TÓM TẮT:

Vinamilk là một trong những doanh nghiệp chiếm thị phần sữa tương đối lớn tại thị trường nội địa. Thương hiệu Vinamilk được đánh giá là một trong những thương hiệu mạnh của ngành Sữa Việt Nam. Trong giai đoạn vừa qua, nhìn nhận và đánh giá những tác động do sức mạnh thương hiệu trong việc tiêu thụ sản phẩm và chiếm lĩnh thị trường Vinamilk đã có nhiều nỗ lực để khẳng định sức mạnh của mình. Tuy nhiên, cùng với những biến động của thị trường, áp lực cạnh tranh ngày càng lớn, thì việc tăng cường sức mạnh thương hiệu của doanh nghiệp càng cần thiết. Trong phạm vi bài viết này, tác giả muốn đưa ra một số giải pháp nhằm tăng cường hơn nữa sức mạnh thương hiệu của Vinamilk trong giai đoạn tới.

Từ khóa: Thương hiệu Vinamilk, sức mạnh, cạnh tranh, thị trường sữa, ngành Sữa.

1. Cơ sở lý luận về thương hiệu và sức mạnh thương hiệu

1.1. Khái niệm về thương hiệu

Theo định nghĩa của Hiệp hội Marketing Hoa Kỳ (American Marketing Association): “Thương hiệu là một tên, một từ ngữ, một dấu hiệu, một biểu tượng, một hình vẽ, hay tổng hợp tất cả các yếu tố kể trên nhằm xác định một sản phẩm hay một dịch vụ của một (hay một nhóm) người bán và phân biệt các sản phẩm (dịch vụ) đó với các đối thủ cạnh tranh”.

Theo Philip Kotler, một chuyên gia Marketing nổi tiếng thế giới: “Thương hiệu có thể được hiểu như là tên gọi, thuật ngữ, biểu tượng, hình vẽ hay sự phối hợp giữa chúng được dùng để xác nhận sản phẩm của người bán và để phân biệt với sản phẩm của đối thủ cạnh tranh”.

Điều 785 Bộ luật Dân sự của Việt Nam định nghĩa: “Nhãn hiệu hàng hóa là những dấu hiệu để phân biệt hàng hóa, dịch vụ cùng loại của các cơ sở sản xuất kinh doanh khác nhau. Nhãn hiệu hàng hóa có thể là từ ngữ, hình ảnh hoặc sự kết hợp các yếu tố đó được thể hiện bằng một hoặc nhiều màu sắc”.

Một thuật ngữ cũng cần được làm rõ để phân biệt với “thương hiệu” là “tên thương mại”. Ở Việt Nam, “tên thương mại” được bảo hộ theo Nghị định số 54/2000/NĐ-CP, điều 14 quy định là: “Tên gọi của tổ chức, cá nhân dùng trong hoạt động kinh doanh, đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau: a) là tập hợp các chữ cái có thể kèm theo chữ số, phát âm được; b) có khả năng phân biệt chủ thể kinh doanh mang tên gọi đó với các chủ thể kinh doanh khác trong cùng lĩnh vực kinh doanh”. Qua đó có thể thấy đó là cái tên được pháp luật bảo hộ đại diện cho một pháp nhân trong kinh doanh. Do đó, “thương hiệu”, “nhãn hiệu hàng hóa”, “tên thương mại” là những thuật ngữ không hoàn toàn đồng nhất, mặc dù chúng có quan hệ mật thiết với nhau, trong đó, thương hiệu có thể được nhận biết nhờ vào nhãn hiệu hàng hóa hoặc/và tên thương mại.

Trên cơ sở tập hợp và phân tích nhiều quan niệm khác nhau, thương hiệu có thể được hiểu một cách tương đối như sau:

Thương hiệu là một tập hợp các dấu hiệu để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các nhà cung cấp khác nhau, đồng thời nó chuyển tải các thông điệp đem lại thông tin, hình ảnh, cảm xúc một cách tức thời theo hướng tích cực cho khách hàng về một công ty, một sản phẩm, một dịch vụ.

Như vậy, thương hiệu của một ngân hàng thương mại được hiểu là một tập hợp các dấu hiệu để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các nhà cung cấp khác nhau; đồng thời nó chuyển tải các thông điệp đem lại thông tin, hình ảnh, cảm xúc một cách tức thời theo hướng tích cực cho khách hàng về ngân hàng và sản phẩm dịch vụ của ngân hàng.

1.2. Khái niệm về sức mạnh thương hiệu

Ngày nay, thương hiệu đang ngày càng trở nên một thành tố quan trọng trong văn hóa và trong nền kinh tế. Trải nghiệm về một thương hiệu là tổng hợp tất cả những gì người tiêu dùng cảm nhận được khi tiếp xúc với sản phẩm mang thương hiệu đó. Những thương hiệu có hiệu quả cao thường biết cách kết nối giữa cá tính của thương hiệu với người tiêu dùng. Vì thế, thương hiệu cần phải nhắm vào một nhóm người tiêu dùng nhất định. Đặc biệt, những thương hiệu có thể tồn tại lâu dài thường là những thương hiệu dễ nhớ, có thể duy trì qua nhiều xu hướng đổi thay và mang lại một ấn tượng tích cực.

Theo định nghĩa, sức mạnh thương hiệu được đo lường bởi 3 chỉ số: mức dùng thử (Trial); mức dùng thường xuyên (Regular); sự trung thành của người tiêu dùng đối với thương hiệu (Brand loyalty). Đối với quan điểm của nhà quản trị thương hiệu thì chỉ số trung thành là thước đo cao nhất thể hiện rõ quá trình xây dựng của một thương hiệu và đích đến là để so sánh sức mạnh của một thương hiệu này đối với thương hiệu khác trong cùng một ngành hàng.

1.3. Các nhân tố cấu thành sức mạnh của một thương hiệu

- Đo lường nhận biết: Sự nhận biết thương hiệu là số phần trăm của dân số hay thị trường mục tiêu biết đến sự hiện diện của một thương hiệu hay công ty. Nhận biết thương hiệu là giai đoạn đầu tiên trong tiến trình mua sắm của người tiêu dùng và là tiêu chí quan trọng để đo lường sức mạnh thương hiệu. Trong đó, chỉ số nhận biết thương hiệu gồm 3 cấp độ về cấp độ gồm:

+ Nhận biết đầu tiên không trợ giúp: Đây là chỉ số rất quan trọng, có ảnh hưởng trực tiếp việc bán sản phẩm. Chỉ số này có ý nghĩa là thương hiệu đầu tiên mà khách hàng nghĩ đến đầu tiên khi nhắc đến ngành hàng này.

+ Nhận biết tiếp theo cũng là những thương hiệu được người tiêu dùng nhớ đến nhưng không phải là thương hiệu đầu tiên. Với ví dụ trên, sau khi thương hiệu Heineken được nhắc đến, còn thương hiệu nào nữa không? Với những thương hiệu được liệt kê sau đó như Tiger, Sapporo là những thương hiệu thuộc chỉ số nhận biết tiếp theo. Chỉ số này mặc dù không được nhớ đến đầu tiên, nhưng cũng có mức độ ảnh hưởng lớn đến việc bán hàng.

+ Nhận biết có trợ giúp: Là chỉ số mà thương hiệu được người tiêu dùng nhớ được sau khi có trợ giúp.

- Đo lường mức độ phù hợp: Các nhận định liên quan đến thương hiệu mà người tiêu dùng đánh giá: mức hấp dẫn, khả năng đáp ứng đúng yêu cầu của người tiêu dùng thông quan đánh giá thang đo Likert với 5 thang điểm với 1 là “Hoàn toàn không đồng ý” tăng dần đến 5 là “Hoàn toàn đồng ý”. Dựa vào số mean, có thể cho thấy các nhận định đang được người tiêu dùng quan tâm khi nhắc đến ngành hàng thì thương hiệu nào cơ bản đã thu hút và đáp ứng đúng yêu cầu mà người tiêu dùng mong muốn có được.

- Đo lường mức độ mua dùng thử, dùng chính: Trong số những thương hiệu mà người tiêu dùng biết đến, thương hiệu nào mà người tiêu dùng từng dùng thử, những thương hiệu nào hiện đang dùng? Và thương hiệu nào sử dụng chính?

- Đo lường mức độ hài lòng: Trong số các thương hiệu người tiêu dùng đã từng sử dụng, thương hiệu nào được người tiêu dùng đánh giá hài lòng? Và một số lý do vì sao người tiêu dùng đánh giá hài lòng

- Đo lường mức độ lặp lại: Hiện thương hiệu nào người tiêu dùng đang dùng và dùng thường xuyên nhất? Lý do vì sao người dùng chọn thương hiệu đó là thương hiệu sử dụng thường xuyên nhất?

- Đo lường mức độ trung thành/gắn kết: Thương hiệu nào là thương hiệu có tỷ lệ trung thành cao đối với người tiêu dùng, bằng cách tính tỷ lệ chuyển đổi từ thương hiệu đã từng dùng chuyển sang là thương hiệu sử dụng thường xuyên nhất.

- Mức độ dùng thử (mức độ lôi cuốn): Tỷ lệ thương hiệu đã từng sử dụng/nhận biết có gợi ý.

- Mức độ trung thành: Tỷ lệ dùng thường xuyên nhất/đã từng dùng.

2. Đánh giá thực trạng sức mạnh thương hiệu của Vinamilk

Việc đo lường sức mạnh thương hiệu của sản phẩm sữa tươi Vinamilk được thực hiện từng giai đoạn chuyển tiếp từ mức độ nhận biết --> mức độ phù hợp --> mức độ dùng thử --> mức độ hài lòng --> mức độ lặp lại --> mức độ trung thành/gắn kết giữa thương hiệu Vinamilk và các thương hiệu khác. Kết quả cho thấy, “Vinamilk” được xem là thương hiệu mạnh với từng chỉ số luôn đứng ở vị trí cao nhất. Mức độ nhận biết đầu tiên chiếm tỷ lệ 60%, là thương hiệu được đánh giá có mức độ hài lòng cao nhất 69% dựa trên nhóm người đã từng dùng thử sản phẩm này. Vinamilk là thương hiệu duy nhất có 100% người được khảo sát trả lời đã từng dùng qua sản phẩm sữa tươi của thương hiệu này. Vậy có thể thấy thành công ở giai đoạn này của Vinamilk khi mà trong 100% người từng dùng thử trên có đến 69% đánh giá hài lòng và nhắc đến thương hiệu “Vinamilk” đầu tiên khi được hỏi “Nhắc đến các sản phẩm sữa tươi,anh/chị nghĩ thương hiệu nào đầu tiên?” chiếm 60%.

Tiếp bước theo thành công của ở mức độ hài lòng của người tiêu dùng dành cho thương hiệu này, 60% là tỷ lệ người được khảo sát cho biết “Vinamilk” hiện là thương hiệu họ đang sử dụng thường xuyên nhất. Với lý do người tiêu dùng cho biết vì sao họ chọn thương hiệu này uống thường xuyên nhất là do đây là “Nhãn hiệu uy tín”, “Dễ uống” và họ “Uống theo thói quen”.

Vinamilk đã khẳng định là một thương hiệu mạnh trong ngành hàng sữa tươi, khi mà tỷ lệ chuyển đổi từ là thương hiệu đã dùng thử sang là thương hiệu dùng thường xuyên nhất với tỷ lệ cao nhất là 60% cho thấy mức ổn định của thương hiệu này đang xây dựng. Vinamilk có thể không ngừng phát triển trong thời gian tới nếu như việc định vị thương hiệu của “Vinamilk” phù hợp với cảm nhận của người tiêu dùng. Chỉ số sức mạnh thương hiệu cho biết mức độ tin tưởng của người tiêu dùng đối với thương hiệu như thế nào. Từ kết quả nghiên cứu của các nhân tố cấu thành một thương hiệu mạnh, chỉ số ABS của Vinamilk là 76% cao hơn rất nhiều so với hai đối thủ chính còn lại là Cô gái Hà Lan và TH True Milk. Yếu tố chính giúp cho Vinamilk có chỉ số ABS cao đó là chỉ số “T” vì chỉ số này cho biết trong số những người biết sản phẩm, có bao nhiêu người chọn “Vinamilk” dùng thử. Ngoài việc cho thấy mức độ hấp dẫn của thương hiệu này đối với người tiêu dùng thì ý nghĩa con số này còn cho biết mức độ hiệu quả hoạt động của kênh phân phối. Kết quả là chỉ số sức mạnh thương hiệu Vinamilk hiện cao nhất trong tất thảy.

Để đánh giá hình ảnh của các thương hiệu trong cảm nhận của người tiêu dùng, sử dụng công cụ “Correspondence analysis” để xác định vị trí các thương hiệu trên một sơ đồ cảm nhận, từ đó có thể thấy vị trí tương đối giữa các thương hiệu trong cảm nhận của khách hàng mục tiêu. Đầu tiên, cần xác định đâu là yếu tố quan trọng khi người tiêu dùng lựa chọn mua sản phẩm sữa tươi. Kết quả cho thấy có 3 nhóm chính mà hiện người tiêu dùng đang quan tâm: “Giá” (Giá rẻ, Đáng giá đồng tiền) “Sản phẩm” (Chất lượng cao, Có nhiều chất bổ dưỡng) và “Cách trưng bày” (Trưng bày bắt mắt). Ngược lại, người tiêu dùng cho rằng “Giá mắc” và “Có nhiều chương trình khuyến mãi” là những yếu tố đối với họ mức quan trọng thấp nhất trong tất cả các yêu tố được hỏi. Kế đến, phân tích sơ đồ phân loại nhu cầu, sơ đồ mô tả quan điểm lựa chọn của người tiêu dùng đối với một thương hiệu sữa tươi - nó thể hiện sự tương quan của mức độ quan trọng và mức độ khác biệt giữa các nhân tố của một sản phẩm sữa tươi. Nhân tố tạo khác biệt then chốt đó là “Nhãn hiệu đáng tin cậy”, “Bao bì bảo quản tốt” và “Trưng bày bắt mắt”. Các nhân tố được đánh giá quan trọng như “Bao bì tiện lợi, “Đáng giá đồng tiền”, “Có nhiều chất bổ dưỡng”. Trong đó, hai nhân tố được xác định vừa là yếu tố quan trọng vừa là yếu tố tạo sự khác biệt đó là “Đáng giá đồng tiền” và “Trưng bày bắt mắt”. Tiếp tục phân tích sơ đồ cảm nhận của người tiêu dùng về hình ảnh của từng thương hiệu sữa tươi. Kết quả cho thấy, thương hiệu”Vinamilk” được người tiêu dùng cảm nhận là “Đáng tin cậy”, “Dễ tìm mua”, là thương hiệu “Người quen giới thiệu”, “Bao bì tiện lợi”. Và 4 thương hiệu “Vinamilk”, “Dutch Lady”, “TH True Milk” và “Lovein Farm” được người tiêu dùng cảm nhận ở bốn phân khúc khác biệt nhau. Mỗi thương hiệu giữ một thế mạnh riêng, cụ thể là “Vinamilk” là thương hiệu “Đáng tin cậy”, “Dutch Lady” là thương hiệu có “Các thành phần rõ ràng”, “TH True Milk” là thương hiệu “Đáng giá đồng tiền”, cuối cùng thương hiệu “Cá tính” dành cho thương hiệu Lovein Farm. So sánh với sơ đồ phân loại nhu cầu, “Vinamilk” hiện đang là thương hiệu đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng về yếu tố “Bao bì tiện lợi”. Riêng thương hiệu “TH True Milk” là thương hiệu duy nhất đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng khi “Đáng giá đồng tiền” và “Trưng bày bắt mắt” là hai nhân tố được đánh giá rất quan trọng và có tạo ra sự khác biệt.

Ngoài ra, cách nhìn nhận và đánh giá mức độ tương quan giữa hành vi và thái độ của người tiêu dùng có thể khác nhau. Bước đầu, tác giả sử dụng biến “Nhóm tuổi” và biến “Thu nhập” có mối liên hệ với biến “Mức độ thường xuyên uống sữa tươi” và giả thuyết này đã được tiến hành kiểm định Chi bình phương; với kết quả kiểm định cho thấy, có mối liên hệ giữa “Nhóm tuổi” với “Mức độ thường xuyên uống sữa tươi”. Kết quả nghiên cứu cho thấy, xu hướng mức độ thường xuyên uống sữa giảm dần theo từng nhóm tuổi. Trong khi đó, kết quả kiểm định giữa biến “Thu nhập” và biến “Mức độ thường xuyên uống sữa tươi” cho thấy không có mối liên hệ giữa hai biến này. Điều này cho thấy sữa tươi dần trở thành là mặt hàng thiết yếu khi mà thu nhập không gây ảnh hưởng đến tần suất sử dụng sản phẩm.

3. Một số giải pháp để tăng cường sức mạnh thương hiệu của Vinamilk

Để có thể tiếp tục phát huy những thế mạnh về thương hiệu, trong giai đoạn tới, Vinamilk cần nỗ lực phát huy hơn nữa và có thể thực hiện một số giải pháp sau.

- Về giá: Trong giai đoạn vừa qua, Vinamilk thực hiện chính sách hỗ trợ giá sữa. Đây là giải pháp mang lại hiệu quả trong ngắn hạn nhưng nếu xét về dài hạn, chính sách này sẽ ảnh hưởng đến tài chính của Vinamilk. Vì thế, Vinamilk cần rà soát lại để có thể đưa ra một mức giá phù hợp sao cho người tiêu dùng có thể cảm nhận sự tương ứng giữa chất lượng mang lại khi mà họ đã bỏ tiền ra để dùng mà bản thân Vinamilk vẫn được đảm bảo nguồn thu cho ngành hàng sữa tươi này. Nói cách khác, người tiêu dùng bên cạnh việc quan tâm đến giá cả, họ cũng yêu cầu chất lượng tương ứng theo giá của một sản phẩm khi quyết định mua để sử dụng.

- Về sản phẩm: Hiện Vinamilk đã thành công khi là thương hiệu được người tiêu dùng sử dụng thường xuyên nhất. Theo quan điểm người tiêu dùng, “Vinamilk” cần phải đưa ra các sản phẩm sữa tươi vừa đảm bảo về chất lượng vừa đáp ứng đầy đủ về các dưỡng chất cần phải có. Thực tế, với nhiều ý kiến trái chiều về chất lượng thực sự của các sản phẩm sữa tươi tại Việt Nam có thật là sữa tươi 100% như lời quảng cáo thì Vinamilk cần có thông điệp rõ ràng nhằm giải đáp mối nghi ngờ từ người tiêu dùng, tăng niềm tin vào thương hiệu “Vinamilk” vốn được người tiêu dùng đánh giá là thương hiệu “Đáng tin cậy”. Đầu tiên, một trong những nguyên nhân gây sức mua giảm trong ngành hàng sữa nói chung nhưng Vinamilk vẫn đạt được mức tăng trưởng, trong đó bao gồm mặt hàng sữa tươi, đó là vì Vinamilk đã thực hiện hàng loạt các chương trình kích thích tiêu dùng, tăng doanh thu như: cải tiến chất lượng sản phẩm, đẩy mạnh kênh phân phối ở các vùng sâu vùng xa.

- Về cách trưng bày: Hiện Dutch Lady được người tiêu dùng đánh giá là thương hiệu “Dễ tìm mua”. Trong khi đó trong ngành hàng sữa nước, Vinamilk hiện đang nắm thị phần là 48,7%. Do hiện nay Vinamilk có mạng lưới phân bổ rộng khắp thì yếu tố “Dễ tìm mua” có thể đáp ứng được yêu cầu của người tiêu dùng nhưng bản thân họ lại muốn được đáp ứng cao hơn đó là “Trưng bày bắt mắt”. Nếu Vinamilk thực hiện tốt điều này, có thể đây là yếu tố góp phần làm tăng mức tiêu thụ sản phẩm sữa tươi trong thời gian tới. Thực tế cho thấy, nghệ thuật “Trưng bày hàng hóa” là người bán hàng thầm lặng. Hiện TH True Milk đã thực hiện được yếu tố này. Vì việc trưng bày cần phải đảm bảo 2 yếu tố cơ bản sau: Vừa lôi cuốn người mua, vừa cung cấp đủ thông tin để đảm bảo việc mua hàng. Vậy, yếu tố bao bì có thể là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến quyết định mua hàng của người tiêu dùng. Xuất phát từ việc đánh giá bao bì, tấn số của yếu tố “Bao bì bắt mắt” Vinamilk không được đánh giá cao so với các thương hiệu còn lại. Vì thế, Vinamilk cần đầu tư cho việc thiết kế bao bì kết hợp thực hiện công tác “Trưng bày bắt mắt” sao cho có thể thu hút từ cái nhìn đầu tiên. Điều này giúp tạo thương hiệu sữa tươi Vinamilk về hình ảnh bao bì trong tâm trí người tiêu dùng ■

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Nguyễn Quốc Thịnh và Nguyễn Thành Trung (2012), Thương hiệu với nhà quản lý, NXB Lao động xã hội.

2. Đỗ Thị Thùy Trang (2012), Nghiên cứu mối quan hệ giữa lòng trung thành thương hiệu với các thành phần khác cấu thành giá trị thương hiệu sữa tươi Vinamilk. Luận văn thạc sĩ. Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh.

3. Hoàng Trọng, 2009, Đo lường sức khỏe thương hiệu. Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh.

4. Hồ Thị Thanh Huyền (2015), Quản trị quan hệ với các nhà phân phối của Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) tại thị trường Việt Nam, Luận văn Thạc sĩ kinh tế, Trường Đại học Thương mại.

SOLUTION FOR BRANDING VINAMILK

● MA. HO THI THANH HUYEN

University of Finance and Business Administration

ABSTRACT:

Vinamilk is one of the largest players in the domestic market. Vinamilk brand is considered one of the strong brands of Vietnam Dairy. In the past period, having assessed the impacts of brand strengths in product consumption and market dominance, Vinamilk has made great efforts in confirming its strength. However, along with the fluctuations of the market, the pressure of competition is increasing, the increasing the brand's strength is necessary. Within the scope of this article, the author wants to offer some solutions to further strengthen the brand of Vinamilk in the coming period.

Keywords: Vinamilk brand, strength, competitiveness, milk market, milk industry.

Xem tất cả ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 5 + 6 tháng 4/2018 tại đây