Giải pháp tăng cường hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp trong giáo dục đại học: Trường hợp nghiên cứu tại Trường Đại học Nguyễn Tất Thành

TS. TRẦN ÁI CẦM - ThS. ĐẶNG NHƯ THẢO (Trường Đại học Nguyễn Tất Thành)

TÓM TẮT:

Nghiên cứu dựa trên phương pháp định tính, cụ thể là phỏng vấn sâu 30 doanh nghiệp đang hợp tác với Trường Đại học Nguyễn Tất Thành và 10 lãnh đạo đang phụ trách quan hệ doanh nghiệp tại các khoa. Bài báo phân tích tình hình hợp tác với doanh nghiệp nhằm khám phá, nghiên cứu ý tưởng mới và phương pháp mới về giải pháp tăng cường hợp tác giữa trường và doanh nghiệp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội.

Từ khóa: hợp tác trường đại học, doanh nghiệp, định hướng ứng dụng, giáo dục đại học.

1. Đặt vấn đề

Việc hợp tác giữa các trường đại học và doanh nghiệp ngày nay đang được xem là một trong các giải pháp hữu hiệu được khuyến khích để nâng chất lượng đào tạo. Việc hợp tác đào tạo giữa trường đại học và doanh nghiệp nhằm mục tiêu rút ngắn giữa lý thuyết và thực tiễn, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, mang lại hiệu quả kinh tế cho cả xã hội, người học, nhà trường và doanh nghiệp; mặt khác, sẽ giúp sinh viên có sự định hướng và lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với bản thân ngay từ đầu, sớm được tiếp cận với thực tiễn môi trường làm việc trong tương lai. Mối liên kết này đang trở thành chiến lược tạo thế mạnh cạnh tranh trong phát triển chương trình đào tạo và tuyển sinh đại học, đảm bảo đáp ứng được nguồn nhân lực theo định hướng “ứng dụng”.

Nhiều nghiên cứu về sự hợp tác trường đại học và doanh nghiệp đã được ghi nhận ở châu Âu với nhiều hình thức hợp tác mới phát triển trong những thập kỉ gần đây. Cạnh tranh toàn cầu tăng và công nghệ thay đổi nhanh chóng cũng góp phần làm tăng sự liên kết giữa trường đại học với doanh nghiệp trong việc khám phá kiến thức và công nghiệp hóa.

Tại Việt Nam, Dự án Phát triển Giáo dục đại học định hướng nghề nghiệp - ứng dụng (Profession Oriented Higher Education - POHE) đã triển khai từ năm 2005, dưới sự quản lý và chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Luật Giáo dục đại học sửa đổi bổ sung có đề cập đến việc “đẩy mạnh hợp tác giữa cơ sở giáo dục đại học với doanh nghiệp”. Bên cạnh đó, khẳng định trong Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 Trung ương Đảng khóa XI, có nêu “các trường đại học phải thực hiện liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp, cơ sở sử dụng lao động, cơ sở đào tạo và Nhà nước để phát triển nguồn nhân lực theo nhu cầu xã hội (chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn năm 2011 - 2020)”.

Mặc khác, thông qua việc ban hành một số các nghị định, công văn đặc thù, cụ thể: Nghị định số 111/2017/NĐ-CP ngày 05/10/2017 về tổ chức đào tạo thực hành trong đào tạo khối ngành sức khỏe; Công văn số 5444/BGDĐT-GDĐH ngày 16/11/2017 về việc áp dụng cơ chế đặc thù đào tạo các ngành thuộc lĩnh vực Công nghệ thông tin trình độ đại học; Công văn số 4929/BGDĐT-GDĐH ngày 20/10/2017 về việc áp dụng cơ chế đặc thù đào tạo các ngành về Du lịch. Điều này cho thấy, các ban, ngành đặc biệt quan tâm đến việc hợp tác giữa các trường đại học và doanh nghiệp. Trường Đại học Nguyễn Tất Thành là một trong số các trường đào tạo theo hướng ứng dụng thực hành, Nhà trường đã triển khai nhiều dự án gắn kết với doanh nghiệp. Nghiên cứu này sẽ tìm hiểu, khai thác thực trạng, thực tế các hạng mục hợp tác, từ đó gợi ý một số giải pháp nhằm tăng cường hợp tác giữa Nhà trường và doanh nghiệp.

2. Thực trạng vấn đề hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp tại Trường Đại học Nguyễn Tất Thành

Dựa vào nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu thị trường từ khoa học đến doanh nghiệp (2011), nội dung phỏng vấn xoay quanh phương thức hợp tác đã được xác định: (1) Hợp tác trong nghiên cứu và phát triển; (2) Luân chuyển chuyên gia, giảng viên; (3) Luân chuyển của sinh viên; (4) Thương mại hóa các kết quả nghiên cứu và phát triển; (5) Phát triển và triển khai CTĐT; (6) Thúc đẩy học tập suốt đời; (7) Hỗ trợ tinh thần sáng nghiệp và các hoạt động khởi nghiệp; (8) Tham gia quản trị trường đại học. Kỹ thuật thu thập mẫu thông qua đại diện phản ánh tình hình thực tế trong quá khứ, hiện tại và kỳ vọng tương lai.

Thống kê mẫu phỏng vấn như sau:

thong-ke-mau-phong-vanNguồn: Nhóm tác giả xử lý số liệu

Số lượng doanh nghiệp ký kết hợp tác với trường

so-luong-doanh-nghiep-ky-ket-hop-tacNguồn: Nhóm tác giả xử lý số liệu

Kết quả hợp tác thu được khi phỏng vấn 30 doanh nghiệp:

ket-qua-hop-tac-thu-duocNguồn: Nhóm tác giả xử lý số liệu

Kết quả phỏng vấn được tổng hợp thực trạng vấn đề liên kết giữa Nhà trường và doanh nghiệp như sau:

Phần lớn đại diện các doanh nghiệp cho biết, doanh nghiệp đã từng tham gia ít nhất 1 lần vào việc đóng góp ý kiến nhằm xây dựng chương trình đào tạo cho bậc đại học. Doanh nghiệp mong muốn các chương trình đào tạo cần bổ sung thêm môn học có thực hành, kết hợp lý thuyết và thực hành. Doanh nghiệp cũng đề nghị Nhà trường cần cải tiến phương pháp giảng dạy cũng như tăng cường các phương tiện mô phỏng ứng dụng, đầu tư thêm phòng thực hành, thí nghiệm trong quá trình đào tạo. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng chú trọng về mặt kỹ năng mà sinh viên sẽ được học để có thể thích ứng nhanh, hòa nhập vào thị trường lao động. Kết quả này phù hợp với mục tiêu họp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp trong phát triển và triển khai chương trình đào tạo.

   Trong nội dung hợp tác về trao đổi nhân sự, chuyên gia, các đại diện doanh nghiệp được mời phỏng vấn cho biết: việc cùng nhau phát triển nền tảng giảng dạy kỹ thuật số di động để ích hợp các nguồn lực của trường hợp tác doanh nghiệp là cần thiết, tuy nhiên vẫn chưa thống nhất được thỏa thuận hợp tác vì còn nhiều điều khoản chưa phù hợp (kinh phí, thời gian, đội ngũ,…).

Trao đổi vấn đề hợp tác trong luân chuyển của sinh viên, kết quả thu được: Các doanh nghiệp quan tâm nhiều đến việc đào tạo thế hệ tương lai. Trong đó, các doanh nghiệp trong ngành Du lịch cho biết: doanh nghiệp cần thêm phần lớn thời gian đào tạo lại để có một đội ngũ chuyên nghiệp. Nhận định chung cho lĩnh vực này như sau: “Hãy để sinh viên có cơ hội tiếp cận thực tế từ khi mới bước chân vào giảng đường, giúp sinh viên dễ dàng nhận thức được những đặc thù nghề nghiệp trong tương lai. Chúng tôi sẵn sàng cho các em tham quan, kiến tập, thực tập, hỗ trợ thực hiện các đồ án tốt nghiệp tại đơn vị mình. Qua đó, các trưởng bộ phận chuyên trách của chúng tôi sẽ hướng dẫn thực hành nghiệp vụ cho các bạn trong một số các học phần phù hợp. Đào tạo, hướng dẫn nghiệp vụ là thế mạnh của chúng tôi. Và cũng từ đó, chúng tôi có thể chọn lựa cộng tác viên cho mình và bồi dưỡng nguồn nhận lực ngay khi các bạn còn ngồi ở ghế nhà trường”.

Phỏng vấn các tập đoàn, công ty trong ngành thiết kế, xây dựng, bất động sản đề cập doanh nghiệp đã tiếp nhận nhiều sinh viên kiến tập, thực tập. Tuy nhiên, việc thiếu các kiến thức thực tế của sinh viên làm cho doanh nghiệp mất nhiều thời gian hơn trong hướng dẫn nguồn nhân lực này sẽ có khả năng hội nhập vào bộ máy công ty ngay khi tốt nghiệp. Như vậy, phía doanh nghiệp sẽ không mất thêm thời gian và tài chính cho công tác đào tạo ban đầu.

             Đối với công tác hỗ trợ tinh thần sáng nghiệp và các hoạt động khởi nghiệp, các doanh nghiệp được phỏng vấn cho biết, đơn vị đã từng tham gia tài trợ tài chính cho trường đại học để thực hiện các cuộc thi về ý tưởng khởi nghiệp, vườn ươm đổi mới sáng tạo, dự án khu công nghệ cao, và một số các dự án nghiên cứu khoa học nhằm khai thác các tiềm năng còn bỏ ngỏ của doanh nghiệp muốn khai thác.

Mặt khác, doanh nghiệp mong muốn phía Nhà trường sắp xếp cho giảng viên/chuyên gia tham gia tập huấn cho đội ngũ cán bộ nguồn, nhằm nâng cao kỹ năng cũng như kiến thức về quản trị hiện đại. Các trường có thể cung cấp một số khóa học nâng cao chuyên môn đặc biệt (có thể ngắn hạn) theo dạng “đào tạo tại chỗ” để người lao động nâng cao trình độ tay nghề của họ tại doanh nghiệp.

Về phía cán bộ chuyên trách công tác quan hệ doanh nghiệp trong trường đại học đã nhận xét: “mức độ hợp tác thể hiện trong việc: trao đổi chuyên gia, chia sẻ tri thức, công nghệ; đầu tư cho các dự án nghiên cứu, triển khai để cùng sở hữu và chuyển giao công nghệ (phần lớn hợp tác theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp). Sự hợp tác này đã tạo ra môi trường học tập có tính thực tế cao cho sinh viên, sinh viên có thể vừa đi học vừa đi làm và có thu nhập ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường”. Các chuyên trách cũng đề xuất: Cần phát triển và quan tâm hơn nữa các bộ phận chuyên trách thực hiện công việc hợp tác giữa đại học và doanh nghiệp. Các bộ phận này phải đảm nhận được vai trò làm cầu nối, phát triển các ý tưởng, điều phối chuyên nghiệp các hoạt động đào tạo gắn với nhu cầu của doanh nghiệp”.

Ý kiến khác của cán bộ chuyên trách cũng cho thấy, cần có tiêu chí chọn lựa doanh nghiệp hợp tác: “Việc lựa chọn các doanh nghiệp phù hợp để đảm bảo hợp tác là một yếu tố quan trọng góp phần nâng cao chất lượng hợp tác.

3. Giải pháp

  • Đề xuất đối với phía Nhà trường

Chương trình đào tạo cần thiết bổ sung những học phần gắn kết với doanh nghiệp, cần giảm tải liều lượng lý thuyết, tăng kiến thức thực tế, thực hành; chú trọng hơn các môn học mang tính liên ngành và các môn học kỹ năng; giảm tải chương trình chính khóa tăng chương trình ngoại khóa, khuyến khích sinh viên tham gia các hoạt động xã hội. Tăng cường trao đổi tập huấn nghiệp vụ sư phạm để giảng viên đến từ doanh nghiệp có điều kiện tham gia vào công tác giảng dạy. Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thông qua hình thức hợp tác này được chủ động tham gia vào các chương trình đào tạo nguồn nhân lực theo yêu cầu sử dụng: doanh nghiệp là nhà sử dụng lao động cũng đồng thời là nhà đào tạo.

Khi cần thiết, Nhà trường có thể thiết kế một vài chương trình chuyên ngành đặc thù, những môn học có thực hành thực tế để đội ngũ lãnh đạo của doanh nghiệp tham gia vào quá trình đào tạo, tạo điều kiện cho các người học nhận thức nghề nghiệp từ sớm, đảm bảo người học có kỹ năng làm việc ngay khi còn ở ghế nhà trường. Đồng thời, nhà trường cần xem xét đến các chế độ phúc lợi dành riêng cho giảng viên đến từ doanh nghiệp, hay gọi là các giảng viên" kép", phối hợp với doanh nghiệp để nhân sự của doanh nghiệp vừa làm việc tại doanh nghiệp, vừa có 1 - 2 ngày trong 1 tuần được giảng dạy thực hành tại các trường. Trong khi giảng viên cơ hữu sẽ phụ trách các module lý thuyết theo thế mạnh, nên để đội ngũ kỹ sư, kỹ thuật của doanh nghiệp phụ trách giảng dạy thực hành.

Chọn lọc các doanh nghiệp đủ tiêu chuẩn để hợp tác, đảm bảo các tiêu chí, như: Thiện chí của doanh nghiệp; Sự hiểu biết về giáo dục và thái độ của các nhà quản lý hàng đầu của doanh nghiệp”; Quy mô kinh doanh của doanh nghiệp; Triển vọng tương lai của doanh nghiệp; Giá trị cốt lõi của doanh nghiệp.

  • Đề xuất đối với các doanh nghiệp

 Chủ động hơn các việc tìm hiểu về hợp tác giáo dục để xây dựng văn hóa hợp tác cũng như thiện chí khi tham gia các hoạt động hợp tác; Có kế hoạch dài hạn về việc công tác trong trao đổi chuyên môn, hướng dẫn sinh viên, hoặc đào tạo tại chỗ cho nhân sự nội bộ; Cần có bộ phận chức năng để tham gia vào quá trình hợp tác để năng cao chất lượng hợp tác; Chọn lọc và có cam kết khi đã ký kết thỏa thuận hợp tác giữa hai bên; Tạo điều kiện để thực hiện các điều khoản hợp tác được thực hiện hiệu quả.

4. Kết luận

Qua khai thác thực tế, nghiên cứu tổng kết dữ liệu sơ cấp được thu thập cho thấy việc hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp chủ yếu tập trung vào 6 mục tiêu: (1) Hợp tác trong nghiên cứu và phát triển; (2) Luân chuyển chuyên gia, giảng viên; (3) Luân chuyển của sinh viên; (5) Phát triển và triển khai CTĐT; (6) Thúc đẩy học tập suốt đời; (7) Hỗ trợ tinh thần sáng nghiệp và các hoạt động khởi nghiệp; còn lại 2 mục tiêu: (4) Thương mại hóa các kết quả nghiên cứu và phát triển, phương diện này phổ biến đối với trường đại học và các tỉnh, thành với các đề tài nghiên cứu cấp tỉnh; (8) Tham gia quản trị trường đại học, phương diện hợp tác này rất hạn chế, tỷ lệ không đáng kể.

Kết quả tổng hợp phỏng vấn cho thấy, chỉ có 6/8 hạng mục hợp tác được triển khai rộng rãi. Tuy nhiên, hiện vẫn còn mang tính ngắn hạn, chưa có sự cam kết lâu dài, phương thức hợp tác còn hạn chế, mức độ hợp tác còn chưa sâu, chưa thể hiện hết vai trò của hợp tác liên kết nhà trường và doanh nghiệp.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Hoàng Thanh Huyền, Phạm Thị Minh Thảo (2019). Đo lường các nhân tố ảnh hưởng tới hợp tác giữa doanh nghiệp và trường đại học. Quản trị ngân hàng và doanh nghiệp.
  2. Quốc hội (2019). Luật Giáo dục số 43/2019/QH14 ngày 14/06/2019.
  3. Quốc hội (2018). Luật sửa đổi bổ sung Luật Giáo dục đại học số 34/2018.
  4. Nguyễn Kim Dung và Phạm Thị Hương (2017). Thực trạng hợp tác của các trường đại học với doanh nghiệp ở Việt Nam. Tạp chí Khoa học14(4), 29.
  5. Phạm Thị Ly (2016). Về quan hệ hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp. Truy cập tại: https://www.lypham.net/?p=745
  6. Trần Thị Kim Anh và Trần Tú Uyên (2020). Nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng tới mức độ sẵn sàn tham gia hợp tác Doanh nghiệp - Cơ sở giáo dục đại học. Tạp chí Giáo dục, số 489, tr 1-8.
  7. Cui, L. (2016). Brief Analysis of Schools Enterprises Cooperation Teaching in Colleges and Universities in the Era of Big Data [C]. In International Conference on Mechatronics, Computer and Education Informationization. China: Atlantis Press.
  8. Davey, T., Baaken, T., Muros, V.G., & Meerman, A. (2011). The state of European university - business cooperation final report - Study on the cooperation between higher education institutions and public and private organisations. Munster: Science-to-Business Marketing Research Center.
  9. Karlik, A. E., Platonov, V. V., Iakovleva, E. A., & Shirokov, S. N. (2016, November). Experience of cooperation between St. Petersburg universities and industrial enterprises. In 2016 IEEE V Forum Strategic Partnership of Universities and Enterprises of Hi-Tech Branches (Science. Education. Innovations) (pp. 9-11). IEEE.
  10. Mora-Valentin, E.M. (2000). University-Industry Cooperation: A Framework of Benefit and Analysis. Industry and Higher Education, 14(3), 165 - 172.
  11. Plewa C., Korff N., Baaken T., & Macpherson (2013). University - industry linkage evolution: An empirical investigation of relational success factors. R&D Management, 43(4), 365-380.

 

SOLUTIONS TO ENHANCE THE UNIVERSITY-ENTERPRISE COOPERATION IN THE HIGHER EDUCATION FIELD: CASE STUDY OF NGUYEN TAT THANH UNIVERSITY

Ph.D TRAN AI CAM 1

Master. DANG NHU THAO 1

1 Nguyen Tat Thanh University

ABSTRACT:

In this study, the qualitative method was used, specifically in-depth interviews with 30 enterprises cooperating with Nguyen Tat Thanh University and 10 leaders who are in charge of business relations at the university’s faculties. This study analyzed the current cooperation of the university with enterprises in order to discover new ideas and new methods to enhance these cooperations, improve the university’s student training and contribute to the socio-economic development.

Keywords: university-enterprise cooperation, application-oriented, higher education.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, 

Số 25, tháng 10 năm 2021]