm hoặc miễn thuế, cho thuê đất ưu đãi, cho vay vốn xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ đào tạo, hỗ trợ kỹ thuật,... nhằm thu hút sử dụng được nhiều cán bộ khoa học kỹ thuật và quản lý.

- Hoàn thiện, đổi mới hệ thống tổ chức sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ trong toàn Ngành; thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các cơ sở nhằm phát triển sản xuất, tăng thu nhập cho người lao động, tạo động lực thu hút nhân lực, nhân tài cho Ngành.

Ba là, đổi mới đào tạo và dạy nghề theo hướng hiện đại, phù hợp với thực tiễn đáp ứng nhu cầu phát triển của Ngành, đất nước và hội nhập quốc tế. Trước hết, cần đổi mới quản lý nhà nước về đào tạo và dạy nghề theo hướng: Khuyến khích các cơ sở đào tạo thực hiện đào tạo đa cấp, đa ngành, đa lĩnh vực trên cơ sở lấy đào tạo các ngành nghề nông nghiệp và phát triển nông thôn làm trọng tâm, trọng điểm nhằm đáp ứng yêu cầu đa dạng hóa nguồn nhân lực cho Ngành và nhu cầu học tập của nhân dân; Thực hiện quy hoạch mạng lưới các trường đại học, học viện, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và các trường dạy nghề trong toàn Ngành, đảm bảo phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các lĩnh vực kinh tế của Ngành, các vùng, các địa phương; đề nghị Nhà nước ưu tiên tập trung đầu tư thành lập, nâng cấp các trường đại học, học viện, cao đẳng, dạy nghề nông nghiệp trên các địa bàn có nhu cầu nhân lực cao hoặc còn thiếu cơ sở đào tạo, như: các tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung, Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long, góp phần đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục đại học và đào tạo nguồn nhân lực, chuyển dịch cơ cấu kinh tế của các địa phương, các vùng và trong cả nước. Tiếp theo, cần thực hiện chính sách ưu tiên đối với người học, nhằm thu hút học sinh, sinh viên học các ngành, nghề nông nghiệp và phát triển nông thôn. Thực hiện có hiệu quả các chính sách ưu tiên hiện có của Nhà nước đối với học sinh, sinh viên. Thời gian tới, cần nghiên cứu để đề nghị Nhà nước ban hành các chính sách ưu tiên đối với học sinh, sinh viên ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn như sau:

- Hỗ trợ kinh phí cho học sinh, sinh viên từ các vùng nông thôn khó khăn tham gia các lớp học dự bị để có thể vượt qua các kỳ thi tuyển đảm bảo chất lượng tương đương với học sinh từ các vùng khác.

- Có chính sách về học phí, học bổng hợp lý cho học sinh, sinh viên nghèo ở những vùng khó khăn;

- Có chính sách ưu tiên về học phí, học bổng và ưu tiên trong tuyển sinh đối với học sinh, sinh viên học các ngành, nghề nông nghiệp mà xã hội có nhu cầu cao, nhưng thị trường lao động không thuận lợi, sức thu hút học sinh thấp, như: khai thác thủy hải sản, nuôi trồng thủy hải sản trên biển, quản lý tài nguyên rừng và môi trường, lâm sinh, sản xuất muối.

- Mở rộng quỹ cho vay tín dụng và nâng mức cho vay, kéo dài thời hạn cho vay đối với học sinh, sinh viên nông nghiệp và phát triển nông thôn có nhu cầu vay vốn.

- Nâng cao chất lượng giáo trình: thành lập Hội đồng xây dựng giáo trình cấp Bộ (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) nhằm xác định tiêu chí, tiêu chuẩn và nội dung định hướng của giáo trình các môn học chính. Các trường có trách nhiệm và được quyền chủ động xây dựng giáo trình đảm bảo sát với tiêu chuẩn quốc tế và phù hợp với thực tiễn; giáo viên giảng dạy chịu trách nhiệm xây dựng giáo trình cho môn học của mình dưới sự giám sát của Hội đồng này và cơ quan chủ quản.

- Ưu tiên hỗ trợ đầu tư phát triển các đơn vị đào tạo theo chương trình đào tạo suốt đời cho giáo viên và cán bộ ngành Nông nghiệp nông thôn trong các trường và học viện. Ngoài chương trình đào tạo cấp bằng trong các cơ sở đào tạo, xây dựng các chương trình đào tạo nâng cao thường xuyên cho giáo viên và học viên, chương trình này sẽ hợp tác thường xuyên với các doanh nghiệp, trang trại, khu công nghệ cao, viện nghiên cứu,... để cập nhật, tiếp thu các tiến bộ kỹ thuật và quản lý mới nhất, chuyển thành nội dung giảng dạy.

- Dành kinh phí thực hiện các nghiên cứu hàng năm để dự báo về thị trường đào tạo, cung cấp thông tin rộng rãi cho các cơ sở đào tạo. Nội dung gồm tình hình cung cầu các ngành học, xu thế phát triển của KHCN trong và ngoài nước để học viên vào cơ sở đào tạo có thể chủ động lựa chọn hướng đào tạo.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (2011), Quyết định số 2534/QĐ-BNN-TCCB ngày 26/10/2011 phê duyệt quy hoạch phát triển nhân lực ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn giai đoạn 2011 - 2020.
  2. Lưu Đức Khải (2015), Cải thiện môi trường đầu tư nhằm thu hút doanh nghiệp vào nông nghiệp, nông thôn. Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ.
  3. Hoàng Văn Phai, (2011), Đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở nước ta hiện nay: Vấn đề cần quan tâm, Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 3- 2011.
  4. Thủ tướng Chính phủ (2014), Quyết định số 198/QĐ-TTg, Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Solutions to develop human resources for the agribussiness sector

in Vietnam

Master. Nguyen Thi Hien

Faculty of Political Theory

University of Economics - Technology for Industries

ABSTRACT:

The goal of agricultural development requires labors not only have technical knowledge but also understand new technologies, food safety and hygiene, management cooperation and market economy. However, the current labor force in the agribusiness field of Vietnam has not met these above-mentioned requirements. Among those who work directly in the agricultural field, very few people have been trained, even basic farming techniques. The shortage of high-quality labors has hindered the sustainable development of Vietnam’s agricultural sector. This paper analyzes the current situation  and proposes some solutions to develop human resources for the agribussiness sector in Vietnam.

Keywords: human resources, agribusiness, GDP, training.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 24, tháng 10 năm 2021]